Tổ hợp đồng Sin Quyền: Không ai còn hoài nghi

07:00 | 19/08/2013

2,586 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây 10 năm, Vinacomin đã chính thức khởi công tổ hợp khép kín bao gồm khai thác quặng, tuyển tinh quặng và luyện đồng tấm tại Lào Cai. Khi đó, nhiều người vẫn không tin lắm vào dự án này. Thậm chí có người còn hoài nghi về công nghệ “cũ” của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế đến nay đã khẳng định đó là hướng đi đúng. Dự án không những có hiệu quả cho doanh nghiệp, mang lại nguồn ngân sách khá cao cho địa phương, mà còn giải quyết các vấn đề xã hội lớn tại địa bàn các xã vùng cao của Lào Cai.

Tròn 10 năm nay, ngày 17/9/2003, thực sự là ngày hội đối với bà con các dân tộc tại huyện Bát Xát (Lào Cai). Đó là ngày Tổng Công ty Khoáng sản (TCT KS), đơn vị trực thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khởi công xây dựng dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền. Đây là Dự án kim loại màu lớn nhất nước ta thời kỳ đó. Tổ hợp đồng Sin Quyền tại Lào Cai, tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỉ đồng, bao gồm 2 khu: mỏ tuyển và nhà máy luyện đồng. Với tổ hợp này, TCT KS đã khép kín dây chuyền sản xuất từ khai thác, tuyển quặng tới luyện đồng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mỏ đồng Sin Quyền nằm sát biên giới Việt - Trung, thuộc huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai, từ tỉnh lỵ ngược lên phía bắc gần 40 cây số. Mỏ được phát hiện lần đầu tiên năm 1961, năm 1969 tiến hành công tác thăm dò, đến năm 1974 thì hoàn thành công tác đánh giá  trữ lượng, hàm lượng đồng (Cu) và các kim loại cộng sinh khác có trong quặng. Theo tài liệu báo cáo của Đoàn Địa chất 5 (Tổng cục Mỏ - Địa chất), mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng nửa triệu tấn đồng kim loại và các khoáng sản cộng sinh đi kèm như vàng, bạc, lưu huỳnh, sắt... Công nghệ tuyển khoáng được áp dụng phương pháp đập - nghiền bi dòng tràn, phối hợp tuyển từ và tuyển nổi để làm giàu quặng…

Lãnh đạo công ty kiểm tra sản phẩm cuối cùng của tổ hợp

Đổi thay ở Bát Xát

Khu mỏ tuyển do công ty quản lý nằm trên 2 xã Bản Vược và Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, đã đi vào sản xuất chính thức từ ngày 14/4/2006, sau 3 năm khởi công tổ hợp, mỏ đã tạo việc làm cho hơn 500 công nhân địa phương. Khu mỏ có trữ lượng 551.000 tấn đồng kim loại, khai thác lộ thiên khoảng 20 năm và 50 năm khai thác hầm lò, cung cấp tinh quặng cho nhà máy luyện đồng tại Tằng Loỏng. Hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến được đầu tư đồng bộ. Các chỉ tiêu về khai thác, tuyển khoáng có thể sánh với các nước sản xuất đồng tiên tiến trên thế giới. Kỹ sư Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng giám đốc TCT KS, nguyên Giám đốc Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền nhiều năm cho biết: “Nhà máy có bước nhảy vọt về công nghệ. Trước đây, với công nghệ cũ, chỉ tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ 1% trở lên, với tỷ lệ thu hồi đạt trên 80%. Đến nay, nhờ công nghệ mới, có thể tuyển được quặng có hàm lượng đồng từ  0,8% trở lên, với tỷ lệ thu hồi đạt 92-97%”.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty đã đưa năng suất tuyển vượt 120% công suất thiết kế, với 1,2 triệu tấn tinh quặng đồng/năm. Những năm gần đây, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng hằng năm công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định, đạt sản lượng 40.000 tấn tinh quặng đồng 25%, 50.000 tấn quặng sắt 60%.

Cùng với sản xuất, công tác môi trường được đặc biệt quan tâm. Tại khu mỏ tuyển, ngay từ khi triển khai dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các thiết bị thi công, công nghệ khai thác, tuyển khoáng đều đạt các tiêu chuẩn về môi trường. Công ty áp dụng công nghệ nổ mìn vi sai, giảm thiểu tiếng ồn, bụi và khí thải. Người lao động được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động (BHLĐ) và tuân thủ nghiêm các quy trình, quy phạm trong quá trình sản xuất. Hằng năm, công ty đã chi hàng tỉ đồng cho công tác BHLĐ. Trong số gần 600 cán bộ, công nhân, viên chức ở đây, phần lớn là người địa phương. Họ được đào tạo cơ bản về nghề, được bố trí nhà ở tập thể với đầy đủ tiện nghi, có nhà ăn tập thể, nhà văn hóa, sân bóng chuyền… để vui chơi, giải trí. Đội bóng chuyền, đội văn nghệ của công ty thường xuyên đoạt giải cao của Vinacomin.

Hiện nay, công ty đang quản lý một số lượng lớn các thiết bị máy móc thường xuyên làm việc trên khai trường như xe vận tải CAT 55 tấn, xe Komatsu HD 36 tấn, các loại máy khoan, xúc, gạt cỡ lớn... và các thiết bị truyền động trong nhà máy tuyển đều có nguy cơ mất an toàn. Do vậy, các thiết bị đều thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, biện pháp an toàn, bảo dưỡng định kỳ, các thiết bị truyền động đều được bảo vệ. Công nhân làm việc được trang bị đầy đủ BHLĐ như bịt tai, khẩu trang lọc bụi, mặt nạ phòng độc, kính... nhằm giảm tác động của tiếng ồn và các loại hóa chất độc hại. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ công nhân, viên chức 2 lần/năm và khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp, đến nay chưa có người mắc bệnh nghề nghiệp. Công ty đã thực hiện kế hoạch an toàn vệ sinh lao động 6 tháng đầu năm, trị giá 3,959 tỉ đồng, bằng 70,34% kế hoạch năm. Với nhiều biện pháp và sự quyết liệt thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động nên trong 7 tháng đầu năm 2013, công ty đã không để xảy ra tai nạn lao động và sự cố thiết bị, đảm bảo an toàn trong sản xuất, góp phần thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2013.

Tằng Loỏng ổn định sản xuất

Nhà máy Luyện đồng Lào Cai là một công trình công nghiệp đồ sộ trong không gian xanh - sạch - đẹp tại khu công nghiệp Tằng Loỏng. Dây chuyền công nghệ của nhà máy được thiết kế, đầu tư các thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến. Ông Lã Xuân Thong - Phó giám đốc công ty cho biết, Nhà máy Luyện đồng Lào Cai cũng được xây dựng hoàn thiện khi mỏ tuyển đi vào hoạt động ổn định. Sản lượng thiết kế 10.000 tấn đồng kim loại.

Đến nay, nhà máy đã cơ bản đạt công suất thiết kế. Về chất lượng sản phẩm, thời kỳ đầu với công nghệ hỏa luyện, hàm lượng đồng trong xỉ lò Thủy Khẩu Sơn (SKS) dao động khoảng 1,14-7% đồng, chưa đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân chủ yếu do lần đầu tiên Việt Nam có nhà máy luyện đồng, cán bộ, công nhân phần lớn chưa có kinh nghiệm thực tế, công tác vận hành chưa thuần thục. Đây cũng là lý do mà dư luận thường lên tiếng về dự án này. Nhiều người cho rằng, nhà máy áp dụng công nghệ cũ của Trung Quốc nên khó đạt được các chỉ tiêu về sản lượng và chất lượng đề ra.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, các chỉ tiêu của lò SKS cơ bản đạt chỉ tiêu thiết kế (hàm lượng đồng trong xỉ=<3%). Xỉ của lò SKS theo quy trình khép kín được đưa tới xưởng tuyển xỉ để thu hồi lại, đảm bảo hàm lượng đồng trong bã thải đạt trên chuẩn như thiết kế. Về điện phân, theo kết quả phân tích VILAS182 của Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ ngày 6/4/2009, đồng sản xuất tại nhà máy đạt 99,97% (thiết kế là 99,95%). Hiện nay, tất cả các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật đã đạt công suất thiết kế.

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Phùng Viết Ngư - Phó chủ tịch Hội Đúc luyện kim Việt Nam cho biết: “Do nhiều người không hiểu chứ công nghệ luyện đồng Thủy Khẩu Sơn là công nghệ tiên tiến, các công đoạn từ lò luyện, lò phản xạ đến điện phân là công nghệ truyền thống, hiện các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Chất lượng đồng của nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế; một số chỉ tiêu còn tốt hơn so với đồng nhập ngoại. Ngoài sản phẩm chính là đồng kim loại, nhà máy còn thu hồi các sản phẩm đi kèm như vàng, bạc và axít…”. Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền - Lào Cai đi vào hoạt động không chỉ tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp kim loại màu Việt Nam, đáp ứng được 1/3 nhu cầu sản xuất trong nước, giảm mỗi năm hơn 40 triệu USD nhập khẩu đồng kim loại, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của một tỉnh biên giới phía Bắc.

Hùng Hải - Mạnh Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps