Trung Quốc được gì trong cuộc xung đột Nga-Ukraine?

14:00 | 26/02/2022

754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung Quốc là một trong số ít các nước lên tiếng chỉ trích Mỹ đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Liệu vấn đề Ukraine có làm suy yếu “trục châu Á” của Mỹ, theo đó làm lợi cho Bắc Kinh?
Trung Quốc được gì trong cuộc xung đột Nga-Ukraine?

Phát biểu về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 24/2 bác bỏ cụm từ “xâm lược” mà một nhà báo phương Tây dùng để mô tả hành động của Nga. “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi mọi bên không đóng cánh cửa dẫn tới hòa bình, đồng thời cần cam kết đối thoại và thương lượng”, bà Hoa nói. Nhận định rằng tình hình có “bối cảnh lịch sử phức tạp”, bà Hoa cho biết Trung Quốc đang theo sát diễn biến ở Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ở Ukraine kiềm chế, theo Reuters. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhận định một số quốc gia đã theo chân Mỹ để đổ dầu vào lửa. Bà tin rằng các lo ngại an ninh chính đáng của mọi bên sẽ được tôn trọng. Bổ sung, bà Hoa nhận định Nga là một nước độc lập và có thể tự ra quyết định căn cứ vào lợi ích của mình.

Trước khi nổ ra cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay, phát biểu liên quan đến đề xuất của Nga yêu cầu NATO không kết nạp thêm thành viên mới, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, ngày 19/2, trước Hội nghị An ninh lần thứ 58 diễn ra tại Munich, Đức, nhấn mạnh: “Những lo ngại của Nga quanh vấn đề Ukraine cũng phải được nhìn nhận như đối với những mối lo ngại của các bên có liên quan về cuộc khủng hoảng này”. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cùng với Moscow yêu cầu NATO không kết nạp thêm thành viên mới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đó là một nỗ lực của Nga - Trung nhằm viết lại các quy tắc quốc tế.

Đối với Bắc Kinh, khủng hoảng Ukraine cũng là một phương tiện làm suy yếu “trục châu Á” của Mỹ. Nhưng Trung Quốc cũng có nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt thương mại nếu hậu thuẫn Nga lách các biện pháp trả đũa kinh tế mà Washington từng dọa trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine.

Tạm thời, các tuyên bố của Bắc Kinh vẫn rất thận trọng do những mối liên hệ với Ukraine và nhất là do Bắc Kinh phải hết sức lưu ý khi nói đến khái niệm “quyền tự chủ” bởi có liên quan đến vấn đề Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn coi là một phần không thể tách rời khỏi Trung Quốc.

Một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ đối với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh với Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Trung Quốc không muốn đứng về phía nào. Bắc Kinh tránh lên án Moscow, Nga, nhưng cáo buộc Hoa Kỳ là "đổ dầu vào lửa". Chuyên gia về Trung Quốc Philippe Le Corre, của trường Harvard Kennedy School nhấn mạnh: “Trung Quốc thấy mình ở trong một tình huống tế nhị, bởi vì họ không thể ủng hộ một hành động xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền”. Theo ông Le Corre, đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh bị giằng xé giữa mối quan hệ hữu nghị với Moscow.

Trong vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014, mà Trung Quốc vẫn không công nhận, Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Giờ đây, 8 năm sau, Bắc Kinh vẫn không có nhiều không gian để xoay sở vì các mối quan hệ thương mại, tài chính và ngoại giao với châu Âu cũng như Ukraine.

Tuy nhiên, theo ông Le Corre, Trung Quốc lần này vẫn sẽ kín đáo về ngoại giao nhưng sẽ cung cấp “hỗ trợ Nga về kinh tế thông qua việc mua dầu khí”. Ngoài ra, Bắc Kinh đang quan sát bản chất và mức độ của các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. Chuyên gia Bonny Lin thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington nhận định: “Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng là một bài trắc nghiệm quyết tâm của chính quyền Biden trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Đài Loan”.

Theo Philippe Le Corre, “một số chuyên gia đưa ra thời điểm 2027 là năm Trung Quốc tung chiến dịch quân sự nhắm vào Đài Loan”. Từ nay đến đó, Bắc Kinh đang theo dõi, kiên nhẫn và chuẩn bị.

Mỹ sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu xung đột Nga-Ukraine bùng nổ?Mỹ sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu xung đột Nga-Ukraine bùng nổ?
Biển Azov, nơi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, là nơi như thế nào?Biển Azov, nơi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, là nơi như thế nào?

Nh.Thạch

AFP