Trung Quốc khó dựa vào tiêu dùng nội địa để giúp một tay trong cuộc chiến thương mại

12:14 | 15/08/2018

849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người tiêu dùng Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu khi thu nhập tăng trưởng chậm lại và nợ hộ gia đình tăng lên, theo SCMP.
Trung Quốc khó dựa vào tiêu dùng nội địa để giúp một tay trong cuộc chiến thương mại
Người dân Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu vì nợ tăng cao. (Ảnh: SCMP)

Nợ tăng cùng với triển vọng kinh tế kém lạc quan đang khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc phải cân nhắc khi mua các mặt hàng có giá trị cao.

Điều này đã làm khó cho kỳ vọng của Bắc Kinh rằng chi tiêu của người dân nước này sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bù đắp cho những tổn thất về xuất khẩu – hệ quả của chiến tranh thương mại với Mỹ.

Các hộ gia đình Trung Quốc dường như đang giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, đơn giản là hạn chế mua các sản phẩm xa xỉ. Thay vì “nâng cấp chi tiêu” – cụm từ được chính phủ sử dụng mô tả nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về xe hơi, nghệ thuật và du lịch chất lượng cao, phần lớn người dân Trung Quốc đang hướng tới cách chi tiêu ngược lại.

Rất dễ nhận ra rằng người dân Trung Quốc đang cắt giảm chi tiêu. Thay vì mở ví cho các sản phẩm xa hoa, người tiêu dùng chuyển sang mua những sản phẩm thay thế ít tiền hơn.

Ngay cả khi các hộ gia đình Trung Quốc đã vay nhiều hơn, nhưng số liệu lại cho thấy họ đã chi tiêu ít đi. Dư nợ cho vay của các hộ gia đình trong tháng 5 tăng 19% và tăng tiếp 18,8% trong tháng 6 (so với cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm là 8,5% vào tháng 5 trước khi tăng nhẹ lên 9% trong tháng 6/2018.

Anh Shen Weipeng, một quản lý 29 tuổi tại Bắc Kinh, là một ví dụ. Anh làm trong một ví trí được trả lương thuộc loại cao nhất ở Trung Quốc với mức tổng thu nhập sau thuế năm 2017 vào khoảng 260.000 Nhân dân tệ (38.000 USD).

Anh Shen đã quyết định cắt giảm chi tiêu của mình trong năm nay bằng cách thay thế các loại cocktail yêu thích của mình bằng nước uống rẻ tiền hơn, hủy bỏ chuyến du lịch châu Âu đã lên kế hoạch trước đó và gắn bó với chiếc điện thoại di động hiện tại dù màn hình đã bị vỡ nặng.

Nhà quản lý này chia sẻ anh đang cố gắng tiết kiệm tiền vì phải trả khoản vay mua nhà khoảng 11.000 Nhân dân tệ/tháng. Anh Shen cảm thấy lo ngại về triển vọng thu nhập của mình sau khi chính phủ Trung Quốc hạn chế hoạt động của các ngân hàng ngầm khiến thu nhập trung bình trong ngành đầu tư tín thác giảm đáng kể.

“Tôi không có lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc cắt giảm chi tiêu. Thu nhập của tôi đã bị giảm 30% trong năm nay so với năm 2017 vì lĩnh vực tôi đang làm bị suy thoái sâu”, anh Shen nói.

Tình hình tài chính của anh Shen không phải là điều lạ lẫm ở Trung Quốc. Hoạt động chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu giờ đây đang bị giới hạn bởi cá khoản vay thế chấp khổng lồ và tâm lý thu nhập tương lai bị suy giảm bởi triển vọng kinh tế không kém khả quan.

Vay nợ tăng cao

Theo số liệu của chính phủ, vào cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay thế chấp bất động sản cá nhân và vay từ quỹ nhà công cộng tăng lên 26,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Con số này có nghĩa rằng các khoản vay liên quan đến nhà ở chiếm 57% tổng vay nợ của các hộ gia đình.

Vay nợ của các hộ gia đình Trung Quốc đang tăng rất nhanh, chủ yếu là các khoản cho vay thế chấp nhà ở và các khoản vay liên quan đến các tài sản khác. Người dân Trung Quốc sử dụng các khoản vay tiêu dùng để mua nhà hoặc trả nợ vay thế chấp hàng tháng.

Theo số liệu của công ty dịch vụ bất động sản E-house, tiền thuê nhà chiếm tới 58% tổng thu nhập khả dụng của các hộ gia đình tại Bắc Kinh và chiếm 54% ở Thâm Quyến.

Các khoản cho vay hộ gia đình của Trung Quốc lên tới 40,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2017. Với con số này, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP đã nâng lên 49% từ mức 28% vào năm 2011. Cơ quan đánh giá tín nhiệm Fitch dự đoán con số này có thể đạt 100% vào năm 2020.

Chuyên gia kinh tế Christopher Balding thuộc Đại học Bắc Kinh từng ước tính tỷ lệ nợ gia đình/GDP đã đạt mức 120% vào năm 2017 khi vay nợ hộ gia đình tăng 20% trong khi thu nhập khả dụng chỉ tăng 9%.

Trong một nghiên cứu của chuyên gia Qin Han, giám đốc phân tích thu nhập cố định tại Guotai Junan Securities, ông đã nêu ra hiện tượng “hạ cấp chi tiêu”.

“Bất động sản thế chấp là một trở ngại lớn cho tiêu dùng, nhưng không thể tránh được. Giá thuê nhà cũng góp phần đáng kể trong việc chèn ép chi tiêu”, ông viết.

Li Xunlei, chuyên gia kinh tế của Zhongtai Securities, cho rằng: “Vay nợ hộ gia đình cao sẽ tác động xấu đến nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt doanh thu bán lẻ hiện nay đang tăng chậm lại. Để thúc đẩy chi tiêu, chính phủ cần tăng thu nhập khả dụng, tập trung vào thu nhập của nhóm có thu nhập thấp và trung bình”.

Ông Li Xunlei còn cho rằng chính phủ Trung Quốc nên giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nên chi tiêu nhiều hơn cho giáo dịch, dịch vụ y tế và các dịch vụ công cộng khác.

Trong một báo cáo do hãng tư vấn McKinsey công bố cuối năm 2017, ông cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc “có lý do chính đáng để thận trọng về tương lai” khi tỷ lệ nợ ngày càng tăng cao.

Nợ của người tiêu dùng tăng nhanh chóng sẽ kèm theo tăng trưởng kinh tế sẽ xấu đi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6,7% trong quý II/2018 từ mức 6,8% trong quý I và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia, trong nửa đầu năm nay, mức tăng thu nhập của người dân Trung Quốc giảm xuống còn 6,6% từ mức 8,3% của cùng kỳ năm 2014.

Rất nhiều bài viết bàn về cách thay đổi lối sống hoặc làm sao để tiết kiệm tiền đã lan truyền trên các trang mạng xã hội Trung Quốc từ đầu năm nay. Các biện pháp “hạ cấp chi tiêu” để tồn tại vào năm 2018 được liệt kê như không gọi giao đồ ăn, không uống trà sữa, không nâng cấp đồ điện tử cũng như tự nấu ăn cho bản thân mình.

Cô Zhao Yufand, giáo viên của một trường trung học ở tỉnh Hà Bắc, cho biết cô sẽ không mua thêm bất kỳ bộ quần áo mới nào trừ phi Uniqlo giảm giá. Cô cũng đã hủy một chuyến du lịch đến Campuchia vào tháng trước đó.

“Tôi cần tiết kiệm cho con gái của mình. Tôi cần phải tiết kiệm tiền phòng khi nhỡ ai đó trong gia đình bị bệnh vì các dịch vụ y tế rất đắt đỏ”, cô Zhao cho biết.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc cho biết tổ chức này đã phê duyệt một kế hoạch kéo dài 3 năm để tăng chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo dkn.tv

Kinh tế Trung Quốc có thêm dấu hiệu mất đà khi chiến tranh thương mại tăng nhiệt
Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Trung Quốc dự trữ 410 tỷ USD tiền mặt phòng bị cho cuộc chiến thương mại với Mỹ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo: Vay vốn Trung Quốc "cần xem xét và cân nhắc"