TS. Ngô Đức Lâm: Petrovietnam đủ năng lực tham gia phát triển điện gió ngoài khơi

11:46 | 26/08/2024

16,456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trao đổi với PetroTimes, TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, để phát triển điện gió ngoài khơi rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và tiềm năng như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN),...
TS. Ngô Đức Lâm: Petrovietnam đủ năng lực tham gia phát triển điện gió ngoài khơi
TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng ( Bộ Công Thương).

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam?

TS. Ngô Đức Lâm: Theo tôi, phát triển điện gió ngoài khơi là chủ trương lớn đúng đắn của Đảng, Chính phủ, đây là giải pháp đột phá, cần thiết trong chuyển dịch năng lượng, đảm bảo Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26 và an ninh năng lượng quốc gia.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nhờ vào đường bờ biển dài hơn 3.000 km và vùng biển nông rộng lớn. Theo một số nghiên cứu, Việt Nam có khả năng khai thác được khoảng 600 GW công suất điện gió ngoài khơi. Trong đó, tiềm năng kỹ thuật là 261 GW điện gió ngoài khơi móng cố định (ở độ sâu thấp hơn 50 m), 338 GW của các dự án điện gió ngoài khơi móng nổi (ở vùng biển sâu hơn 50 m). Có nơi, tốc độ gió hàng năm vượt hơn 10 m/s.

Đây là một con số ấn tượng, với tiềm năng này, Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu khu vực trong tương lai.

Việc phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng cao của nền kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần vào mục tiêu quốc gia về chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi gắn với thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

PV: Với tiềm năng lớn như vậy, ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này?

TS. Ngô Đức Lâm: Khi nói đến các dự án lớn như điện gió ngoài khơi, việc lựa chọn nhà đầu tư là rất quan trọng. Việt Nam cần hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế có kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Các quốc gia như Đan Mạch, Đức, Vương quốc Anh hiện là những nước đi đầu trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Các công ty từ những quốc gia này không chỉ mang lại vốn mà còn cả kinh nghiệm quản lý, vận hành và công nghệ tiên tiến, giúp tối ưu hóa hiệu quả và giảm chi phí của dự án.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng cần được tạo điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị của các dự án này, từ sản xuất, lắp đặt cho đến bảo trì và vận hành. Điều này không chỉ tạo ra việc làm mà còn giúp nâng cao năng lực công nghệ và quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới tại Việt Nam, có liên quan tới quốc phòng, an ninh nên việc triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Tôi nhất trí với đề xuất của Bộ Công Thương, giai đoạn đầu nên giao cho tập đoàn kinh tế Nhà nước làm dự án thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Việc giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân chỉ thực hiện sau khi có đánh giá toàn diện dự án thí điểm và hệ thống văn bản pháp luật đã hoàn thiện.

TS. Ngô Đức Lâm: Petrovietnam đủ năng lực tham gia phát triển điện gió ngoài khơi
Petrovietnam đủ năng lực tham gia phát triển điện gió ngoài khơi/Ảnh minh họa

PV: Vậy theo ông, ở Việt Nam những tập đoàn kinh tế Nhà nước nào có khả năng tham gia vào lĩnh vực này?

TS. Ngô Đức Lâm: Ở Việt Nam, các doanh nghiệp có khả năng tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi phải là những tập đoàn, tổng công ty lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

Theo tôi, hiện nay có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đủ khả năng thực hiện thí điểm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước có tiềm lực lớn, uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu khí ngoài khơi. Họ có công nghệ, khả năng thu xếp vốn thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác. Đặc thù của Petrovietnam là hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính. Petrovietnam và các đơn vị thành viên được cho là có lợi thế nhất tại Việt Nam khi thực hiện các công trình trên biển từ nhiều khía cạnh, như điều tra số liệu, quan hệ quốc tế, nhân lực làm ngoài biển, chế tạo, vận hành và cả an ninh - quốc phòng.

Ngoài ra, một số đơn vị thành viên của Petrovietnam cũng đã làm chủ công nghệ, làm nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ kỹ thuật tại Việt Nam và trong khu vực như Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Tôi được biết, đơn vị này đã tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ, như vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm,... Tại thị trường nước ngoài, PTSC đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo hai trạm biến áp ngoài khơi cho dự án điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan (Trung Quốc).

Từ những lợi thế đó, tôi cho rằng giao cho Petrovietnam thí điểm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi là có cơ sở và hợp lý.

Ngoài ra, cũng nên giao cho EVN tham gia vào thí điểm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bởi EVN cũng là doanh nghiệp Nhà nước lớn, có tiềm lực, có kinh nghiệm phát triển các dự án điện, đặc biệt là truyền tải điện...

PV: Để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư tiên phong tham gia vào phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, cần phải có cơ chế, chính sách như thế nào, thưa ông?

TS. Ngô Đức Lâm: Như tôi đã nói, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, để các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, các chính sách và cơ chế hỗ trợ là vô cùng cần thiết.

Đầu tiên, cần có một cơ chế đảm bảo doanh thu tối thiểu cho các nhà đầu tư. Đây là biện pháp thường thấy ở nhiều quốc gia có kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, nhằm đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ không phải chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu có biến động bất ngờ trên thị trường điện.

Thứ hai, Chính phủ nên xem xét việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc các khoản vay ưu đãi, để giúp các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp và điều kiện trả nợ dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đầu tư vào điện gió ngoài khơi đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi về thuế và phí để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định hoặc miễn thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ cho dự án.

Cũng không thể thiếu các cơ chế, chính sách ổn định và dài hạn, đảm bảo rằng các quy định không thay đổi đột ngột và gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình triển khai dự án. Sự ổn định này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp họ yên tâm hơn khi bỏ vốn vào lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Cuối cùng, Chính phủ cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để xây dựng một hệ thống pháp lý và chính sách hoàn thiện, phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành điện gió ngoài khơi.

PV: Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW. Theo ông, mục tiêu này liệu có khả thi? Việt Nam có thể đối mặt với những khó khăn gì trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi, thưa ông?

TS. Ngô Đức Lâm: Theo tôi, mục tiêu này là một thách thức lớn, bởi đến thời điểm hiện tại, phát triển điện gió ngoài khơi đang gặp nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, như: chưa có khung pháp lý; quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt; quy hoạch vị trí, quy trình, giá và tiêu chí... về điện gió ngoài khơi chưa rõ ràng.

Điều đáng nói nữa là thông thường việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi mất khá nhiều thời gian, từ khi chuẩn bị đến hoàn thành phải mất 6, 7 năm. Như vậy, nếu năm nay các vấn đề vướng mắc không được giải quyết sớm thì sẽ không thể đảm bảo mục tiêu đề ra theo Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng phát triển điện gió ngoài khơi còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như:

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, việc xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi công nghệ cao, vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn thành kéo dài.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành điện gió ngoài khơi còn thiếu, đặc biệt là hệ thống lưới điện truyền tải. Điều này có thể gây khó khăn trong việc kết nối các dự án với hệ thống điện quốc gia.

Thứ ba, các thủ tục pháp lý và quy hoạch chưa đồng bộ cũng là một rào cản lớn. Hiện nay, các quy định về đấu thầu, cấp phép và đầu tư cho điện gió ngoài khơi còn phức tạp và chưa rõ ràng, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo vệ môi trường biển và quyền lợi của ngư dân cũng cần được giải quyết một cách hài hòa.

PV: Theo ông, để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi như mục tiêu đề ra, Việt Nam cần phải có những giải pháp gì?

TS. Ngô Đức Lâm: Để phát triển điện gió ngoài khơi, trước hết cần phải có quy hoạch không gian biển. Đồng thời, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành.

Bên cạnh đó, các vướng mắc pháp lý, chính sách phải được tháo gỡ sớm; xem xét nghiên cứu xây dựng và ban hành chiến lược quốc gia, kèm lộ trình về phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vị trí phát triển điện gió ngoài khơi cho các dự án cụ thể; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết. Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp cận được các công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này. Ngoài ra, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Cùng với đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng xanh, chính sách carbon với điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp mới này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Tưởng

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps