Truyền nghị lực sống cho bệnh nhân ung thư

14:00 | 08/03/2019

735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lần thứ 2 lọt vào Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2018 do Tạp chí Forbes bình chọn, cái tên Trương Thanh Thủy - người sáng lập Dự án Sáng kiến ung thư muối (Salt Cancer Initiative - SCI) - khiến nhiều người cảm phục và nhớ đến hình ảnh đẹp của cô gái được mệnh danh là “thủ lĩnh của những bệnh nhân ung thư”.

Những ngày này, Thủy đang phải vật lộn với nỗi đau dai dẳng trên cơ thể. Cuối năm 2018, cô phải đối mặt với việc cắt đi 1/3 lá phổi, vật lộn với những cơn đau, nhưng không khi nào người ta thấy cô hết lạc quan. Thủy còn thường xuyên kể về câu chuyện của mình, về những gì mình đã trải qua trong quá trình điều trị và chống chọi với căn bệnh ung thư như một cách truyền nghị lực sống cho các bệnh nhân khác.

truyen nghi luc song cho benh nhan ung thu
Trương Thanh Thủy - người sáng lập Dự án Sáng kiến ung thư muối SCI

Hơn 3 năm trước, Trương Thanh Thủy (còn gọi là Thủy Muối) là một cái tên sáng giá của cộng đồng công nghệ Việt Nam. Cô được BBC mệnh danh là “nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam” khi lần lượt thành lập chuỗi cửa hàng Parallet Frozen Yogurt (2009), Công ty GreenGar (2013), Công ty Tappy (2014). GreenGar Inc chính là công ty đầu tiên đưa cái tên Việt Nam gia nhập vào mạng lưới startup ở thung lũng Silicon. Các sản phẩm mà Thủy làm được là minh chứng cho trí tuệ người Việt đang vươn xa ra thế giới.

Những thành tựu ấy đưa cái tên Trương Thanh Thủy vào Top 30 gương mặt trẻ nổi bật Việt Nam do Tạp chí Fobers bình chọn vào năm 2015. Thời điểm ấy, Thủy không chỉ nổi danh trên cộng đồng startup mà còn là tấm gương của nhiều người trẻ với những dự án khởi nghiệp, những chuyến đi du lịch, trải nghiệm đầy thú vị... Thế nhưng, tháng 9/2016, khi đang ở đỉnh cao và ấp ủ nhiều dự định mới trong sự nghiệp, cô đột ngột phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối.

Cũng giống như nhiều người, Thủy rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Cô kể, ngày mình được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ hỏi cô còn gì muốn làm nữa hay không, cô trả lời là không, mình đón nhận căn bệnh và hành trình cận tử của mình với tất cả hoài nghi và chán nản. Thủy bảo: “Điều khó khăn nhất của bất kỳ bệnh nhân ung thư nào không phải là những cơn đau dai dẳng, mà chính là khoảnh khắc phải chấp nhận rằng mình sẽ phải sống với căn bệnh quái ác này suốt đời”.

truyen nghi luc song cho benh nhan ung thu
Một trong những buổi tập nhảy flashmob cho bệnh nhân do SCI tổ chức

Thủy kể, 9 tháng đầu tiên điều trị, cô ở với gia đình. Khi nằm và nghĩ tương lai của mình không biết đi về đâu, không có việc làm, không có tiền, không có gì cả, Thủy thấy cuộc đời mình rất tối. Nhưng chính những người thân, bạn bè đã vực cô dậy. Người thân thậm chí còn dọa nạt cô không được phép chết, có những người bạn còn bay từ Việt Nam sang Mỹ chỉ để được nhìn thấy cô… Thủy bảo, mặc dù bị bạo bệnh nhưng cô rất may mắn. Những sự quan tâm ấm áp đó khiến Thủy suy nghĩ: “Không một bệnh nhân ung thư nào phải đơn độc đương đầu với cuộc chiến chống ung thư cả”.

Hơn ai hết, Thủy hiểu cảm giác đơn độc chiến đấu lại bệnh tật khó khăn thế nào, rằng tinh thần của người bệnh cũng cần được chăm sóc như nỗi đau thể xác, nhất là khi tất cả các thuốc đang điều trị ung thư hiện nay đều có tác dụng phụ là làm cho người bệnh bị trầm cảm. Hiểu được điều đó, Thủy đã nghĩ đến việc cho ra đời Dự án Salt Cancer Initiative (SCI) - dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, với sứ mệnh hỗ trợ sức mạnh tinh thần và thông tin cần thiết cho bệnh nhân ung thư.

Thủy suy nghĩ, ở Việt Nam, mỗi ngày có hơn 400 người được chẩn đoán ung thư, đó là 400 nỗi đau của 400 gia đình khác nhau, phải bước vào một trận chiến mà không ai chuẩn bị trước tinh thần. Vậy chúng ta đối mặt và giải quyết nó bằng cách nào? Vì thế, Thủy hướng SCI hoạt động theo hai mục đích chính: Cung cấp kiến thức về căn bệnh ung thư đến với bệnh nhân và người thân; giúp đỡ họ về mặt tinh thần.

Và, trong suốt 2 năm qua, SCI đã và đang là ngôi nhà chung của rất nhiều bệnh nhân ung thư. Bên cạnh việc kết nối các bệnh nhân và người nhà với bác sĩ, được nghe tư vấn trực tiếp, thì SCI còn tạo ra một cộng đồng những bệnh nhân ung thư, nơi mọi người có thể quan tâm và chăm sóc lẫn nhau để sống tích cực hơn mỗi ngày. SCI có các lớp dạy piano, yoga… dành riêng cho bệnh nhân ung thư được tổ chức hằng tuần tại TP HCM và Hà Nội… Tất cả những cố gắng ấy là nỗ lực kêu gọi sự chung tay của cộng đồng với bệnh nhân bị ung thư của Thủy.

Thủy bảo, khi nói đến bệnh ung thư, ai cũng nghĩ đến hình ảnh những người thiếu sức sống, tuyệt vọng và chán chường. Ít người hiểu được rằng, trước khi khối u ác tính tàn phá cơ thể thì những suy nghĩ tiêu cực đã phá nát tâm trí người bệnh, thậm chí cả người thân của họ. Cuộc đời tươi đẹp hay tối tăm là do chính mình lựa chọn, Thủy nghĩ: “Nếu căn bệnh ung thư cũng chỉ là một phần của cuộc sống, giống như một người bạn đời không phải hoàn hảo, tại sao chúng ta không học cách sống một cuộc sống đẹp đẽ theo cách riêng của mình?”.

Đó là điều mà suốt 2 năm qua, khi bản thân mình cũng đau đớn vì bệnh tật, Thủy luôn nỗ lực để truyền cảm hứng cho người khác. Vẫn có những cuộc nói chuyện, vẫn có những buổi leo núi, nhảy flashmob… hay những chuyến du lịch cho riêng mình, đó là những việc khiến Thủy thấy mình đang sống.

Trên trang cá nhân của Thủy luôn thấy những câu chuyện tràn ngập nhiệt huyết dành cho SCI. Thủy kể, trong quá trình điều trị, có lúc Thủy đã bị tác dụng phụ đến nỗi cổ họng đau nhức không nói được thành lời, mất hoàn toàn khả năng sinh con, mỗi ngày phải tiêm 4-5 mũi, mặt mũi xấu đi vì nổi đầy ban…, thậm chí nhận cả tin dữ ung thư di căn vào xương, bị thuốc điều trị làm cho suy nghĩ tiêu cực… Thế nhưng, mỗi ngày khi nhìn vào gương, Thủy tự hỏi: “Nếu ngày mai thức dậy mà xấu hơn thế này nữa thì liệu tôi có còn muốn sống hay không? Nếu cả đời phải ăn mọi thứ từ máy xay sinh tố thì tôi có còn muốn tiếp tục điều trị hay không?”. Câu trả lời là “có”, không phải vì tin rằng khó khăn sẽ qua, mà Thủy tin rằng, dẫu cho khó khăn hơn nữa thì cô sẽ vẫn sống một cách tử tế nhất có thể và đó là điều đẹp đẽ nhất trong cuộc đời này.

SCI đã và đang là ngôi nhà chung của rất nhiều bệnh nhân ung thư. Bên cạnh việc kết nối các bệnh nhân và người nhà với bác sĩ, SCI cònt tạo ra một cộng đồng những bệnh nhân ung thư, nơi mọi người có thể quan tâm và chăm sóc lẫn nhau để sống tích cực hơn mỗi ngày.

Huy An