TS. Cấn Văn Lực: Giảm lãi suất sẽ kéo theo hai hệ lụy
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất sẽ có tác động trong hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm một phần chi phí lãi vay, đồng thời, tăng niềm tin của doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lo ngại cho rằng, giảm lãi suất sẽ kéo theo hai hệ lụy. Đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% có thể bị phá vỡ nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Thứ hai sẽ tác động tới các mục tiêu kinh tế vĩ mô, bởi giảm lãi suất đồng nghĩa với nguồn cung tiền ra nền kinh tế sẽ tăng khiến áp lực lạm phát tăng.
![]() |
TS. Cấn Văn Lực |
“Đây là tác động cần lưu ý, nhất là trong bối cảnh giá dầu và giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn đang ở lộ trình tăng giá” – chuyên gia nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng, đặc biệt là lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ vui mừng và cho rằng, họ rất cần nguồn vốn giá rẻ để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng đầu vào đang tăng cao.
“Nếu tình hình này giữ được đến quý IV thì đó là điều thuận lợi của doanh nghiệp. Vì đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất cần một số vốn lớn để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng phục vụ dịp Tết” – đại diện một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo nói.
Ngày 1/8/2019, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, Vietcombank chính thức thông báo áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1,0%/năm so với mức quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới.
Tại VietinBank cũng sẽ tiếp tục giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn. Cùng với đó, các chương trình tín dụng với các mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho các khách hàng vừa và nhỏ, các khách hàng xuất khẩu, sản xuất kinh doanh thương mại sẽ tiếp tục được VietinBank triển khai từ nay tới cuối năm.
![]() |
(Ảnh minh họa) |
BIDV giảm trần lãi suất cho vay 0,5%/năm về mức 5,5%/năm đối với đối tượng ưu tiên. Các đối tượng còn lại thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa 6,0%/năm.
Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên so với mặt bằng hiện tại (thấp hơn 0,75-1%/năm so với trần quy định của NHNN).
MB Bank cũng triển khai 2 gói cho vay ngắn hạn VND ưu đãi, gồm: Gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; Gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-7,5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Techcombank áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất giảm khoảng 0,5% so với mức hiện tại đối với những khách hàng nằm các chương trình kinh doanh trọng tâm của Techcombank và đưa mức lãi suất cho vay mới trung bình về khoảng 7,5%/năm, áp dụng đến 31/12/2019.
Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm, các ngân hàng giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đó, hồi đầu năm, các ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Minh Thùy
![]() |
![]() |
![]() |
-
Giá vàng hôm nay (15/4): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước
-
Hội đồng Vàng thế giới: Dòng tiền đầu tư đang chảy mạnh vào vàng
-
PVcomBank và Bệnh viện An Bình ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
-
PVcomBank ký kết hợp tác toàn diện với bệnh viện và trường đại học tại tỉnh Long An