Truyền thông phương Tây bịa đặt quá nhiều về Nga

12:00 | 07/07/2016

1,221 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phiên bản điện tử của tạp chí Mỹ The Nation vừa đăng một bài báo phê phán tính thiếu khách quan, thậm chí bịa đặt của các phương tiện truyền thông phương Tây khi nói về nước Nga.
tin nhap 20160707110714
Báo chí phương Tây tự “lá cải hóa” khi viết về Nga

Nhà báo James Carden, tác giả bài báo viết rằng trên thế giới có một nước duy nhất mà khi đưa tin, đăng bài về nước ấy, các phương tiện truyền thông quốc tế thậm chí không tính đến các tiêu chuẩn cơ bản của báo chí. Đó là nước Nga. Trong suốt thời gian một tháng vừa qua, Nga bị cáo buộc gần như tất cả các loại tội lỗi.

The Nation dẫn chứng: ngày 14 tháng 6, tờ The Washington Post của Mỹ đã khẳng định rằng theo chỉ thị của chính phủ Nga, các tin tặc đã xâm nhập máy tính Ủy ban Đảng Dân chủ Hoa Kỳ (DNC) để lấy trộm cơ sở dữ liệu thu thập được về ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump. Tác giả James Carden cho biết thêm, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây vội vàng đổ lỗi cho Tổng thống Nga về vụ việc này. Tuy nhiên, không có bằng chứng khách quan nào cho thấy rằng, chính phủ Nga, và đặc biệt là cá nhân ông Vladimir Putin, có liên quan đến vụ tấn công mạng vào DNC. Tờ The Nation cho biết, sau đó, một hacker người Romania, hoàn toàn không liên quan gì với Nga, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công mạng vào cơ sở dữ liệu tối mật của DNC.

Trên tờ The Washington Post tiếp tục xuất hiện những bài báo có nội dung bài xích Nga, giới thiệu những tư liệu ám chỉ rằng Donald Trump có mối liên hệ với cơ quan đặc vụ Nga và là người có thiện cảm với Nga. The Washington Post nêu dẫn chứng là Trump và các thành viên gia đình ông đã mấy lần đến thăm Moscow. Tác giả bài báo trên tờ The Nation nhấn mạnh: "Đúng, Donald Trump đã từng đến Matxcơva! Về mặt này, doanh nhân Trump không khác gì mấy so với những nhà doanh nghiệp Mỹ và phương Tây khác đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Nga!".

Tờ The Washington Post lưu ý đến một "hành vi sai trái" khác của Nga: vào tháng 4 một nhà ngoại giao Nga đã tham dự cuộc họp khi Donald  Trump phát biểu về chính sách đối ngoại của Washington! Nhà báo James Carden bình luận: "Như vậy mà là hành vi "tội phạm" sao?! Nhân tiện xin nói rõ, các vị đại sứ của Mỹ thường xuyên làm như vậy, và hành vi của họ thường mang tính khiêu khích, kích động. Ví dụ, đại sứ Mỹ tại Ukraina, Jeffrey Payette đã tham dự các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kiev, ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, trong năm 2011 đại sứ Mỹ tại Syria, Robert Ford đã đến dự các hoạt động chống chính phủ".

Trên tờ The Nation, tác giả James Carden đã chế nhạo những suy đoán vô căn cứ của báo chí Anh rằng dường như Matxcơva đã cố gắng kích động các cuộc đụng độ giữa cổ động viên Nga và Anh để đội tuyển bóng đá Anh bị truất quyền thi đấu và hi vọng điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuộc trưng cầu dân ý việc Anh nên ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu!

Chưa hết. Hồi đầu tháng Sáu, báo chí Anh rầm rộ đưa tin rằng hải quân Anh đã chặn bắt một tàu ngầm của Nga với những dòng tít "điện giật" như "Tàu khu trục Hải quân Hoàng gia đã chặn một tàu ngầm Nga ở Biển Bắc, cách không xa eo biển Manche" (Telegraph), "Hải quân Hoàng gia phát hiện tàu ngầm Nga tiến vào eo biển Manche" (The Independent), "Một tàu ngầm Nga bị tàu chiến Anh chặn" (Sky News), "Vladimir Putin điều động tàu ngầm tấn công tới eo biển Manche nhưng đã bị các khu trục hạm của Hải quân Hoàng gia theo dõi chặt chẽ" (The Daily Mail), "Truy lùng Hồng quân gần cảng Dover: Vladimir Putin cử tàu ngầm tấn công tới Manche vài ngày trước trận bóng Anh-Nga tại Euro-2016" (The Sun).

Nhưng sự thật là gì?

Như phía Nga đã nói rõ, tàu ngầm Staryi Oskol di chuyển trên mặt biển cùng với một tàu lai dắt. Sau khi hoàn thành hoạt động thử nghiệm thông thường tại Hạm đội Baltic, con tàu này di chuyển đến căn cứ thường trực của mình ở Biển Đen. Giới quân sự Nga lấy làm lạ là việc một tàu ngầm chạy ở tốc độ thấp trên mặt  biển kèm theo tàu kéo lại khiến cho Hải quân Anh và các nước đồng minh NATO phải cuống cuồng lên như thế, trong khi những ngày trước đo, theo truyền thống hàng hải, các tàu thương mại bắt gặp tàu ngầm Staryi Oskol bơi nổi trên biển Barents, biển Na Uy và Biển Bắc đều gửi tín hiệu chào thủy thủ đoàn của tàu ngầm. Quả là nực cười khi Hải quân Hoàng gia Anh và NATO lại hoảng hốt làm ầm lên như thế.

"Thông tin sai sự thật đăng tải trên các phương tiện truyền thông của phương Tây đe dọa khả năng cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga. Trong bối cảnh này, hai siêu cường hạt nhân buộc phải lựa chọn đường lối đầy nguy hiểm có thể dẫn tới một thảm họa. Tốt hơn hết, các phương tiện truyền thông nên giảm số thông tin giật gân sai sự thật về Nga và cố gắng tôn trọng tính khách quan của nghề báo" - tác giả James Carden viết.  

Thiện Tâm

RIA, Tass

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc