Tị nạn - Nguồn cơn căng thẳng chính trị

07:00 | 30/06/2018

320 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong báo cáo công bố nhân dịp Ngày Quốc tế về người tị nạn (20-6), Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết, trong năm 2017, số lượng người tị nạn lên đến 68,5 triệu người, một nửa trong số này là trẻ em.  

Theo báo cáo, tính đến giữa năm 2017, trong số 68,5 triệu người di tản, có 22,5 triệu người đã chạy sang các nước khác, số còn lại phải di tản từ nơi này qua nơi khác trong cùng một đất nước. Hơn một nửa trong số họ dưới 18 tuổi, là con số trẻ em tị nạn cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai đến nay. UNHCR ước tính gần 1% dân số thế giới đã bị đẩy ra khỏi đất nước của họ do chiến tranh hoặc bất ổn chính trị. Tính ra, trên thế giới, cứ 110 người thì có 1 người phải di tản, theo nhịp độ cứ 2 giây là 1 người.

ti nan nguon con cang thang chinh tri
Trang bìa của Time về chính sách chia cắt gia đình người nhập cư trái phép vào Mỹ

Syria, nước đã bị tàn phá bởi xung đột trong 7 năm, đã tạo ra số lượng người tị nạn cao nhất. Ước tính 660.000 người Syria đã bỏ chạy khỏi nước này trong năm 2017, nâng tổng số người tị nạn Syria lên 5,6 triệu người, hầu hết đã định cư ở các nước láng giềng. Ngoài ra, có 6,6 triệu người khác phải rời khỏi nơi ở ngay trong Syria.

Cuộc xung đột ở Afghanistan đã dẫn đến 2,5 triệu người tị nạn. Nam Sudan có 1,4 triệu người tị nạn. Xung đột tôn giáo và sắc tộc đã làm 1,1 triệu người chạy trốn khỏi Myanmar. Tính đến tháng 4-2017, hơn 876.000 người đã chạy trốn khỏi Somalia.

Nhìn dưới góc độ nước tiếp nhận, Liên Hiệp Quốc ghi nhận, năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp mà Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu danh sách các quốc gia đón nhận số lượng người tị nạn đông nhất với 3,5 triệu người vào cuối năm 2017. Pakistan đứng thứ 2 với 1,6 triệu người. Lebanon đứng thứ 3 với 1 triệu người. Trong nhóm 10 nước tiếp nhận hàng đầu còn có Iran (978.000 người), Ethiopia (740.000 người), Jordan (700.000 người), Kenya (523.000 người), Uganda (512.000 người), Đức (470.000 người)...

Tuy nhiên, điểm đến cuối cùng của người tị nạn thường không nhất thiết là Thổ Nhĩ Kỳ hay Pakistan mà là các nước châu Âu giàu có hoặc Mỹ, Australia.

Tuần trước, tàu Aquarius của Tổ chức Y sĩ không biên giới cứu vớt 630 thuyền nhân trên biển, nhưng khi cập bến châu Âu thì lại bị từ Italia, Malta từ chối, để rồi sau đó chỉ có Tây Ban Nha đồng ý nhận. Hành trình gian nan của chiếc tàu Aquarius được báo chí Pháp miêu tả là “nỗi ô nhục” của châu Âu tự do.

Còn ở nam bán cầu, chính quyền Australia đang phải đối mặt với những lời chỉ trích nhắm vào chính sách giam giữ những người xin tị nạn đến bằng đường biển trong các trại trên các đảo Nauru và Papua New Guinea...

Ngày 21-6, Hãng AFP cho rằng, nỗi lo ngại về nhập cư tăng cao hiện là nguồn cơn gây nên căng thẳng chính trị tại nhiều nước phương Tây. Theo AFP, một số nước và đảng phái chính trị đang sử dụng vấn đề di dân như là động cơ để kiếm phiếu. Tại Mỹ, thông điệp bài di dân có một mục đích chính trị: Duy trì lực lượng cử tri để phục vụ cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới và để ông Trump tái tranh cử trong năm 2020. Trên thực tế, đây là một chiến thuật mang dấu ấn của nhà tỉ phú. Từ khi đắc cử đến nay, Donald Trump tập trung tấn công nạn nhập cư bất hợp pháp, nhưng kỳ thực, mục tiêu sâu xa của ông là “chống nhập cư hợp pháp”, cho dù kinh tế Mỹ đang hưng phấn và tỷ lệ thất nghiệp thấp chưa từng thấy. Chủ nhân Nhà Trắng từ nay thúc giục Quốc hội giảm tối đa trường hợp đoàn tụ gia đình, hủy bỏ “xổ số” cấp thẻ xanh nhưng cùng lúc biểu quyết ngân sách xây bức tường tốn kém hàng chục tỷ USD ở biên giới phía nam.

Châu Âu cũng đang đương đầu với thách thức di dân nhập cư xem ra còn cam go hơn nước Mỹ. Nước Đức của bà Angela Merkel đã mở rộng cánh cửa đón tiếp gần 1,5 triệu di dân lúc khủng hoảng nhân đạo lên cao điểm trong năm 2015. Italia, “bến cảng” lý tưởng, đã tiếp đón hàng ngàn thuyền nhân mỗi tuần. Áp lực di dân đã biến thành lá bài tranh cử với hệ quả là phe hữu cực đoan ở khắp châu Âu lên điểm đến mức độ các đảng phái truyền thống cũng bắt đầu theo chiêu bài bài ngoại để chinh phục cử tri.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer mới đây ra tối hậu thư, đặt kỳ hạn cho Thủ tướng Merkel đến cuối tháng 6 này phải tìm ra một giải pháp chung ở cấp châu Âu để ngăn chặn làm sóng nhập cư. Dụng ý của vị Bộ trưởng này là thách thức Thủ tướng có dám cách chức ông hay không với hệ quả là bầu lại Quốc hội trong xu hướng bài ngoại đang lên trong công luận.

Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Salvini và đảng Liên Đoàn Phương Bắc của ông mới đây thắng cử nhờ khai thác làn sóng chống nhập cư.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã từng cảnh báo “thảm họa” đến từ tình trạng di dân nhập cư và cũng đang đi theo những người có xu hướng cứng rắng như Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ngày 20-6, Quốc hội Hungary đã chính thức thông qua bộ luật quy định hình phạt 1 năm tù cho những ai có hành vi hỗ trợ người nhập cư bất hợp pháp vào Hungary.

Tại châu Âu, lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ hai, một trục Áo - Đức - Italia gồm ba bộ trưởng có chủ trương chống di dân được thành lập. Trước vấn đề nhập cư bất hợp pháp đang gây chia rẽ sâu sắc trong khối, lãnh đạo 16 nước trên tổng số 28 thành viên EU đã họp khẩn ngày 24-6 tại Bruxelles để bàn về “các giải pháp châu Âu”. Giải pháp đầu tiên được Tổng thống Pháp nêu lên là thành lập “các trung tâm khép kín” do EU tài trợ ở các nước an toàn nhất và gần nơi cập cảng nhất; châu Âu cũng sẽ tài trợ cho một tổ chức để nghiên cứu hồ sơ (xin ti nạn); các nước thuộc EU cam kết tiếp nhận theo quota những người đến từ những trung tâm khép kín này; các nhóm điều phối viên sẽ đưa những người không được quy chế tị nạn đang tạm trú trong những trung tâm khép kín đó trở ngược về nguyên quán của họ.

Một đề xuất khác được Tổng thống Pháp đưa ra là trừng phạt tài chính các nước EU từ chối tiếp nhận di dân, vì theo ông, “không thể có những nước được hưởng lợi lớn từ tình đoàn kết của EU, nhưng lại kịch liệt bảo vệ những đòi hỏi dân túy ích kỷ khi đề cập đến vấn đề di dân”. Đề xuất của Paris và Madrid không được Roma hưởng ứng. Tân Chính phủ Italia vẫn dọa giữ hoặc từ chối cho tàu cứu hộ cập cảng, buộc các tàu này phải sang một nước khác, hoặc lênh đênh ngoài vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, đằng sau thái độ “hoảng loạn tập thể” ở châu Âu, hồ sơ di dân đang được quản lý tốt nhờ tinh thần bền bỉ của trục Paris - Berlin, đối đầu với xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang lên tại châu Âu. Cho dù bối rối vì làn sóng nhập cư bất hợp pháp, Đức và Pháp biểu dương tinh thần đoàn kết đối phó với một thế giới bất an. Giải pháp trung dung là Đức với sự đồng thuận của Pháp, tăng cường lực lượng tuần tra trên biển và nhanh chóng lập ra những trại tạm cư ở châu Phi để nhận đơn xin tị nạn hay nhập cư của di dân trong khi chờ đợi thống nhất luật tị nạn trong EU.

Liên Hiệp Quốc ghi nhận, năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp mà Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu danh sách các quốc gia đón nhận số lượng người tị nạn đông nhất với 3,5 triệu người vào cuối năm 2017. Pakistan đứng thứ 2 với 1,6 triệu người. Lebanon đứng thứ 3 với 1 triệu người.

S.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc