Tin Thị trường: UAE lo thiếu hụt nguồn cung dầu trong tương lai

16:10 | 11/05/2023

6,314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - UAE lo thiếu hụt nguồn cung dầu do tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ; Pakistan muốn mua dầu Nga bằng Nhân dân tệ...
Tin Thị trường: UAE lo thiếu hụt nguồn cung dầu trong tương lai

UAE lo thiếu hụt nguồn cung dầu

Ngày 9/5, Bộ trưởng Năng lượng và cơ sở hạ tầng Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei khẳng định, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đưa ra quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng bổ sung hồi đầu tháng 4 vừa qua là nhằm cân bằng thị trường.

Phát biểu trước báo giới bên lề một sự kiện quốc tế diễn ra ở Abu Dhabi, ông Suhail Al Mazrouei bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu trong tương lai do tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ.

"Tôi không quá lo lắng về ngắn hạn. Chúng ta có thể xoay sở để cân bằng giữa cung và cầu. Nhưng tôi lo ngại hơn về mức đầu tư cần thiết cho những năm tới", Bộ trưởng của UAE nói thêm.

Trong một động thái bất ngờ vào tháng trước, các thành viên OPEC+ đã tuyên bố tự nguyện cắt giảm 1,16 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 5/2023 đến tháng 12/2023, như một biện pháp phòng ngừa để hỗ trợ sự ổn định của thị trường.

Ả Rập Xê-út, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, có kế hoạch cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5-12/2023. Trong khi đó, UAE cũng thông báo sẽ cắt giảm 144.000 thùng/ngày trong cùng giai đoạn.

OPEC cho hay, khối sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường và có kế hoạch tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tại Áo để quyết định bước đi tiếp theo.

Các nhà giao dịch vẫn lo ngại về nền kinh tế

Các nhà quản lý tiền tệ đã tháo chạy khỏi thị trường dầu mỏ trong tuần tính đến ngày 2/5, đảo ngược hai tuần mua hợp đồng dầu tương lai và các hợp đồng được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản lượng mới được OPEC+ công bố hồi đầu tháng 4.

Một tháng sau khi liên minh OPEC+ gây bất ngờ cho thị trường dầu mỏ khi tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng từ tháng 5 đến cuối năm nay để đảm bảo "sự ổn định của thị trường", giá dầu Brent đã ở mức ngay trước khi có thông báo, vào khoảng 70 USD/thùng.

Sự phấn khích ban đầu từ việc thắt chặt thị trường đã nhường chỗ cho những lo ngại mới về bối cảnh kinh tế vĩ mô với một cuộc suy thoái đang dần hiện ra. Những lo ngại liên tục về lĩnh vực ngân hàng cũng không giúp ích cho việc tăng giá dầu.

Bởi vậy, các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ khác đã cắt giảm đặt cược tăng giá của họ đối với các hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai xăng dầu được giao dịch nhiều nhất trong tuần thứ hai liên tiếp tính đến ngày 2 tháng 5, đảo ngược các vị thế tăng giá mà họ đã tích lũy được trong hai tuần sau khi OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng bổ sung.

Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy, dầu thô Mỹ WTI đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong vị thế mua ròng - chênh lệch giữa đặt cược giá lên và xuống trong 6 tuần tính đến ngày 2/5.

Pakistan muốn mua dầu Nga bằng Nhân dân tệ

Pakistan hy vọng có thể thanh toán những lô hàng dầu thô trong tương lai của Nga bằng đồng Nhân dân tệ, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Pakistan, Khurram Dastgir Khan mới đây nói với Bloomberg.

Cho đến nay, quốc gia đang kẹt tiền mặt, Pakistan mới chỉ đặt mua một lô hàng dầu thô từ Nga.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan Musadik Malik nói với Reuters rằng nước này dự kiến sẽ nhận được lô hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga vào tháng 5 sau khi đặt đơn hàng dầu đầu tiên theo một thỏa thuận song phương.

Khoản thanh toán cho chuyến hàng dầu đầu tiên của Nga tới Pakistan được thực hiện bằng USD.

Pakistan rất cần nhập khẩu năng lượng với chi phí thấp sau khi chi tiêu nhiều cho năng lượng vào năm ngoái, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao dù dự trữ ngoại hối của nước này giảm sút.

Được biết, quốc gia Nam Á có một giao dịch hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, điều này sẽ giúp việc thanh toán dầu thô trở nên dễ dàng hơn so với việc sử dụng lượng dự trữ USD ít ỏi mà họ hiện có.

"Chúng tôi hy vọng nếu điều này trở thành một thỏa thuận dài hạn, nó sẽ trở thành giao dịch đồng rupee và đồng Nhân dân tệ", Bộ trưởng Khan bình luận về việc nhập khẩu dầu thô của Nga.

Thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ sẽ có lợi cho cả Trung Quốc và Nga.

Tin Thị trường: Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia Trung Đông Tin Thị trường: Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia Trung Đông
Tin Thị trường: EU tìm nguồn cung cho nhóm mua khí đốt chung Tin Thị trường: EU tìm nguồn cung cho nhóm mua khí đốt chung

Bình An