Tổng thống Erdogan trở lại, lợi hại hơn xưa

07:00 | 19/07/2016

862 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi thoát nạn khỏi cú đảo chính bất thành của giới quân sự hôm 15/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang cai trị trở lại với “bàn tay sắt”, cứng rắn hơn trước rất nhiều. Nhiều nước phương Tây cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang “đi quá xa” trong việc vãn hồi trật tự.
tin nhap 20160718232847
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Nền dân chủ thương hiệu NATO của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị thách thức nghiêm trọng khi Tổng thống Erdogan trở lại và đúng là... lợi hại hơn xưa. Và cũng đúng như mô tả của truyền thông phương Tây, ông Erdogan nay tiếp tục chiến dịch thanh trừng sau cuộc đảo chính bất thành.

Theo thống kê mới nhất, số tướng lĩnh- đô đốc (hải quân) bị bắt lên tới 103 người, trong khi đội Thổ có tổng số 358 tướng. Nghĩa là theo quan điểm của ông Erdogan, gần 1/3 số tướng lĩnh đã phản bội. Nhưng con số này chưa dừng lại, bởi các cuộc bố ráp các cơ sơ quân đội vẫn đang tiến hành khắp mọi nơi.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ thì thông báo sa thải tới 8777 nhân viên. 614 cảnh sát quân sự cũng bị sa thải ngay lập tức. 30 thống đốc tỉnh, 47 người đứng đầu quận/ hạt cũng nằm trong số “nghi ngờ phản loạn”. Ngoài ra, tới nay có 2745 quan chức ngành tư pháp bị bắt hoặc sa thải, trên 3.000 binh sĩ bị bắt hoặc sa thải. Tổng số “kẻ tạo phản” nay lên tới con số gần 9.000, số bị giam giữ chính thức khoảng 7500 người.

Về tình hình an ninh, mặc dù Tổng thống Erdogan tuyên bố hoàn toàn kiểm soát nhưng hôm qua lại áp lệnh giới nghiêm, triển khai hàng chục nghìn cảnh sát đặc biệt để thực thi.

Hãng tin ‎Reuters hôm 18/7 có bài phân tích, nói việc nhà cầm quyền Ankara cho bắt bớ nhanh chóng và hàng loạt ngay sau vụ đảo chính hụt cho thấy dường như ông Erdogan “đã có sẵn đâu đó một danh sách tìm diệt” và nay thì lôi ra thực thi. Làm thế nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, giới chức có thể phát hiện và bắt bớ số lượng lớn những 'kẻ phản bội', trong quân đội thì không nói làm gì, mà cả trong hàng ngũ tư pháp (thẩm phán, quan tòa, công tố,...) và nhiều lĩnh vực khác?

Johannes Hahn, quan chức đặc trách quan hệ EU-Thổ, bày tỏ sự quan ngại: 'Mọi thứ dường như đã được lên kịch bản sẵn. Nó đã có sẵn trước rồi'.

Một quan chức EU khác thì phản đối ý định áp dụng hình phạt tử hình cho các phần tử đảo chính. Nói rằng Ankara đã tham gia vào một cơ chế chống tử hình (kiểu này) và vì thế không có quyền làm vậy. Tuy nhiên ông này không bình luận gì trước câu hỏi “nếu Thổ Nhĩ Kỳ cứ tử hình thì EU tính sao?”.

Cũng trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho rằng nếu Thổ tái lập án tử hình thì đồng nghĩa với việc đàm phán của nước này gia nhập EU sẽ chấm dứt từ đây.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18/7 nói ông ủng hộ việc đưa những người thực hiện cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ ra trước công lý, nhưng ông cảnh báo chớ nên “đi quá xa” trong việc vãn hồi trật tự trong nước.

Tại một cuộc họp báo sau khi gặp các đối tác EU ở Brussels, Ngoại trưởng Kerry nói: "Chúng tôi đứng về phía giới lãnh đạo dân cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi cũng mạnh mẽ kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hãy duy trì tình trạng yên bình và ổn định trên cả nước".

Ông nói tiếp: "Chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hãy giữ những tiêu chuẩn cao nhất trong việc tôn trọng những định chế dân chủ của nước này và nền pháp trị. Chúng tôi chắc chắn sẽ ủng hộ việc mang những kẻ đã thực hiện cuộc đảo chánh ra trước công lý nhưng chúng tôi cũng dè dặt về những hoạt động vượt ra ngoài các giới hạn này".

Tổng thống Erdogan cam kết bài trừ tận gốc rễ những mầm mống nổi loạn. Trong thông cáo đêm ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không còn chỉ xem cuộc đảo chính bất thành ngày cuối tuần trước là một “âm mưu thâm độc” mà đã coi đây là một “chiến dịch khủng bố”.

Th.Long

AP, AFP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc