Tin Thị trường: Ả Rập Xê-út, Nga muốn giá dầu ở mức 100 USD

16:00 | 19/09/2022

1,697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hai thành viên chủ chốt trong OPEC+ là Ả Rập Xê-út và Nga đều mong muốn giá dầu ở mức 100 USD; Brazil muốn thúc đẩy nhập khẩu dầu diesel của Nga...
Tin Thị trường: Ả Rập Xê-út, Nga muốn giá dầu ở mức 100 USD

Hai thành viên chủ chốt của OPEC+ muốn giá dầu ở mức 100 USD

Hai thành viên chủ chốt trong OPEC+ là Ả Rập Xê-út và Nga, với hạn ngạch mỗi nước hơn 11 triệu thùng/ngày, đang coi 100 USD là một mức giá hợp lý cho tất cả mọi người.

Nga và Ả Rập Xê-út cùng chiếm hơn một nửa tổng hạn ngạch của OPEC+, được coi là hai nhà lãnh đạo của nhóm OPEC+, và mong muốn mức giá 100 USD có thể dẫn đến sự bảo vệ tích cực đối với mức giá sàn này.

OPEC từ lâu đã bác bỏ cáo buộc rằng họ nhắm mục tiêu vào giá dầu cụ thể. Thay vào đó, như đã tuyên bố, OPEC muốn giữ thị trường dầu cân bằng. Tuy nhiên, giá dầu vẫn có vai trò nhất định trong việc duy trì sự cân bằng đó.

Các quan chức OPEC+ giấu tên cho biết, liên minh này muốn thấy mức giá Brent khoảng 90 USD hoặc 100 USD/thùng.

Trong cuộc họp tháng 8, khi giá dầu ở mức gần 100 USD nhưng đang có xu hướng giảm, OPEC+ đã thực hiện hành động nhỏ để bảo vệ mức giá này bằng cách cắt giảm 100.000 thùng/ngày khỏi hạn ngạch sản xuất. Điều này không đủ để giữ giá dầu Brent gần 100 USD, nhưng có lẽ đã giúp giữ giá dầu Brent trên 90 USD, vì động thái này giúp gạt đi những lo ngại rằng suy thoái có thể làm giảm nhu cầu dầu thô trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Brazil muốn tăng cường nhập khẩu dầu diesel của Nga

Brazil đang đàm phán để tăng cường nhập khẩu dầu diesel từ Nga và Trung Đông khi nước này đang rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu bắt đầu từ vài tháng trước và hiện đang gây trở ngại đến cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Jair Bolsonaro.

Hồi đầu năm nay, Chính phủ Brazil nói rằng đang cố gắng mua nhiều dầu diesel từ Nga nhất có thể để tăng nguồn cung cho đất nước, theo hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt dầu diesel không phải là vấn đề của riêng Brazil, và việc chuyển hướng dòng chảy có nghĩa là tình trạng thiếu hụt có thể trở nên tồi tệ hơn ở những nơi khác.

Trên thực tế, châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương vì lệnh cấm vận dầu mỏ và nhiên liệu đối với Nga sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay và đầu năm 2023 đối với nhiên liệu.

Sự khan hiếm của thị trường dầu diesel là hệ quả của một số yếu tố, bao gồm việc chuyển đổi từ khí đốt sang diesel để phát điện công nghiệp trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao. Hầu hết việc chuyển đổi này được thực hiện ở châu Âu và Trung Đông.

Vì Nga cần các thị trường mới cho nhiên liệu của mình, nên Brazil có thể trở thành nước hưởng lợi hiếm hoi trong một thị trường nguồn cung đang rất hạn hẹp.

Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc gặp khó khăn

Công suất lọc dầu tại Trung Quốc, đã giảm 6,5% trong tháng 8 so với một năm trước đó, và vẫn ở gần mức tháng 7 năm 2022, tháng chứng kiến ​​công suất lọc dầu ở mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Hồi tháng 8 vừa qua, lượng dầu thô đầu vào của nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đạt 12,64 triệu thùng/ngày, giảm 6,5% so với tháng 8 năm 2021, và chỉ cao hơn một chút so với mức 12,53 triệu thùng/ngày vào tháng 7 năm 2022, theo tính toán của Reuters dựa trên khối lượng tính bằng tấn do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố.

Công suất tại các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã giảm trong tháng 7 xuống mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch vào tháng 3/2020, trong bối cảnh các cơ sở ngừng hoạt động ngoài kế hoạch và công suất thấp hơn tại các nhà máy lọc dầu độc lập do tỷ suất lợi nhuận lọc dầu giảm.

Cũng trong tháng 8, tình trạng ngừng hoạt động bất ngờ tại một số nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến công suất lọc dầu, nhưng nhu cầu nhiên liệu cũng suy giảm trong bối cảnh phong tỏa khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "zero Covid".

Bình An