Trăm nẻo ngộ độc

21:05 | 27/04/2017

427 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị Khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc lần thứ 16 diễn ra mới đây tại Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều thông tin đáng chú ý, trong đó phải nói đến tình trạng ngộ độc chì từ sinh hoạt rất bình thường hay ngộ độc các chất gây nghiện đang xảy ra ngày một nhiều trong giới trẻ, đặc biệt trong đó có em mới 14 tuổi.

Nhiễm độc chì từ… son môi

tram neo ngo doc

Bên lề Hội nghị, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã dẫn một ví dụ nhiễm độc chì của một nữ MC nổi tiểng của Đài Truyền hình mà hiếm ai hình dung được. Đến bản thân ông cũng phải thốt lên mấy chục năm trong nghề thì đây là lần đầu tiên ông gặp trường hợp ngộ độc chì vì son môi ở Việt Nam. PGS.TS Phạm Duệ cho biết, cách đây mấy tháng, tình cờ ông đến ghi hình ở Đài Truyền hình thì nữ MC hỏi bên lề về việc cô có bị nhiễm chì không khi có biểu hiện mất ngủ, táo bón, hay quên…

Sau khi tìm hiểu sơ qua về những biểu hiện liên quan đến nhiễm độc chì thì ông phát hiện, viền lợi của cô đã chuyển màu đen xám và có lấp lánh ánh kim loại. Ông bảo cô đến làm xét nghiệm máu để kiểm tra lượng chì trong máu, kết quả cho thấy lượng chì trong máu lên tới 32mcg/dL, gấp 3 lần ngưỡng cho phép. Tìm hiểu thêm về thói quen hằng ngày của nữ MC, PGS.TS Phạm Duệ được cô cho biết, ngoài việc trang điểm son môi có màu đỏ, màu cam hằng ngày thì cô không dùng bất cứ loại thuốc Nam nào (nguy cơ dẫn đến nhiễm chì) hay tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm, công việc có khả năng dẫn đến nhiễm chì cao.

Theo PGS.TS Phạm Duệ khẳng định, như vậy chỉ có son môi là “thủ phạm” khiến nữ MC nhiễm chì. Ông còn nhấn mạnh thêm: “Việc thường xuyên dùng son môi màu đậm khiến viền lợi của cô MC đổi từ hồng sang xám đen rất đáng ngại. Nếu không phát hiện ra mà kéo dài thêm thời gian nữa thì hàm lượng chì trong máu còn tiếp tục cao dẫn đến thải độc chì trong cơ thể khó khăn hơn”.

Bởi theo PGS.TS Phạm Duệ, những trường hợp như nữ MC sẽ phải thải độc chì trong thời gian nhất định. Trường hợp ngộ độc chì mãn, nhiều bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là xương lắng đọng chì, việc thải độc sẽ phức tạp do cần thời gian. Ông phân tích: “Sở dĩ cần thời gian dài để thải độc chì vì khi dùng thuốc, chì trong máu sẽ tụt nhanh, khi đó dùng thuốc thêm cũng không có tác dụng. Cho nên cần nghỉ một thời gian để chì trong xương nhiễm ra sau đó mới có thể tiếp tục thải được”.

PGS.TS Phạm Duệ khuyến cáo chị em phụ nữ không nên dùng son môi màu đậm, nhất là màu đỏ, cam… Hoặc khi đánh son rồi không nên liếm môi hoặc ăn đồ ăn khi son môi chưa được lau sạch. Ông cũng khuyến cáo thêm, hiện ngoài son môi, một số đồ gia dụng cũng rất dễ làm cho người sử dụng nhiễm chì như bát đĩa gốm sứ loại hoa văn sặc sỡ, cốc chén thủy tinh, đồ nhựa… Hoặc dùng uống, bôi thuốc dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… có chì (hồng đơn) cho trẻ. Để tránh nhiễm chì từ các sản phẩm này cần: Trong sản xuất: Các nhà máy cần có hệ thống thông hơi tốt, hút hơi, hút mùi để giảm nồng độ chì trong không khí. Trong công nghiệp nấu chì: Cần đảm bảo an toàn lao động, tuyệt đối không ăn, uống hay sử dụng nguồn nước tại nơi sản xuất các loại: bình ắc-quy, ôtô, thuốc nhuộm... Do chì có trong sơn nhà vì vậy nên chọn các loại sơn trong nhà và ngoài trời không chứa chì và thủy ngân. Sử dụng các loại bình thủy tinh, gốm, pha lê... phải có nguồn gốc rõ ràng… Không nên mua những loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, có màu sắc sặc sỡ, chất liệu nhựa...

14 tuổi đã ngộ độc ma túy

Bên cạnh cảnh báo về nhiễm độc chì từ son môi hoặc các vật dụng gia đình, Hội nghị Khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc lần thứ 16 cũng cảnh báo tình trạng ngộ độc ma túy thế hệ mới phải cấp cứu bệnh viện ngày càng tăng.

Th.S.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Nếu như trước kia tại trung tâm rất hay tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroine (tháng nào cũng có vài ca), thì khoảng chục năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn, mỗi năm chỉ còn vài trường hợp. Tuy nhiên, thay vào đó lại là các ca ngộ độc những loại ma túy mới (là ma túy tổng hợp) như: amphetamin và các chất cùng loại, lá khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) và ngày càng nhiều. Điều đáng nói các trường hợp ngộ độc phải vào viện cấp cứu này chủ yếu là người trẻ gồm cả thanh niên, học sinh, sinh viên, thậm chí có trường hợp mới 14 tuổi”.

tram neo ngo doc
Loại ma túy “tem giấy” hay còn gọi “bùa lưỡi”

Có một đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới khi vào viện mà các chuyên gia chỉ ra, đó là hầu như họ đều bị ngộ độc nặng kèm theo ảo giác. Ảo giác đã khiến họ không hợp tác điều trị với nhân viên y tế, thậm chí có trường hợp còn mang theo dao trong người gây gổ, dọa truy sát cán bộ y tế khi điều trị.

“Riêng trường hợp thiếu niên 14 tuổi kể trên, mặc dù đã bị ngộ độc ma túy, nhưng do bị gây ảo giác nên khi vào Trung tâm Chống độc, thiếu niên này còn giảng giải cho bác sĩ điều trị vì cậu ta cho biết đã lên mạng tìm đọc các thông tin liên quan đến loại ma túy đang sử dụng rồi từ đó tính liều dùng cho bản thân nên cậu có sự hiểu biết hơn bác sĩ!”, bác sĩ Trung Nguyên kể.

Ông còn cho hay, qua điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc ma túy thế hệ mới, mới thấy các bệnh nhân ngộ độc ma túy thế hệ mới gặp nhiều tình huống nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe do tính khí thay đổi, hung hãn, ảo giác, loạn thần kiểu tâm thần phân liệt, tăng thân nhiệt, co giật, xuất huyết nội sọ, nghiến răng, có người vận động kiểu múa vờn và nghiến răng liên tục.

Ảo giác nhanh - tác hại sâu

Về “tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi”, các chuyên gia y tế cho biết, thực chất đây là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Nó có tác dụng rất nhanh, chỉ sau 5 phút liếm, ngậm, người dùng đã có cảm giác, mạnh nhất là sau 2-6 giờ, tác dụng kéo dài đến 12 giờ, tùy thuộc vào số lượng tiêu thụ. Đây là loại ma túy không mới, tái xuất hiện thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX) bị ngưng sản xuất. LSD xuất hiện ở Việt Nam gần đây, có kích thước 1,5x1,5cm, trong một miếng bìa có khoảng 25 tem giấy. Trên bìa in hình các nhân vật nổi tiếng như Einstein hay các ca sĩ thế giới để cho bắt mắt người sử dụng.

Tính đến nay, nó được coi là chất ảo giác mạnh nhất, đồng thời cũng là chất ma túy nguy hiểm nhất vì chỉ vài chục microgam đã có thể gây ảo giác. Cũng vì nguyên nhân này, các bác sĩ chống độc cho rằng, rất dễ làm nặng thêm tình trạng rối loạn tâm thần có sẵn, có thể khiến bệnh nhân tiến triển thành tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng do tình trạng ảo giác kéo dài - thường kéo dài tới 18 tháng hoặc nhiều năm. Bởi vậy, theo các chuyên gia đầu ngành tham dự hội nghị, bên cạnh việc tuyên truyền cảnh báo về hậu quả sử dụng, ngộ độc ma túy thế hệ mới, các cơ quan chức trách và nhà trường, gia đình phải phối hợp, giáo dục, quản lý để ngăn ngừa tình trạng học sinh, sinh viên tiếp cận với “chất độc chết người” này.

BS Nguyễn Trung Nguyên cũng nhận định cùng với “tem giấy”, “bóng cười”, một loại ma túy đang được nhiều bạn trẻ “thử” hiện nay cũng nguy hại không kém, sẽ gây tổn thương thần kinh não, ảnh hưởng chuyển hóa B12 của cơ thể... nếu sử dụng thường xuyên.

Nguyễn Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.