Nhiễm độc chì: Nguy cơ tiềm ẩn ngay tại nhà nhiều người không hay

11:46 | 31/10/2020

102 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngoài một số thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm chứa chì thì sơn chứa chì cũng là mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe, đặc biệt là trẻ. Nhiễm độc chì ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, giảm chỉ số IQ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết nhiễm độc chì hiện nay ở Việt Nam nói chung còn xảy ra nhiều. Có bệnh nhân đến viện được phát hiện, có bệnh nhân còn đang ở ngoài cộng đồng. Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc chì như khai khoáng quặng chứa chì, tái chế chì từ ắc quy, sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì đặc biệt là chứa hồng đơn… Ngoài ra, sơn chứa chì cũng là một vấn đề cần quan tâm.

“Vấn đề nhiễm độc chì do sơn là câu chuyện rất nổi cộm ở các nước phát triển cách đây 30 năm. Rất nhiều người đã bị nhiễm độc kể cả người lớn và đặc biệt là trẻ em. Giai đoạn những năm 80, 70, họ sử dụng rất nhiều loại sơn chứa chì. Trong quá trình sử dụng hoặc khi nhà bị cũ bong tróc, người bên trong ngôi nhà hít phải bụi, hơi và bị nhiễm độc”, BS Nguyên chia sẻ.

Hiện nay các nước phát triển kiểm soát rất chặt chẽ các sản phẩm sơn chứa chì và đã thay thế gần như tất cả.

Nhiễm độc chì: Nguy cơ tiềm ẩn ngay tại nhà nhiều người không hay - 1

Tại Việt Nam, trước đây người dân xây nhà chủ yếu là dùng vôi ve. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sơn được sử dụng khá phổ biến. Hiện nước ta chưa có con số cụ thể về tỷ lệ sản phẩm sơn chứa chì vượt ngưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Mối nguy nhiễm độc chì từ sơn chứa chì là hoàn toàn hiện hữu.

Theo BS Nguyên, chì là một loại kim loại nặng, độc, hoàn toàn không có vai trò gì với cơ thể. Đáng ngại nhất hiện nay là ảnh hưởng đến trẻ em, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, làm giảm chỉ số IQ. Ngoài ra, độc tính của chì ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan như não bị teo, yếu cơ, liệt cơ, tim mạch, nội tiết, gây thiếu máu, chậm phát triển thể chất…

Bên cạnh đó, điều trị nhiễm độc chì là vấn đề nan giải ngay khi chúng ta có đầy đủ thuốc giải độc, gắp chì ra khỏi cơ thể.

“Việc thải độc chì mất rất nhiều thời gian có thể vài tháng, hàng năm. Bệnh nhân sẽ phải nằm viện, truyền thuốc, sau đó ra viện, khám đi khám lại rất nhiều lần, uống thuốc xong nghỉ chờ chì từ trong xương ra máu xong lại dùng thuốc gắp tiếp. Trong thời gian đó, kể cả điều trị tích cực, độc tính của chì đang xảy ra và vẫn ảnh hưởng đến cơ thể”, BS Nguyên phân tích.

Vì thế, điều quan trọng là cần loại bỏ các mối nguy tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc chì với con người.

Loại bỏ chì trong sơn - mối bận tâm của toàn cầu

Nhiễm độc chì: Nguy cơ tiềm ẩn ngay tại nhà nhiều người không hay - 2

Hiện nay vấn đề loại bỏ sơn chứa chì đang là vấn đề được quan tâm không chỉ của Việt Nam mà toàn thế giới. Những loại sơn chứa chì vẫn được bán rộng rãi và được sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích trang trí, mặc dù có sẵn các loại sơn thay thế tốt mà thành phần không có chì.

Tại nước ta, theo dự thảo Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn với giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600ppm tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, ≤200ppm sau 3 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, và ≤ 90ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng theo lộ trình này, mức giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn dưới 600ppm sau khi Thông tư có hiệu lực vẫn là cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khoẻ cho con người. Hàm lượng chì trong sơn an toàn với sức khoẻ con người và cộng đồng theo khuyến cáo của WHO là ≤ 90ppm. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Phillippines... đã thực hiện theo khuyến cáo này của WHO.

"Việc sử dụng chì trong sơn đã bị cấm ở nhiều nước phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Các giải pháp thay thế hiệu quả để các thành phần sơn không có chì đã được phổ biến rộng rãi ở các quốc gia này. Tuy nhiên, trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương suốt đời và không thể phục hồi do tiếp xúc với chì trong sơn", bà Nguyễn Kim Thuý, Giám đốc điều hành Giám đốc điều hànhTrung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) nhấn mạnh.

Theo bà, sơn chì cần phải được loại bỏ ở Việt Nam.

Một cuộc khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy sơn chì vẫn chưa được quản lý ở đa số các quốc gia, mặc dù mục tiêu toàn cầu là loại bỏ sơn chì vào năm 2020. Tính đến 31/5, mới chỉ 39% quốc gia xác nhận đã có các quy định pháp lý để kiểm soát đối với sơn chì. Tuy nhiên, nhiều quy định trong số đó vẫn chưa đủ bảo vệ sức khoẻ con người vì bao gồm các trường hợp miễn trừ, giới hạn lỏng lẻo, hoặc không được thực thi.

Hiện nay, hơn 60% quốc gia trên thế giới vẫn cho phép việc sản xuất và bán sơn chì, cho thấy nguồn lây nhiễm chì đối với trẻ em và công nhân vẫn còn tồn tại và tiếp diễn trong tương lai.

Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì là sáng kiến của Liên minh Toàn Cầu về Loại bỏ Sơn chì (Liên minh Sơn chì), do chương trình Môi trường Liên hợp quốc cùng Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng. Sự kiện này được tổ chức hàng năm và năn nay là sang năm thứ 8, diễn ra từ ngày 25-31/10. Trọng tâm của Tuần lễ hành động năm nay là cần đẩy nhanh tiến độ hướng tới loại bỏ sơn có chì trên toàn cầu thông qua các biện pháp ràng buộc và pháp lý.

Tại Việt Nam, từ năm 2016, chiến dịch hưởng ứng Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì cũng được tổ chức hàng năm. Và năm nay, Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy việc sớm ban hành và thực hiện Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn ở mức ≤ 90ppm.

Chì là một chất độc đã được công nhận là có tác động đến sức khoẻ trên diện rộng, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hoá và huyết học. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn và do chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.

Theo Dân trí