Trúng "lộc biển", người dân vớt dọc bờ cũng kiếm tiền triệu mỗi ngày

14:29 | 20/07/2023

251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ruốc được mùa, người dân vùng bãi ngang tại Quảng Bình lội dọc bờ biển mỗi ngày cũng vớt được cả tạ, mang bán cho thương lái thu về tiền triệu.
Ngư dân trúng đậm cá cơm, bốc xếp bán hàng mỏi tayNgư dân trúng đậm cá cơm, bốc xếp bán hàng mỏi tay
Hái rau sạch... dưới biển, ngư dân rủng rỉnh tiền triệu mỗi ngàyHái rau sạch... dưới biển, ngư dân rủng rỉnh tiền triệu mỗi ngày
Ngư dân Ngư dân "nhặt tiền" trên những rạn đá san hô

Những ngày giữa tháng 7, trên vùng biển gần bờ ở vịnh Hòn La, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, bà con ngư dân đổ xô ra biển khai thác ruốc (hay còn gọi là con tép). Theo người dân địa phương, ruốc đầu mùa năm nay xuất hiện dày đặc, chỉ cần tích cực đi cào có thể thu tiền triệu mỗi ngày.

Trúng
Người dân vùng bãi ngang Quảng Bình kéo nhau ra biển vớt "lộc" (Ảnh: Tiến Thành).

Từ sáng sớm, ông Lê Văn Thiết, trú tại thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú đã mang dụng cụ ra biển cào ruốc. Đồ nghề của ông Thiết và các ngư dân địa phương hết sức đơn giản, đó là chiếc vợt làm bằng lưới mỏng, nối vào khung sắt có tay cầm bằng gỗ dài chừng 1,5m.

Để bắt ruốc, người dân vừa đi lùi, vừa kéo chiếc vợt dọc theo bờ biển, khi trong vợt thu được lượng ruốc nhất định thì đổ vào can hoặc xô nhựa đã chuẩn bị sẵn, rồi tiếp tục công việc.

"Thời điểm này là đầu mùa ruốc, có người lội dọc bờ biển để cào, cũng có người dùng thuyền nhỏ ra xa hơn, tìm luồng ruốc dày hơn để khai thác. Trong một buổi sáng, tôi đã thu được gần 1 tạ ruốc, bán sang tay cho thương lái được ngay hơn 1,5 triệu đồng", ông Thiết chia sẻ.

Dầm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ và di chuyển liên tục đòi hỏi người cào ruốc có sức khỏe, sự dẻo dai (Ảnh: Tiến Thành).
Dầm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ và di chuyển liên tục đòi hỏi người cào ruốc có sức khỏe, sự dẻo dai (Ảnh: Tiến Thành).

Theo bà con ngư dân, công việc tuy đơn giản nhưng để khai thác được hàng trăm cân ruốc mỗi ngày, ngư dân phải có nhiều kinh nghiệm và biết cách cào cho hiệu quả. Việc dầm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ và di chuyển liên tục cũng đòi hỏi người cào ruốc có sức khỏe, sự dẻo dai.

Theo ghi nhận, trong những ngày vừa qua, khi trời vừa sáng, dọc bờ biển phía bắc sông Loan, từ xã Quảng Phú ra xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) đã nhộn nhịp, bà con ngư dân lội dọc bờ biển, nước khoảng ngang ngực rồi cầm dụng cụ vớt ruốc cho đến gần trưa mới về nhà.

"Năm nay, ruốc vào bờ sớm hơn và xuất hiện dày đặc là do vùng biển có nhiều phù du. Ruốc được mùa, giá dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg nên ngư dân mỗi ngày vớt được 50 - 70kg là đã có thể kiếm tiền triệu", ông Lê Văn Thắng, thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú cho hay.

Trung bình mỗi ngày, người vớt được ít cũng thu về 50-70kg, người có kinh nghiệm khai thác hàng tạ ruốc (Ảnh: Tiến Thành).
Trung bình mỗi ngày, người vớt được ít cũng thu về 50 - 70kg, người có kinh nghiệm khai thác hàng tạ ruốc (Ảnh: Tiến Thành).

Những ngư dân có kinh nghiệm cho biết, mùa ruốc biển ở Quảng Bình thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Khi con ruốc bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn ở sát bờ thì vùng nước đó có màu khác với màu nước trong xanh bình thường. Nắm bắt đặc điểm màu nước biển, ngư dân rủ nhau đi khai thác con ruốc từ sáng sớm.

Ngoài việc để dùng làm thực phẩm tươi sống, ruốc biển còn được chế biến thành nhiều dạng như phơi khô để dùng lâu dài, làm ruốc, muối mắm hay kết hợp với các món ăn khác rất ngon, mang đặc trưng của người dân vùng biển miền Trung.

Ngoài việc để dùng làm thực phẩm tươi sống, ruốc biển còn được chế biến thành nhiều dạng như phơi khô để dùng lâu dài (Ảnh: Tiến Thành).
Ngoài việc để dùng làm thực phẩm tươi sống, ruốc biển còn được chế biến thành nhiều dạng như phơi khô để dùng lâu dài (Ảnh: Tiến Thành).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Ngọc Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Phú cho hay, không chỉ ngư dân mà rất nhiều người dân ở huyện Quảng Trạch khi biết đến mùa ruốc cũng đã tập trung về biển khai thác, kiếm thêm thu nhập.

Mỗi ngày có hàng trăm người dân xã Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương tập trung về vùng lộng của xã Quảng Phú để khai thác ruốc. Người vớt được ít cũng gom được 7 - 10kg, người có kinh nghiệm thì thu cả tạ ruốc mỗi ngày.

Không chỉ người dân xã Quảng Phú mà các xã lân cận cũng đổ về, mỗi ngày có 200-300 người ra biển cào ruốc (Ảnh: Tiến Thành).
Không chỉ người dân xã Quảng Phú mà các xã lân cận cũng đổ về, mỗi ngày có 200 - 300 người ra biển cào ruốc (Ảnh: Tiến Thành).

"Không chỉ người dân địa phương mà các xã lân cận cũng đổ về, mỗi ngày có 200 - 300 người ra biển cào ruốc. Việc không phải vươn khơi xa hay đi biển dài ngày vẫn kiếm được tiền triệu đã góp phần nâng cao đời sống ngư dân", ông Đông nói.

Theo Dân trí