TKV và bài toán nâng cao hiệu quả lao động

13:55 | 11/02/2020

396 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khai thác than - khoáng sản là ngành lao động có tính đặc thù nhất tại Việt Nam. Bởi vậy để tìm lời giải cho bài toán thực hiện tái cơ cấu nguồn nhân lực của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cần một sự nỗ lực vượt bậc của cả Tập đoàn.    

Các nhóm giải pháp đòn bẩy

Trong 4 năm qua, TKV đã và đang thực hiện khá thành công nhóm giải pháp tăng năng suất lao động gồm cơ giới hóa, tự động hóa, tinh gọn bộ máy, thường xuyên điều chỉnh hệ thống định mức, định biên lao động, xã hội hóa nhân lực không chuyên môn và đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

TKV và bài toán nâng cao hiệu quả lao động
Thợ lò tại mỏ than Mạo Khê

Chương trình “3 hóa” của TKV gồm cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa được nghiên cứu áp dụng vào tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh để giảm tối đa lao động đã không chỉ tiết giảm lao động quản lý, phục vụ mà giảm cả lao động công nghệ và phụ trợ công nghiệp, trong đó mục tiêu là giảm tối đa lao động trực tiếp trong hầm lò vì việc tuyển dụng, thu hút lực lượng lao động thợ lò ngày càng khó khăn, chi phí tiền lương và phúc lợi cao.

Việc sắp xếp, điều chỉnh ranh giới tài nguyên chồng lấn giữa các công ty, đồng thời sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức bằng cách thực hiện hợp nhất, sáp nhập một số công ty, xóa bỏ mô hình công ty 2 cấp (công ty - xí nghiệp) đối với các công ty sản xuất than, hợp nhất để giảm đầu mối các phòng chuyên môn và phân xưởng. Do đó, tỷ lệ lao động quản lý chung toàn TKV đến nay đã giảm xuống còn trên 10% tổng số lao động.

Việc thường xuyên rà soát, hiệu chỉnh hệ thống định mức, định biên lao động để làm cơ sở giao khoán chi phí nhân công, siết chặt khâu tuyển dụng lao động cũng đem lại hiệu quả rõ rệt khi hỗ trợ các đơn vị giải quyết lao động dôi dư, tạo điều kiện tinh giản biên chế, hợp lý hóa lao động từng tổ, đội đến quy mô đơn vị. Bên cạnh đó, việc “xã hội hóa” nhân lực không chuyên môn như thuê bảo vệ, nấu ăn, lái xe, phục vụ để thực hiện mục tiêu tiến tới đưa tỷ lệ lao động phục vụ về mức tối thiểu trong ngành than.

Song song với việc giảm số lượng lao động, TKV còn chỉ đạo tuyển dụng nhân lực chất lượng cao để thực hiện chương trình “3 hóa”, điều hành tăng tiền lương theo phương châm “doanh nghiệp ít người trả lương cao”, đồng thời áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến, hiện đại trong quá trình quản lý để bù đắp, cân bằng cho việc giảm lao động với lượng lớn trong thời gian ngắn.

Nhờ thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nêu trên, tính từ năm 2015 đến nay trong toàn TKV đã giảm tới 25 nghìn lao động, bằng 25,8% tổng số lao động, đồng thời năng suất lao động của TKV đã không ngừng tăng cao qua các năm. Cụ thể, năm 2017, giảm hơn 6,1 nghìn người, hao phí lao động trên 1 triệu tấn than khai nguyên là 2.147 người; năm 2018 TKV giảm tiếp tục hơn 6,1 nghìn người, hao phí lao động trên 1 triệu tấn than khai nguyên chỉ còn 1.933 người, giảm 10% so với năm 2017; đến năm 2019 thì giảm khoảng 1,3 nghìn lao động và số hao phí lao động trên 1 triệu tấn than khai nguyên tiếp tục giảm sâu chỉ còn 1.746 người, giảm tới 18,7% so với năm 2017.

Tiếp tục tinh giản nguồn nhân lực

Vào năm 2020, dư địa giảm lao động bằng giải pháp sắp xếp tổ chức không còn nhiều do mô hình tổ chức các đơn vị thành viên trong TKV về cơ bản đã được ổn định. Song nhiệm vụ đặt ra là vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng năng suất lao động trong những năm tới để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của TKV và các đơn vị thành viên.

TKV và bài toán nâng cao hiệu quả lao động
Việc chăm lo đời sống người lao động được ngành than đặc biệt quan tâm
Năm 2019, tổng số lao động TKV chỉ còn chưa đầy 100 nghìn người, thu nhập bình quân khoảng 12,7 triệu đồng/người/tháng. Năng suất lao động tính theo sản lượng than tiêu thụ quy đổi đạt 722 tấn/người/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, TKV và các đơn vị thành viên phải thực hiện hai nhiệm vụ song song gồm vừa tăng năng lực sản xuất và tiếp tục giảm hao phí lao động sống. Theo Ban Tổ chức Nhân sự TKV, về khách quan các đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa đồng bộ trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm sử dụng lao động sống ít nhất. Do từ năm 2020 chi phí nhân công sẽ tăng cao do áp dụng hệ thống thang bảng lương mới theo hướng tăng lương đóng bảo hiểm xã hội để tiệm cận dần với mức lương thực trả theo yêu cầu của Nhà nước.

Về chủ quan, TKV phải tiếp tục sắp xếp mô hình tổ chức hợp lý hơn nữa sao cho tinh gọn, khoa học để sử dụng thời gian lao động hiệu quả. Trong đó, sử dụng tối đa các dịch vụ người lao động thuê ngoài làm tốt hơn doanh nghiệp tự làm. Các đơn vị phải tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống định mức, định biên lao động theo mô hình mới mà TKV đã ban hành vào tháng 1-2020, hướng doanh nghiệp kết hợp cả sản xuất và kinh doanh than, khoáng sản.

Mặt khác, cần cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ quản lý điều hành. Từ trước đến nay, TKV luôn tìm cách cải thiện điều kiện làm việc, tăng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên những năm trước đây do chưa có điều kiện cân đối chi phí nên TKV mới chỉ tập trung tăng tiền lương cho khối lao động trực tiếp, đặc biệt là đội ngũ thợ lò mà chưa thực sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý cấp phòng, ban, phân xưởng. Do đó đã xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám” hoặc khó thu hút được lực lượng kỹ sư, cử nhân được đào tạo chính quy về làm việc ở các đơn vị hoặc hiệu quả công việc của một số cán bộ cấp trung chưa cao.

Bởi vậy, chỉ trong vòng 2 năm vừa qua, TKV đã có 5 lần điều chỉnh tăng tiền lương cho người lao động, từ đó tiền lương của người lao động không ngừng tăng lên ở tất cả các khâu từ công nhân, quản lý đến lao động phụ trợ. Cụ thể, năm 2017, tiền lương bình quân của người lao động TKV khoảng 9,6 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2019 đã đạt mức 12,4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên tốc độ tăng lương của lao động quản lý bậc trung vẫn thấp hơn lương của công nhân. Chính vì vậy từ tháng 7-2019, TKV đã chỉ đạo tăng lương quản lý cấp trung, chuyên gia một cách phù hợp lên từ 10-30 triệu đồng/người/tháng tùy theo trình độ và vị trí công tác.

Tuy nhiên mức lương nêu trên mới chỉ là theo hướng dẫn của TKV. Để có nguồn chi trả tiền lương, TKV còn khuyến khích các đơn vị có thể trả lương cao hơn, phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, khả năng sử dụng lao động hiệu quả, tiết kiệm hơn so với tỷ lệ lao động quản lý theo mô hình mẫu mà TKV giao khoán.

“An toàn - Hiệu quả - Thu nhập xứng đáng” đang trở thành kim chỉ nam thực sự đi vào đời sống của từng đơn vị trong TKV. Đây không chỉ là những giải pháp về nguồn nhân lực mà còn là nền tảng của sự phát triển bền vững của TKV trong những năm tới.

Thành Công

  • el-2024