Tin Thị trường: EU tìm nguồn cung cho nhóm mua khí đốt chung

16:04 | 08/05/2023

3,426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) sẽ vận chuyển ít dầu tới châu Á hơn trong tháng này; Liên minh châu Âu muốn thu hút nhiều nhà cung cấp cho nền tảng mua khí đốt chung...
Tin Thị trường: EU tìm nguồn cung cho nhóm mua khí đốt chung

UAE chuyển tới châu Á ít dầu hơn

Công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đã thông báo cho các khách hàng mua dầu thô tại châu Á rằng họ sẽ vận chuyển khối lượng thấp hơn 5% trong tháng này, có thể xuất phát từ việc cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+ được công bố hồi tháng trước.

Tuy nhiên, ADNOC thông báo với các khách hàng rằng họ sẽ cung cấp đủ số lượng trong tháng 6 và tháng 7, Reuters đưa tin.

Một nguồn tin lưu ý rằng: "Chúng ta có thể thấy khối lượng xuất khẩu ít hơn của ADNOC từ tháng 5 trở đi".

Việc cắt giảm sản lượng bổ sung 1,16 triệu thùng/ngày của OPEC+ đã được thông qua và duy trì cho đến cuối năm nay.

Động thái này được lý giải là nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thay vì tranh giành để đẩy giá dầu lên cao hơn.

Hãng Bloomberg cũng đưa tin ADNOC đã bắt đầu vận chuyển dầu thô ra nước ngoài ít hơn để tuân thủ việc cắt giảm sản lượng, lưu ý rằng đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc cắt giảm sản lượng đang ảnh hưởng đến các chuyến hàng dầu xuất khẩu.

EU thu hút nhiều nhà cung cấp cho nhóm mua khí đốt chung

Liên minh châu Âu (EU) muốn thu hút các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên quốc tế chào bán khối lượng lớn cho nhóm mua khí đốt chung mới của khối để giữ giá ở mức thấp và tránh những lo ngại về một mùa đông thiếu khí đốt.

Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói với Bloomberg TV trong một cuộc phỏng vấn: "Tất cả các nhà cung cấp khí đốt quốc tế nên tham gia và đấu thầu".

"Chúng ta phải cảnh giác, tình hình vẫn còn rất mong manh", ông Sefcovic bình luận về an ninh năng lượng của EU trong năm nay.

Tuần trước, nhóm mua khí đốt chung của EU đã đưa ra lời kêu gọi đầu tiên về việc đặt ra nhu cầu mua khí đốt.

"Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng để chuẩn bị cho mùa đông tới và mùa làm đầy kho chứa", Ủy ban châu Âu mới đây cho biết.

Theo cơ chế mua chung, khối lượng nhu cầu được gửi tới nhóm này sau đó sẽ được tổng hợp và cuối cùng khớp với giá thầu của người bán thông qua tổ chức đấu thầu. Mỗi vòng đấu thầu – hai tháng một lần trong khoảng thời gian 12 tháng tới – sẽ kéo dài khoảng hai tuần.

Ông Sefcovic cho biết hơn 100 công ty đã tham gia nhóm này, trong đó 65 công ty đang tìm cách mua khí đốt.

Xuất khẩu dầu Venezuela của Chevron gặp trở ngại

Kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu dầu từ Venezuela của ông lớn dầu khí Mỹ Chevron đã gặp phải trở ngại khi quốc gia Nam Mỹ bị trừng phạt này không thể trang trải chi phí nạo vét một cửa ngõ xuất khẩu dầu quan trọng.

Chevron mong muốn tăng cường xuất khẩu dầu thô từ Venezuela, nhưng để làm được điều đó, Hồ Maracaibo cần phải được nạo vét. Tuy nhiên, Venezuela sẽ không thể mua các thiết bị cần thiết để thực hiện việc nạo vét, theo nội dung bức thư mà Venezuela gửi cho công ty đóng tàu Royal IHC của Hà Lan, với lý do ngân sách hạn chế.

Chevron đã trả tiền cho việc đo lường lượng trầm tích tích tụ dưới đáy hồ, nhưng Chevron cũng có thể buộc phải trả tiền cho việc nạo vét nếu họ muốn tăng lượng xuất khẩu.

Trước đó, Chevron đã yêu cầu nhà chức trách Venezuela nạo vét cửa vào để ngăn tàu mắc cạn khi họ cố gắng thực hiện tham vọng xuất khẩu từ 400.000 - 500.000 thùng/ngày dầu thô ra khỏi Venezuela. Theo Bloomberg, xuất khẩu dầu từ Venezuela của công ty có trụ sở tại Mỹ hiện là 300.000 thùng/ngày.

Dầu thô nặng của Venezuela được các nhà máy lọc dầu vùng vịnh nước Mỹ đánh giá cao. Tháng 12 năm ngoái, có thông tin cho rằng một số nhà máy lọc dầu Mỹ đang cố gắng để có được dầu thô từ Venezuela.

Tin Thị trường: Châu Âu cần tiếp tục cắt giảm nhu cầu khí đốt Tin Thị trường: Châu Âu cần tiếp tục cắt giảm nhu cầu khí đốt
Tin Thị trường: Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia Trung Đông Tin Thị trường: Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các quốc gia Trung Đông

Bình An