Tin nóng thế giới hôm nay - 3/12

17:30 | 03/12/2018

1,317 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhật Bản và Nga xúc tiến đẩy nhanh đàm phán hiệp ước hòa bình. Mỹ và Mexico cam kết giải quyết thách thức chung về vấn đề di cư. Hàn Quốc công bố kế hoạch chủ đạo về phát triển quan hệ liên Triều.
tin nong the gioi hom nay 312Thế giới đêm qua - 2/12
tin nong the gioi hom nay 312Tin nóng thế giới hôm nay - 2/12
tin nong the gioi hom nay 312Thế giới đêm qua - 1/12
tin nong the gioi hom nay 312
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc gặp ở Moskva, Nga ngày 26/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Nhật Bản và Nga xúc tiến đẩy nhanh đàm phán hiệp ước hòa bình

Theo hãng Tass, Cơ quan Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Mori đã trở thành đặc phái viên của các nhà lãnh đạo hai nước trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Cơ quan trên xác nhận: "Tại các cuộc hội đàm ở Buenos Aires (Argentina), các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga đã nhất trí đẩy nhanh hơn nữa đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước là Taro Kono và Sergey Lavrov đảm nhận vai trò giám sát thực hiện, các Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Mori và Igor Morgulov sẽ tiến hành các cuộc đàm phán này”. Cơ quan này nói thêm: "Các nhà lãnh đạo cũng quyết định nhất trí về cuộc họp giữa các ngoại trưởng hai nước trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe vào đầu năm tới.

2. Mỹ và Mexico cam kết giải quyết thách thức chung về vấn đề di cư

Ngày 2/12, tân Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp được xem là "thân thiện" trong bối cảnh có những căng thẳng về khủng hoảng di cư tại biên giới hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận về một "cam kết chung nhằm giải quyết những thách thức chung và cơ hội cho tương lai".

Mexico và Mỹ đang nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư Trung Mỹ, vốn là tâm điểm trong quan hệ giữa hai nước, trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép buộc tân Tổng thống Mexico Lopez Obrador chấp nhận một thỏa thuận nhằm "giữ chân" những người tị nạn tại Mexico cho đến khi đơn xin tị nạn của họ được phê duyệt tại tòa án Mỹ.

3. Hàn Quốc công bố kế hoạch chủ đạo về phát triển quan hệ liên Triều

Ngày 3/12, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch chủ đạo trung hạn về phát triển quan hệ liên Triều, chủ yếu tập trung vào phi hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, thiết lập nền hòa bình lâu dài và lòng tin lẫn nhau với Triều Tiên.

Kế hoạch trên đề ra những mục tiêu và phương hướng trong chính sách của chính phủ Hàn Quốc về phát triển quan hệ liên Triều giai đoạn 2018-2022. Kế hoạch này sẽ thay thế kế hoạch chủ đạo giai đoạn 2013-2017 được lập ra dưới thời chính quyền của Tổng thống đã bị phế truất Park Geun-hye. Theo kế hoạch trên, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in sẽ tập trung chủ yếu vào việc thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, thiết lập nền hòa bình lâu dài và thay thế hiệp định đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình.

4. Nhật Bản xúc tiến xây dựng căn cứ quân sự mới ở Okinawa

Theo Kyodo, ngày 3/12, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch bắt đầu san lấp mặt bằng từ 14/12 để xây dựng một cơ sở quân sự thay thế cho căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Okinawa. Theo kế hoạch, Căn cứ Không quân Futenma của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được di dời từ khu đông dân cư Ginowan tới vùng Henoko, trên bờ biển Nago. Nhiều người dân Okinawa muốn di dời căn cứ Futenma ra ngoài tỉnh này. Họ lo ngại rằng việc san lấp mặt bằng có thể tác động lớn tới môi trường biển. Trong một nỗ lực nhằm cản trở quá trình di dời căn cứ của Mỹ, chính quyền Okinawa hồi tháng 8 đã rút lại giấy phép chấp thuận cho san lấp mặt bằng đã cấp trước đó. Tuy nhiên, sau đó Bộ trưởng Đất đai Keiichi Ishii đã ban hành một chỉ thị hủy quyết định của địa phương, cho rằng việc rút giấy phép là không hợp lý và sẽ làm suy yếu mối quan hệ tin cậy với Mỹ - đồng minh an ninh chủ chốt của Nhật Bản.

5. Qatar rút khỏi OPEC từ năm 2019

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi hôm 3/12 tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào tháng 1/2019 để tập trung đánh giá lại các biện pháp nhằm nâng cao vai trò quốc tế và vạch ra kế hoạch dài hạn, tập trung vào ngành khí đốt, theo Reuters. Qatar là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Saad al-Kaabi nói OPEC đã được thông báo về quyết định hôm 3/12 trước khi ông công bố. Ông nói đưa ra quyết định này là điều không dễ dàng với Doha, song Qatar không có ảnh hưởng lớn tới các quyết định về hoạt động sản xuất của OPEC.

OPEC vốn được xem là bị thống trị bởi Saudi Arabia, vương quốc Vùng Vịnh láng giềng với Qatar có tiềm năng dầu mỏ to lớn. Saudi Arabia đã dẫn đầu cuộc tẩy chay ngoại giao, thương mại nhằm vào Doha từ tháng 6/2017, với cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, ông Kaabi nói quyết định rút khỏi OPEC không liên quan đến căng thẳng với Saudi Arabia, mà là để phục vụ mục tiêu tăng sản lượng LNG từ 77 triệu tấn lên 110 tấn một năm.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc