Trời quá nóng dễ gây tổn thương não của trẻ

17:43 | 05/06/2017

1,737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước nắng nóng lập kỷ lục trong 45 năm qua, nguy cơ trẻ em mắc bệnh mùa hè đáng ngại hơn bao giờ hết, nhất là độ ẩm tăng cao, trẻ lại không uống đủ nước, mặc quần áo không thích hợp.  

Cẩn trọng mất nước

Theo Bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương, để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37o C. Thân nhiệt chịu sự kiểm soát chặt chẽ của tuyến dưới đồi nằm ở não. Khi thân nhiệt tăng cao, tuyến dưới đồi bật đèn xanh, giúp khởi động một loạt thay đổi trong cơ thể. Trẻ thở nhanh hơn và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên và mồ hôi toát ra.

Phần lớn nhiệt dư thừa được thải qua da. Điều này sẽ diễn ra một cách dễ dàng nếu không khí quanh ta mát và khô. Trường hợp ngược lại, nếu không khí nóng và ẩm, và nếu trẻ ở trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn. Mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt, thân nhiệt vì thế sẽ tăng lên nhanh chóng. Mà khi thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương não và các cơ quan quan trọng khác.

troi qua nong de gay ton thuong nao cua tre
Ảnh vui trẻ kêu nóng

Bác sĩ Thủy giải thích, ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng đến mức phải cấp cứu. Đặc biệt trẻ em hoạt động ngoài trời dưới nắng nóng càng dễ xảy ra hiện tượng như vậy.

Bác sĩ nói thêm, khi trẻ bị mất nước - lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào, kể cả ở độ nhỏ, chỉ tương đương 2% cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ thứ nhất là giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và thứ hai là từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác. Các biểu hiện của mất nước: Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; Trẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi… Trường hợp nặng, có thể mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê. Trong trường hợp đó, cho bé vào nơi thoáng mát, uống nước hoặc tìm sự trợ giúp y tế.

Say nắng dễ tử vong

Bên cạnh mất nước, kiệt sức do nắng nóng cũng là một hiện tượng mà trẻ thường mắc phải trong thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Dấu hiệu của kiệt sức do nóng là vã mồ hôi, nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, mạch nhanh, yếu, thở nhanh, nông… Theo Bác sĩ Thủy nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể say nắng là hiện tượng nặng nhất do nắng nóng. Trẻ say nắng, thân nhiệt tăng nhanh chóng, có thể lên tới 40o trong vòng 10-15 phút, mồ hôi ra không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Say nắng tưởng đơn giản nhưng có thể gây tử vong hoặc dẫn tới tàn phế nếu không được cấp cứu kịp thời.

troi qua nong de gay ton thuong nao cua tre
Trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Các dấu hiệu của say nắng: Thân nhiệt cao, da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi), mạch nhanh, mạnh, chóng mắt, đau đầu, mê sảng, mất ý thức… Khi trẻ bị như vậy, Bác sĩ Thủy khuyến cáo phải hạ thân nhiệt trẻ bằng bất cứ giá nào, thậm chí cả cách dùng vòi nước mát hay xô nước mát dội lên người, dùng khăn ướt lau người. Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt. Khi thân nhiệt trẻ giảm xuống khoảng 38o thì chuyển sang giảm nhiệt độ theo cách thông thường.

Với những trẻ dưới 4 tuổi, trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa, trẻ vận động quá nhiều, trẻ đang dùng thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt cơ thể (thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu, hay điều trị bệnh tâm thần…) sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh do nắng nóng. Để phòng bệnh cho trẻ, cần tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ; Đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường. Tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người. Hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm. Uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu, ví dụ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.

Lưu ý, quạt máy có thể khiến trẻ thấy bớt nóng, nhưng khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, quạt sẽ không giúp phòng ngừa bệnh do nắng nóng do đẩy không khí chạy quanh nhưng không làm nguội không khí (quạt phát huy tác dụng nhiều hơn nếu được đặt gần cửa sổ để mở). Nên tắm nước mát hoặc chuyển vào nơi có điều hòa sẽ giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả hơn nhiều. Ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.