TP HCM: Bao nhiêu đất rừng phòng hộ được sử dụng để xây siêu cảng Cần Giờ?

09:37 | 11/09/2023

138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ sử dụng gần 90ha rừng phòng hộ ven biển. Trong đó, gần 83ha là đất có rừng với hiện trạng rừng ngập mặn tự nhiên, gần 7ha còn lại không có rừng.
Phà biển chính thức hoạt động, từ TP HCM đi Vũng Tàu chỉ 30 phútPhà biển chính thức hoạt động, từ TP HCM đi Vũng Tàu chỉ 30 phút
Tuyến đường 6 làn băng rừng già vươn ra biển lớn của TPHCMTuyến đường 6 làn băng rừng già vươn ra biển lớn của TPHCM
Cần Giờ cần làm gì để trở thành khu đô thị Net Zero?Cần Giờ cần làm gì để trở thành khu đô thị Net Zero?

Ủy ban nhân dân TP HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong đó, địa phương đã nêu rõ các nội dung thẩm định về sự phù hợp của quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất, các vấn đề pháp lý và hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của dự án.

Theo hồ sơ đề xuất, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng nhu cầu sử dụng đất là 571ha. Diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) sẽ sử dụng là gần 90ha, bao gồm gần 83ha đất có rừng với hiện trạng rừng ngập mặn tự nhiên, gần 7ha còn lại không có rừng.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sử dụng gần 90ha đất rừng phòng hộ ven biển (Ảnh minh họa: P.N.).
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sử dụng gần 90ha đất rừng phòng hộ ven biển (Ảnh minh họa: P.N.).

Diện tích mặt nước mà dự án sẽ sử dụng là 481ha. Địa điểm đầu tư siêu cảng của TP HCM sẽ nằm tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Về pháp lý sử dụng đất của dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tổng diện tích đất rừng, đất nông nghiệp dự án sẽ sử dụng là hơn 93ha nằm tại Gò Con Chó. Toàn bộ khu vực này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.

Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Ủy ban nhân dân TP HCM cho biết, dự án thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Theo quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu vực được triển khai hoạt động phát triển kinh tế, được thực hiện công trình có kết cấu, vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).

Hiện tại, nhà đầu tư dự án mới chỉ có nội dung báo cáo về đánh giá tác động môi trường tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chưa có đánh giá tác động môi trường sơ bộ.

Ủy ban nhân dân TP HCM cũng nhận thấy, đối với thành phố và huyện Cần Giờ, dự án sẽ thu hút vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Khoảng 6.000 đến 8.000 lao động sẽ được tạo việc làm tại cảng, hàng chục nghìn lao động sẽ phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và thu phí thuế quan.

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, ngân sách Nhà nước sẽ được đóng góp trực tiếp thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu ra vào cảng. Chỉ tính riêng phí thuê mặt nước, thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, ngân sách sẽ có thêm từ 34.000 tỷ đồng đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh.

Vị trí dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast).
Vị trí dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast).

Trước đó, trong phần đánh giá sơ bộ tác động môi trường của đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Công ty Tư vấn thiết kế kỹ thuật cảng - kỹ thuật biển (đơn vị tư vấn), cho rằng, yếu tố nhạy cảm duy nhất của dự án là sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ.

Tuy vậy, yếu tố này được giải quyết phù hợp bằng đề án kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ điều tra, kiểm kê và định giá rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Bên cạnh đó, dự án sẽ được quy hoạch đảm bảo tỷ lệ cây xanh hơn 10% diện tích cho việc bảo tồn rừng phòng hộ và cây xanh.

Theo Dân trí