Tranh cãi về việc cấm bán rượu sau 22 giờ

08:43 | 22/07/2014

923 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế đang xây dựng, việc bán rượu, bia có thể bị cấm sau 22h và thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc. Tuy nhiên, quy định này đang gây nhiều băn khoăn về tính khả thi…

Nhiều quy định của Dự thảo được đưa ra với mục đích tạo khung hành lang pháp lý mạnh để hạn chế tối đa việc lạm dụng rượu, bia, như cấm bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cấm bán rượu qua mạng internet, cấm uống rượu, bia trong thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc…

Tuy nhiên, điểm đang thu hút được sự chú ý của dư luận là quy định cấm bán rượu sau 22h.

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, một trong số thành viên tổ biên tập xây dựng dự thảo luật trên cho rằng: Hầu hết các nước đều áp dụng hạn chế độ tuổi, hạn chế giờ bán, điểm bán rượu bia. Đây là một trong số những biện pháp có hiệu quả của các nước.

Cấm bán rượu sau 22h: Người dân “bật” lại quy định của cơ quan soạn thảo!

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế.

Như Thái Lan cấm bán rượu bia cả ngày, chỉ cho phép bán từ 17h-21h, có nước cấm bán trong giờ hành chính. Khi xây dựng dự thảo này, chúng tôi đã bàn rất kỹ và thấy VN dự định cấm bán rượu bia từ 22h-6h sáng là rất “nhẹ”, tránh việc các ông lai rai khuya quá ảnh hưởng đến trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình...

Được biết, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Có đến đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; trong đó 1/4 trong số này sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại. Có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh, và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác.

Điều làm dư luận lo ngại là các quy định cấm liệu có khả thi khi đi vào cuộc sống. TS Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội băn khoăn, vài chục năm qua, Việt Nam đã có những quy định hạn chế lạm dụng bia rượu, nhưng những quy định này rất khó đi vào cuộc sống, bởi chưa có luật với quy định cụ thể và chế tài mạnh.

Còn PGS. TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu và Nước giải khát Việt Nam lo ngại, trước đây trong nhiều văn bản pháp luật về kinh doanh, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em hay Nghị định 94 về kinh doanh và sản xuất bia rượu cũng đã đề cập việc cấm bán rượu cho trẻ, nhưng văn bản mới chỉ “nằm trên giấy”, bởi lực lượng chức năng không thể kiểm tra, kiểm soát các điểm bán rượu, còn các điểm bán rượu cũng gặp khó nếu yêu cầu khách mua hàng chứng minh mình đã trên 18 tuổi.

Với quy định cấm bán rượu bia sau 22h, ông Nguyễn Văn Việt cho biết trước đây một số nước trên thế giới cũng đã triển khai giải pháp này, tuy nhiên, hiện nay gần như không có quốc gia nào còn thực hiện được vì nhu cầu sử dụng rượu bia của người dân sau 22h là rất lớn.

Về phía người dân, nhiều người cho rằng quy định bán rượu sau 22h sẽ làm khó cho họ.

Anh Phan Thiên (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết anh thường kết thúc ca làm và về ăn đêm sau 22h. “Tôi chỉ uống một chai bia hoặc vài chén rượu trong bữa ăn rồi về ngủ. Như vậy, nếu luật cấm sẽ làm khó cho những người lao động như chúng tôi”.

Còn anh Lương Hải (27 tuổi ở Nam Định) thì phân bua: “Lâu lâu cơ quan chúng tôi thường liên quan một bữa. Vậy nếu chúng tôi mua rượu với số lượng lớn trước 22h để uống dần thì có được không. Bởi quy định chỉ cấm chủ quán bán bán rượu sau 22h mà”.

Cấm bán rượu sau 22h: Người dân “bật” lại quy định của cơ quan soạn thảo!

Du khách ăn nhậu đêm tại Bùi Viện, Q1 (TP HCM).

 

Một chủ quán tạp quán tạp hóa thì cho rằng: “Khách đến mua thì chúng tôi bán, mà cửa hàng tôi cũng nhiều khách mua hàng muộn. Không nhẽ họ mua nhiều thứ, trong đó có chai rượu, mà bán đồ này lại không bán đồ kia à? Thế có phải bất tiện không?”.

Ông Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia) cũng cho rằng: Cần xem cả mặt tích cực và tiêu cực: “Theo tôi, ngành y tế đưa ra dự thảo này cũng nhằm đón nhận sự góp ý của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi quy định này như các nhà hàng, quán bar, các trung tâm giải trí hoặc những người tiêu dùng rượu bia và cần được sự góp ý của các cơ quan thông tin đại chúng... Việc đưa ra dự thảo trên là thành ý, nhưng cũng cần xem xét về mặt tích cực và mặt tiêu cực như liệu có ảnh hưởng về khách du lịch hay không và vấn đề quan trọng là liệu việc thực thi, chế tài có hiệu quả hay không”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, dự thảo này được cho rằng thiếu khả thi. Bởi lẽ, muốn hạn chế tình trạng lạm dụng bia rượu ở Việt Nam cách tốt nhất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Chưa ở đâu mua bia rượu lại dễ và rẻ như ở Việt Nam. Cũng chưa bao giờ việc thành lập một công ty, nhà máy, xí nghiệp rượu lại dễ dàng như hiện nay.

Trong khi đó, nếu khi đưa ra quy định mà thiếu sự kiểm soát và tuyên truyền ý thức đến người dân thì vô hình chung quy định lại trở thành cái bẫy và là cơ hội để tiếp tay cho hàng lậu lộng hành.

Cấm bán rượu sau 22h: Người dân “bật” lại quy định của cơ quan soạn thảo!

Bà Trần Thị Trang Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

 

Trước những tranh cãi trên, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nói: "Đây mới là dự thảo 1 của luật để xin ý kiến ban soạn thảo nên sẽ còn thay đổi rất nhiều. Để đảm bảo tính khách quan, khả thi của dự thảo thì Tổ biên tập phải tổng hợp tất cả những ý kiến, quan điểm, đề xuất.  Những nội dung này sẽ được đánh giá tác động và được hoàn thiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi xin ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chúng tôi sẽ chỉ nghiên cứu, lựa chọn và chỉ trình Chính phủ, Quốc hội những quy định thật sự phù hợp sau khi lấy ý kiến rộng rãi.

 

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc