Trung Quốc sẽ đẩy nhanh xây dựng các đập thủy điện?

19:00 | 19/11/2012

3,476 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng vào năm 2020, liệu ban lãnh đạo mới của Trung Quốc có gia tăng số lượng các dự án thủy điện?

 

>> TRUNG QUỐC XÂY DỰNG ĐẬP THỦY ĐIỆN ĐẦU NGUỒN SÔNG MEKONG: Cướp “nước” trên thượng nguồn

 

Trung Quốc dự kiến xây dựng 60 nhà máy thủy điện lớn trong giai đoạn 2011-2015

Tiến độ xây dựng các đập thủy điện đã bị chậm lại đáng kể dưới thời của Thủ tướng Ôn Gia Bảo - người về mặt cá nhân thường hay ngăn cản các dự án thủy điện để tránh gây ra nguy cơ biểu tình của người dân địa phương. Các dự án thủy điện, như Dự án Đập Tam Điệp trị giá 59 tỷ USD... đang là tâm điểm hứng chịu những lời chỉ trích xung quanh "cái giá" về xã hội và môi trường mà Trung Quốc đang phải trả để phát triển.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân Trung Quốc phản đối mô hình kinh tế "tăng trưởng bằng mọi giá", việc xây thêm các đập có thể trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc xem xét phương thức tăng sản lượng điện, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy thủy điện, vì những lựa chọn thay thế khác như nhiệt điện hoặc điện hạt nhân thậm chí sẽ ít nhận được sự chấp nhận của người dân hơn. Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Hạ Môn, nhận định: "Đó là lý do tại sao thủy điện vẫn là sự lựa chọn đúng đắn nhất và là sự lựa chọn duy nhất. Không phải mọi người đều đồng ý với điện hạt nhân, nhất là khi nó liên quan tới việc xây những con đập lớn - nguyên nhân gây ra rất nhiều xung đột. Chúng ta cần thận trọng khi xem xét tác động về môi trường, nhưng Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác".

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gần một nửa tổng sản lượng điện lên tới 1.500 GW vào năm 2020, tăng so với 1.060 GW vào cuối năm ngoái, trong khi giảm sản lượng than đá và hạn chế sự phụ thuộc vốn ngày càng tăng vào khí đốt nhập khẩu tốn kém. Quy mô của nhiệm vụ này là rất đồ sộ. Bắc Kinh cũng đang tìm cách tăng phần nhiên liệu phi hóa thạch từ 9,4% vào năm 2011 lên tới 15% trong tổng số các nguồn năng lượng vào năm 2020. Trung Quốc đã giảm bớt các dự án điện hạt nhân kể từ sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản - nguyên nhân làm giảm bớt sự lựa chọn về năng lượng sạch của Bắc Kinh và khiến nước này khó đạt được mục tiêu về sản lượng điện nếu không xây thêm đập thủy điện.

Zhang Boting, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí thủy điện Trung Quốc - một tổ chức ủng hộ thủy điện - cho biết trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, số lượng các dự án thủy điện đã giảm một nửa, với chỉ 1/3 số dự án thuộc diện ưu tiên trong giai đoạn 2006-2010 thực sự được triển khai. Theo kế hoạch, ông Ôn Gia Bảo sẽ mãn nhiệm vào tháng 3/2013, nhưng ngay cả khi ông chưa mãn nhiệm, làn sóng "xây đập" đã bắt đầu trỗi dậy.

Dự án đập thủy điện Huangdeng của Trung Quốc trên sông MeKong hiện đã hoàn thành được 40%

Theo kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc, cần xây dựng các đập thủy điện để tạo ra thêm 160 GW công suất điện trong giai đoạn 2011-2015. Peter Bosshard, Giám đốc tổ chức môi trường Các dòng sông Quốc tế - chuyên vận động chiến dịch phản đối việc xây dựng các đập lớn - nhận định: "Nếu được thực thi, kế hoạch này sẽ tạo cú huých xây dựng đập lớn chưa từng có". Những công ty từng xây dựng một vài đập bị ngưng trệ dưới thời cầm quyền của ông Ôn Gia Bảo đã bắt đầu tiến hành xây dựng kể cả những dự án chưa được cấp phép. Các công ty điện lực lớn đang chuẩn bị xây dựng hệ thống đa đập ở thượng nguồn sông Dương Tử và sông MeKong ở tỉnh Vân Nam, miền Tây Nam Trung Quốc. Các nhà hoạt động cho biết dự án Huangdeng - một trong nhiều con đập đang được công ty điện lực lớn nhất Trung Quốc Huangdeng xây dựng trên sông MeKong - hiện đã hoàn thành được 40% cho dù dự án này vẫn chưa được cấp phép. Rõ ràng là tập đoàn Huaneng và các tập đoàn lớn khác của nhà nước tin tưởng rằng một khi ban lãnh đạo mới lên thay, các dự án này chắc chắn sẽ nhanh chóng được thông qua lần cuối.

Các văn kiện chính sách cũng giúp củng cố lòng tin này của họ. Sách Trắng Năng lượng của Trung Quốc công bố hồi tháng 10 cho biết "Trung Quốc sẽ dựa vào thủy điện để đáp ứng hơn một nửa mục tiêu nhiên liệu phi hóa thạch. Tổng sản lượng thủy điện sẽ đạt 290 GW vào cuối năm 2015, tăng so với 230 GW hiện nay... Theo kế hoạch 5 năm về nguồn năng lượng thay thế, Trung Quốc dự kiến xây dựng 60 nhà máy thủy điện lớn trong giai đoạn 2011-2015".

S.Phương (Theo Reuters)