Trường chuyên - ước mơ hay khủng hoảng?

13:15 | 30/05/2019

573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các trường chuyên thường sớm hoàn thành chương trình để dạy học mở rộng, chuyên sâu, luyện gà nòi, thầy chăm vào dạy khó, trò học đến mụ người...

Hầu hết tỉnh, thành phố cả nước có trường THPT chuyên, có tỉnh hai trường, đó là chưa kể trường chuyên trực thuộc một số đại học. Do được đầu tư cơ sở vật chất, tuyển chọn đội ngũ giáo viên, phụ cấp cao hơn (vì là trường chuyên biệt), đầu vào được tuyển nhiều học sinh học giỏi, vì vậy vào học trường chuyên là ước mơ của nhiều học sinh cùng phụ huynh.

Những năm học qua, do lợi thế, các trường chuyên đào tạo nhiều học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng như xét tuyển vào đại học. Từ trường chuyên, có học sinh tiếp tục thành đạt trên con đường học vấn, lúc trưởng thành đóng góp vào công cuộc kiến thiết địa phương, đất nước.

Tại các địa phương, trường chuyên xem như con chim đầu đàn, nơi gửi gắm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, niềm tự hào của chính quyền, ngành giáo dục. Với kỳ vọng đó, từ lãnh đạo trường chuyên đến giáo viên và cả học sinh đều chịu áp lực. Áp lực lớn nhất là trường chuyên phải có giải ở các vòng thi chọn học sinh giỏi.

Để giải quyết, trường chuyên đặt ra yêu cầu cao đối với thầy trò về năng lực nghề nghiệp, kiến thức và kỹ năng. Các trường chuyên thường sớm hoàn thành chương trình để dạy học mở rộng, chuyên sâu, luyện gà nòi. Thầy trò dạy và học trong hè, học ngày, học đêm, học thêm. Thầy chăm vào dạy khó, trò học đến mụ người, chạy theo thầy đã hụt hơi.

Có trường chuyên chỉ chú trọng môn chuyên và cận chuyên để giải quyết "hai trong một": đạt giải và đậu đại học, các môn học khác chỉ cần đủ điểm số theo quy định. Phổ biến là dạy nhồi nhét, học sinh nào giỏi ghi nhận sẽ tiếp tục vào đội tuyển (thường sẽ đoạt giải).

truong chuyen uoc mo hay khung hoang

Học sinh thi vào trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) ngày 26/5. Ảnh: Dương Tâm

Hà Nội và TP HCM đang nóng chuyện học sinh thi vào trường chuyên. Nhiều học sinh trong 10 ngày dự thi đến 3 trường chuyên. Phụ huynh có biết vô hình trung làm con em mình mệt nhoài vì... ảo vọng hay không? Ngày hè sao nỡ lấy đi của con em mình khoảng thời gian lẽ ra các em được đọc sách, chơi thể thao, giúp ích gia đình, nghỉ ngơi.

Việc học hiện nay nguồn học liệu phong phú, các tài liệu cứng (được in ấn), tài liệu trên mạng xã hội. Cấu trúc các tài liệu này có lý thuyết căn bản, các dạng bài tập làm mẫu, có bài tập kèm hướng dẫn giải và có bài tập để người học tự giải. Trên Youtube nhiều thầy cô có bài giảng hay. Điều này giúp học sinh nếu được hướng dẫn tự học có thể học tập mọi nơi, mọi lúc với tâm trạng thoải mái.

Các trường phổ thông bình thường hiện nay đều chú trọng nâng cao chất lượng dạy học, đội ngũ có giáo viên kinh nghiệm, nhiều giáo viên trẻ đầy tiềm năng và nhiệt huyết, lãnh đạo trường có khát vọng vươn lên. Có trường tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm sáng tạo, không chỉ mang lại niềm vui cho học sinh mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm, chuẩn bị tốt cho cuộc sống sau này.

Để tạo bứt phá trong giáo dục, trong nhiều trường hợp ưu thế lại thuộc về các trường ở vùng khó. Mặt khác đổi mới giáo dục và công nghệ thông tin đang mang đến cơ hội như nhau cho mọi trường học. Quan trọng là các trường có xác định đúng tầm nhìn, các giá trị và chiến lược hành động. Đây là điều phụ huynh cần tham khảo để quyết định chọn trường cho con em theo học, thành tích chỉ là một kênh nhỏ để tham khảo.

Thi đại học hiện nay, trong đề thi, phần biết và hiểu học sinh có thể làm tốt nhờ tự học, phần vận dụng từ thấp đến cao - gây khó không chỉ cho trò mà cả cho thầy. Nhưng nếu học sinh có căn bản (kỹ năng tính toán và diễn đạt), được hướng dẫn và đặc biệt tiếp cận với tài liệu hay, các em có thể vượt qua. Phụ huynh chăm lo cho con em học tập tốt chính là biết hướng dẫn kỹ năng tự học, tìm kiếm tài liệu, không nên chỉ dựa dẫm vào thầy cô.

Danh hiệu học sinh giỏi sẽ ý nghĩa nếu đó là những nỗ lực từ trong quá trình học tập, các em biết rèn luyện sức khỏe, sống có trách nhiệm, yêu thương gia đình, thân thiết với bạn bè, sống tốt trong cộng đồng. Lẽ tất nhiên, trong số đông học sinh, có những em có năng lực đặc biệt. Số này không nhiều, xuất sắc trong học tập không phải là cơ hội được chia đều cho mọi người. Vì vậy phụ huynh hãy tập cho mình và hướng dẫn con em sống bình thường, tử tế, hòa nhịp với cuộc sống xung quanh, cuộc sống ấy mới ý nghĩa, hành trình đó mới mang đến hạnh phúc.

Phải chăng do ước mơ "cao" mà lại "nhỏ", trong tâm trạng có phần hoài nghi, khủng hoảng nên phụ huynh chỉ nhìn thấy và đặt cược vào trường chuyên? Đó là ước mơ hay là sự khủng hoảng?

Theo VNE

Giá nâng điểm thi mỗi thí sinh ở Sơn La cao nhất là bao nhiêu?
Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La từng đổi lời khai về việc "xem trước điểm thi" cho 8 thí sinh!
Một tỷ đồng/suất nâng điểm: Không đắt với nhiều người (!?)
Sơn La khai trừ 8 đảng viên liên quan gian lận thi cử
Ông Giản Tư Trung: Cứu xã hội 'loạn chuẩn' bằng việc thực học