Tin Thị trường: EU thành lập liên minh mua chung khí tự nhiên

15:30 | 09/03/2023

4,079 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên minh châu Âu (EU) thành lập liên minh mua chung khí tự nhiên; Nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tăng vọt vào cuối năm nay...
Tin Thị trường: EU thành lập liên minh mua chung khí tự nhiên

EU thành lập liên minh mua chung khí tự nhiên

Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên với tư cách là một nhóm người mua trên thị trường khí đốt quốc tế vào tháng 4 khi tổ chức buổi đấu thầu đầu tiên cho các nhà cung cấp.

Cuộc đấu thầu diễn ra sau nhiều tháng thảo luận về cơ chế tiếp cận tốt nhất, nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên cho 27 quốc gia thành viên, cũng như tránh trường hợp một số thành viên trả giá cao hơn những nước khác vì hầu bao rủng rỉnh hơn.

Một giải pháp được thống nhất là thành lập một liên minh người mua khí đốt. Theo Bloomberg, những đề nghị đầu tiên, từ các nhà cung cấp khí đốt ở Mỹ, Trung Đông và châu Phi sẽ được ký vào tháng 6.

Giá sẽ là điểm then chốt trong hoạt động mua chung kể trên. Một trong những mục đích của nỗ lực là nhằm giữ giá khí đốt ở mức thấp bằng cách mua với khối lượng lớn hơn.

Trên thực tế, giá khí đốt tự nhiên hiện đang thấp hơn rất nhiều so với một năm trước. Tuy nhiên, EU cần mua nhiều khí đốt và việc mua khối lượng lớn như vậy rất có thể đẩy giá lên cao hơn.

Guggenheim: Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc

Michael LaMotte, giám đốc điều hành cấp cao của công ty đầu tư Guggenheim Partners, cho biết tại Hội nghị năng lượng CERAWeek diễn ra tại Houston, Texas, Mỹ rằng, thị trường năng lượng dường như đang ở trạng thái cân bằng bấp bênh, và khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc.

Sự không chắc chắn về nguồn cung liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và công suất dự phòng khai thác dầu bị thắt chặt trên toàn cầu có thể làm gián đoạn thị trường dầu mỏ và khí đốt, các giám đốc điều hành và lãnh đạo các ngân hàng cho biết trong các cuộc thảo luận tại một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành năng lượng.

Những lo ngại ở châu Âu đã giảm bớt trong bối cảnh nhập khẩu LNG cao, tiêu thụ thấp hơn và lượng khí đốt tự nhiên tồn kho cao hơn nhiều so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm.

Trên thực tế, cuộc đua đảm bảo nguồn cung cho mùa đông tới thậm chí còn chưa bắt đầu một cách nghiêm túc. Giá được thiết lập để giữ ở mức cao hơn so với trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine trong suốt mùa hè vì châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ châu Á về nguồn cung LNG.

Năm ngoái, châu Á, bao gồm cả Trung Quốc ghi nhận nhu cầu yếu kém trong bối cảnh giá giao ngay cao và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu về khí đốt và LNG sẽ tăng trở lại, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa châu Á và châu Âu về nguồn cung giao ngay.

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tăng vọt vào cuối năm

Nhập khẩu hàng hóa năng lượng của Trung Quốc đã giảm mạnh trong hai tháng đầu năm 2023, nhưng dự kiến ​​sẽ tăng vào cuối năm nay với khả năng mua dầu thô cao kỷ lục, mặc dù Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua, nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, lượng quặng sắt - nguyên liệu chính để sản xuất thép tăng vọt khi các nhà máy thép dự trữ hàng với kỳ vọng chính phủ sẽ thúc đẩy nền kinh tế thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.

Mặc dù nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên yếu hơn vào đầu năm và ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần ba năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối phó Covid-19, các nhà phân tích kỳ vọng nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tăng tốc vào cuối năm nay và hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt trung bình 10,4 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 1 và tháng 2, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc.

Nhập khẩu cũng thấp hơn mức 11,3 triệu thùng/ngày trong nhập khẩu dầu thô tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.

Bình An