Tin Thị trường: Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia Trung Đông

15:56 | 04/05/2023

6,164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu Trung Đông; xuất khẩu dầu của Mỹ đạt kỷ lục trong tháng 4;...
Tin Thị trường:

Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia Trung Đông

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế tại các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ chuyển từ lĩnh vực dầu mỏ sang phi dầu mỏ do sản lượng dầu thô thấp hơn do thỏa thuận OPEC+.

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức vừa phải tại các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông, bao gồm cả nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu Ả Rập Xê-út. Đó là do việc cắt giảm của OPEC+ được quyết định vào cuối năm ngoái và đợt cắt giảm sản lượng mới nhất sẽ kéo dài đến cuối năm nay.

"Kết quả là tăng trưởng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) được dự báo sẽ giảm tốc từ 5,3% năm 2022 xuống 3,1% năm 2023 trước khi tăng nhẹ lên 3,4% vào năm 2024", IMF cho biết.

Tăng trưởng GDP thực tế của các nhà xuất khẩu dầu MENA dự kiến ​​sẽ chậm lại từ 5,7% năm 2022 xuống 3,1% năm 2023 (sẽ duy trì tốc độ đó vào năm 2024) do động lực tăng trưởng chính ở hầu hết các nhà xuất khẩu dầu mỏ chuyển sang các hoạt động phi hydrocacbon.

Xuất khẩu dầu của Mỹ đạt kỷ lục trong tháng 4

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tháng 4 đạt kỷ lục 4,5 triệu thùng/ngày nhờ nhu cầu nhiên liệu tăng ở Trung Quốc.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng 22% vào năm ngoái kể từ năm 2021 sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, khiến Mỹ, EU và Canada cấm nhập khẩu dầu của Nga và làm thay đổi đáng kể dòng chảy toàn cầu.

Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, ghi nhận sự phục hồi kinh tế kể từ khi nước này dỡ bỏ các chính sách phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Theo Y-Charts, xuất khẩu dầu thô của Mỹ hiện ở mức 4,819 triệu thùng mỗi ngày, tăng từ 4,571 triệu vào tuần trước và từ 4,27 triệu thùng mỗi ngày thời điểm một năm trước.

Theo Rohit Rathod, nhà phân tích thị trường tại Vortexa, tổng xuất khẩu dầu thô trong tháng 4 của Mỹ dự kiến sẽ chỉ thấp hơn vài trăm nghìn thùng mỗi ngày so với tháng 3, và sẽ duy trì ở mức trên 4 triệu thùng.

Dầu thô Mỹ có xu hướng rẻ hơn một chút so với dầu Brent. Các khách hàng thường tăng cường mua dầu thô của Mỹ bất cứ khi nào mức chênh lệch so với Brent vượt quá 6 USD/thùng.

Nhu cầu dầu diesel của Mỹ giảm

Nhu cầu dầu diesel tại Mỹ đã giảm trong những tháng gần đây, được phản ánh thông qua việc giảm giá dầu diesel bán buôn và bán lẻ, cho thấy sự chậm lại trong các hoạt động công nghiệp và vận chuyển hàng hóa, đồng thời làm gia tăng lo ngại về suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các công ty vận tải và hậu cần lớn của Mỹ đã không đạt được kỳ vọng của Phố Wall về thu nhập quý I và đánh dấu sự suy thoái trong hoạt động vận tải vào tuần trước.

Chủ tịch Shelley Simpson của J.B. Hunt cho hay: "Đầu tiên, chúng ta đang ở trong một môi trường vận chuyển hàng hóa đầy thách thức, nơi có áp lực giảm giá đối với một ngành tiếp tục đối mặt với áp lực chi phí lạm phát. Nói một cách đơn giản, chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái vận tải hàng hóa".

Giới phân tích nhận định, hoạt động vận tải đường bộ thấp hơn và tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại, 1,1% trong quý đầu tiên, giảm từ 2,6% trong quý IV năm 2022, không phải là tín hiệu tốt cho nhu cầu dầu diesel trong nước.

Giá dầu diesel tương lai được vận chuyển đến Cảng New York đã giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do lo ngại về sự thiếu hụt dầu diesel từ mùa thu năm ngoái giờ đã chuyển thành lo ngại về nhu cầu dầu diesel yếu do nền kinh tế lao dốc.

Tin Thị trường: Giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại về nhu cầu Tin Thị trường: Giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại về nhu cầu
Tin Thị trường: Châu Âu cần tiếp tục cắt giảm nhu cầu khí đốt Tin Thị trường: Châu Âu cần tiếp tục cắt giảm nhu cầu khí đốt

Bình An