“Trảm” là đúng!

06:50 | 31/07/2013

734 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày nay, thông tin từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác về biện pháp xử lý cán bộ xã, phường để xảy ra tình trạng xây nhà trái phép, nạn mại dâm lan tràn được dư luận chú ý.

Dương Tâm (NLM số 243)

Nếu sau điều tra, chính quyền các tỉnh, thành phố kỷ luật nghiêm minh những cán bộ xã, phường dung túng, bao che những việc làm tiêu cực nói trên thì chắc chắn lấy lại được niềm tin của dân vốn lâu nay đã mai một.

Cán bộ xã, phường là những người thi hành công vụ gần dân nhất, nắm bắt được mọi hoạt động của dân từ sản xuất, kinh doanh đến đời sống sinh hoạt, đi lại… Mỗi sự kiện, hiện tượng phát sinh trong địa bàn từng ngày, từng giờ không thể qua mắt các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, công an khu vực và lãnh đạo xã. Thế thì tại sao chuyện xây nhà trái phép, hoạt động mại dâm cứ diễn ra công khai mà không bị ngăn chặn? Nó diễn ra không chỉ 1 ngày, 1 tháng mà cứ tiếp nối năm này qua năm khác, gây nhức nhối trong dân. Nếu nói buôn lậu và tiêm chích, hút hít ma túy chui lủi trong bóng tối và góc khuất thì khó phát hiện chứ những cái nhà to cao, đồ sộ xây dựng mấy tháng trời, thậm chí hằng năm; những tụ điểm mại dâm tấp nập suốt ngày đêm, phơi bày ngay trước mắt thì ai chẳng thấy. Vậy thì không thể phủ nhận một điều: Có sự bao che, dung túng và chung chi, thậm chí bảo kê của quan sở tại cho chúng tồn tại!

Đây là một số vụ cụ thể:

Ngày 25/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo gửi công văn hỏa tốc, yêu cầu Chủ tịch quận Đống Đa tạm đình chỉ công tác đối với Phó chủ tịch phụ trách công tác xây dựng cơ bản của UBND phường Thổ Quan cũng như cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra xây dựng để kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm vì để nhà 46E, ngõ 256 Đê La Thành xây dựng trái phép.

Chiều cùng ngày, tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân cũng có công văn khẩn yêu cầu quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh tạm đình chỉ công tác chủ tịch các phường, xã để xảy ra tình trạng mại dâm và xây nhà trái phép, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang vừa bị cách chức do có hành vi chiếm dụng tiền của Nhà nước. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, bà Thủy đã tự ý chỉ đạo cán bộ chuyên môn ký khống chứng từ để thanh quyết toán và chiếm dụng 108 triệu đồng trong chương trình hỗ trợ người dân xây dựng nhà vệ sinh nông thôn. Khi vụ việc bị phát hiện, bà Thủy còn chỉ đạo nhân viên làm giả chứng từ để đối phó.

Cấp ủy, chính quyền ở xã và phường là đơn vị trực tiếp điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của dân cư trong địa bàn mình quản lý. Những hành vi sai trái, những việc làm vi phạm pháp luật của bất cứ đối tượng nào trong địa bàn đều phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nhưng trên thực tế thì sao?

Nhà 46E, ngõ 256 Đê La Thành, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ với diện tích 126m2 nhưng đã xây 170m2 sàn. Cửa sổ, lan can được trổ ra các phía, tầng lửng bị thay đổi so với thiết kế được phê duyệt. Tháng 2/2012, công trình vi phạm này đã bị UBND phường Thổ Quan phát hiện và ra quyết định đình chỉ thi công, nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng. Tháng 9/2012, UBND quận Đống Đa ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình và chủ đầu tư phải chi trả toàn bộ chi phí. Phần phá dỡ là ban công và mặt sàn rộng 31m2 của cả 5 tầng. Nhưng sau hơn 3 tháng, 150m2 sàn cùng các ban công, cửa sổ xây sai phép vẫn chưa bị tháo dỡ. Chủ đầu tư chỉ tự phá dỡ được 10m2 sàn tầng một và tiếp tục cho thợ hoàn thiện công trình.

Còn ở TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Sở Xây dựng thì, tính từ ngày 15/5 đến 30/6/2013, cả thành phố đã có hơn 1.500 trường hợp xây dựng nhà trái phép, không phép. Riêng trên địa bàn các xã Vĩnh Lộc, Bình Hưng A, Bình Hưng B (huyện Bình Chánh) có hơn 600 trường hợp gây bức xúc cho người dân. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về xử lý tình hình mại dâm trên địa bàn quận Bình Thạnh, UBND quận này cho biết, đã kỷ luật 10 tổ chức và 46 cá nhân do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn (để tệ nạn mại dâm nở rộ) với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cắt thi đua, điều chuyển công tác... Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đánh giá quận Bình Thạnh xử lý như vậy là “còn quá nhẹ, chưa đạt yêu cầu” và đề nghị quận phải xử lý lại.

Ở đâu xảy ra hiện tượng tiêu cực cũng có xử lý kỷ luật nhưng tiêu cực vẫn hoành hành công khai, thậm chí còn lây lan mạnh hơn. Đó là hậu quả của việc bao che, móc ngoặc giữa người thi hành công vụ với tổ chức, cá nhân vi phạm. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu quận Bình Thạnh phải làm rõ: Có hay không việc bao che, dung túng; xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các sai phạm của cán bộ, công chức theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh xem xét, tạm đình chỉ công tác đối với chủ tịch UBND các xã, thị trấn và cán bộ, công chức có liên quan để kiểm điểm nghiêm túc, kết luận cụ thể. Tại kỳ họp thứ 10 của HĐND, 2 vấn đề “nóng” nhất đã được các đại biểu mổ xẻ và chất vấn, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đã nhận trách nhiệm vì những thiếu sót và hứa sẽ xử lý trên tinh thần không bao che, dung túng.

Nếu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác làm được đúng như công văn hỏa tốc mà 2 vị đứng đầu 2 thành phố lớn vừa đề ra thì những vụ việc tiêu cực sẽ không còn tiếp diễn. Trái lại, nếu chỉ làm thí điểm hoặc kiểm điểm nội bộ qua loa cho phải phép thì đâu lại hoàn đấy, “phép vua” lại “thua lệ làng”.

Quan đầu xã, phường có trăm công nghìn việc phải làm. Nhưng dưới “trướng” của quan đã có 3-4 chục người giúp việc, mỗi người được phân công một mảng công việc khác nhau. Hai quản lý, phòng chống tệ nạn xã hội và xây dựng có 2 phó chủ tịch và 2 cán bộ nữa giúp việc. Ở khắp phường, xã, từ đường cùng, ngõ hẻm, cứ nhà nào xây dựng, nhà nào mở quán bia ôm hoặc có hoạt động mại dâm thì quan sở tại biết ngay. Hằng ngày, cán bộ theo dõi xây dựng thường đi kiểm tra. Hễ có người vận chuyển vật liệu, đất thải là cán bộ quản lý xây dựng lần dò ra ngay địa điểm xây dựng. Nếu xây dựng trái phép hoặc không phép thì bị phạt hoặc phải dừng thi công. Thế mà trong 6 tháng, TP Hồ Chí Minh có 1.500 nhà xây trái phép vẫn tồn tại. Và ở giữa thủ đô Hà Nội, ngôi nhà xây 5 tầng ở 46E Đê La Thành cũng cứ ngang nhiên hoàn thiện. Nhưng lâu nay, nhiều trường hợp xây dựng sai trái chỉ bị phạt rất nhẹ nhàng rồi lại để xây tiếp. Mức phạt lại nhẹ nhàng như “muỗi đốt gỗ” nên không ngăn chặn được; thậm chí, người dân mong được phạt như thế để được tồn tại. Đất thành phố được tính bằng vàng. Lấn chiếm hàng chục mét vuông và xây thêm tầng mà chỉ bỏ ra mấy chục triệu là được tồn tại, ai chả muốn! Thế nên hối lộ, đút lót cho thanh tra hoặc quan chức xã, phường rồi thì cứ vô tư cơi nới, mặc cho các hộ dân xung quanh khiếu kiện.

Khi đã nhận tiền hối lộ thì cán bộ quản lý và thanh tra xây dựng ở xã, phường phải nhắm mắt làm ngơ, làm sao dám báo cáo lên cấp trên!

Nguyên nhân, phạm tội đã rõ ràng nên việc “trảm” các quan xã, phường là đúng!

D.T

                           

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc