Tin Thị trường: Liên minh châu Âu xem xét hạ giá trần khí đốt

14:58 | 19/12/2022

6,271 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên minh châu Âu (EU) xem xét hạ giá trần khí đốt trong cuộc họp cấp bộ trưởng sẽ diễn ra trong ngày 19/12; Nga vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ theo cơ chế giá trần...
Tin Thị trường: Nhà điều hành ICE xem xét chuyển hoạt động kinh doanh

EU xem xét hạ giá trần khí đốt

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét đề xuất hạ trần giá khí đốt xuống mức thấp hơn so với các đề xuất từng được đưa ra trước đây.

Hãng Reuters đưa tin, sau nhiều tháng đàm phán và 2 cuộc họp khẩn cấp cấp bộ trưởng về đề xuất áp mức giá trần khí đốt, các quốc gia EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và còn đang mâu thuẫn về việc liệu biện pháp này có thể làm giảm bớt hay sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Hôm nay (19/12), các Bộ trưởng Năng lượng của EU sẽ tiếp tục nhóm họp để thông qua biện pháp này.

Cộng hòa Séc, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, đã soạn thảo một văn bản thỏa thuận mới nhằm cố gắng phá vỡ thế bế tắc.

Nga vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ theo cơ chế giá trần

Nga đang vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ theo cơ chế giá trần đối với các tàu chở dầu được bảo hiểm bởi những công ty phương Tây, một dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga sẽ không cắt nguồn cung dầu thô tuân thủ mức trần giá mà G7 áp đặt, tờ Financial Times trích dẫn phân tích riêng của tờ này về dữ liệu bảo hiểm và vận tải biển.

Trước đó, Nga tuyên bố sẽ cấm bán dầu thô của mình cho những người mua tham gia Liên minh giới hạn giá hoặc nếu việc mua dầu bị ràng buộc bởi giá trần của G7/EU, như một biện pháp để phản đối mức giá trần 60 USD/thùng.

Theo phân tích của FT dựa trên dữ liệu hàng hóa từ Kpler, có ít nhất 7 tàu chở dầu thô của Nga kể từ ngày 5/12 và những tàu này được bảo hiểm bởi các công ty phương Tây. Các tàu chở dầu đang chở 5 triệu thùng dầu thô từ các cảng Baltic của Nga trên đường đến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ.

Nhật Bản đưa năng lượng hạt nhân trở lại

Nhật Bản đang từng bước đưa năng lượng hạt nhân trở lại như một nguồn năng lượng chính, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong cuộc khủng hoảng dẫn đến giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao.

Chính phủ Nhật Bản hồi cuối tuần qua đã công bố một chính sách mới đối với năng lượng hạt nhân mà nước này gần như đã từ bỏ kể từ thảm họa Fukushima năm 2011.

Cụ thể, nhà chức trách Nhật Bản sẽ cho phép phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới và cho phép các lò phản ứng hiện có hoạt động sau thời hạn hiện tại là 60 năm.

Trong một bước ngoặt hồi tháng 8, Chính phủ Nhật Bản nói rằng họ muốn khởi động lại nhiều nhà máy hạt nhân đã bỏ không sau thảm họa Fukushima và quan tâm đến việc phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân nhỏ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Năng lượng hạt nhân là một phần thiết yếu trong cơ cấu năng lượng của Nhật Bản do sự khan hiếm tài nguyên, khiến quốc gia Đông Á phải phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Tin Thị trường: Đức tiếp tục nhập khẩu LNG từ Nga Tin Thị trường: Đức tiếp tục nhập khẩu LNG từ Nga
Tin Thị trường: Thị trường được hỗ trợ, dầu giữ giá Tin Thị trường: Thị trường được hỗ trợ, dầu giữ giá

Bình An