Thủy điện nhỏ có phải nguyên nhân của lũ lụt?

16:52 | 30/10/2020

379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trái ngược với những thông tin cho rằng, việc xây dựng các thủy điện nhỏ ở miền Trung là tác nhân gây lũ lụt, các chuyên gia tại tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” cho biết: "Không có nghiên cứu nào cho thấy thủy điện nhỏ làm tăng ảnh hưởng của lũ lụt hay tạo ra lũ lụt".

Tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” diễn ra sáng 30/10 tại Hà Nội với sự tham gia của PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường), chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn, đại diện Bộ Công Thương.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề xây dựng thủy điện nhỏ có phải là tác nhân gây ra lũ lụt ở miền Trung? PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, đây là thông tin không có cơ sở.

“Khi lũ về thì hồ bắt đầu nhận nước, nhận bao nhiêu xả bấy nhiêu chứ không xả nhiều hơn, bởi nước cũng là tài sản, việc tích nước rất quan trọng. Tôi từng đọc một báo cáo của châu Âu có nói, hồ nhỏ không giảm lũ nhưng cũng không nói thủy điện nhỏ tạo lũ” - ông Ca nói.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, thời gian qua tại miền Trung xảy ra thiên tai, lũ lụt đây là yếu tố kìm hãm sự phát triển của đất nước. Và để phát triển bền vững thì phải giảm được thiên tai tuy nhiên cần phải có kinh phí.

Thủy điện nhỏ có phải nguyên nhân của lũ lụt?
Toàn cảnh tọa đàm Thủy lợi nhỏ và vấn đề lũ lụt.

“Thông thường, hồ thủy điện với mức đón lũ tích được là 4m3 nước, trên rừng tích được tối đa 0,2m3, nên nói rằng thủy điện xả lũ cộng hưởng là không phải. Rừng có khả năng có giảm lũ khi mưa nhỏ và cục bộ, nhưng rừng không có khả năng ngăn lũ cực đoan, ví dụ như trận mưa ở miền Trung nên rừng có giá trị không đáng kể” - PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.

Với chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn, người từng tham gia xây dựng khoảng 30 thủy điện lớn nhỏ, trong đó có thủy điện lớn như Sơn La, thì cần khuyến khích các công trình thủy điện nhỏ vì đây là nguồn năng lượng tái tạo quý giá, sạch nhất trong các nguồn năng lượng.

Ông Sơn cho biết, thực tế, thủy điện cần rừng vì giữ được nước để không quá thừa hay quá thiếu. "Làm thủy điện cái mất không đáng mà cái được rất lớn. Cùng với đó thủy điện nhỏ, hồ nhỏ, tác động tới môi trường không đáng kể. Tất cả các quốc gia trên thế giới trừ Việt Nam đang bài xích thủy điện nhỏ, còn lại đều đang cổ vũ làm thủy điện nhỏ".

Chuyên gia này cho biết, thủy điện Rào Trăng 3 chưa xây xong nên không thể nói là nguyên nhân gây ra lũ miền Trung. Những tai nạn chủ yếu nằm trên quốc lộ 71. Còn công trình Rào Trăng 3 còn chưa đi vào sử dụng và đang không hề bị ảnh hưởng.

“Thiệt hại gần đây ở miền Trung do lũ là thiên tai. Đây là lũ cực đoan nên bản thân các thủy điện tự bảo vệ được mình đã là rất tốt. Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo quý giá và sạch nhất trong các nguồn năng lượng. Cần khuyến khích khai thách thủy điện nhỏ do tác động đến môi trường nhỏ" - ông Nguyễn Tài Sơn nói.

Thủy điện nhỏ có phải nguyên nhân của lũ lụt?
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Chia sẻ trong phần trao đổi cuối tọa đàm, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, các thủy điện, các tỉnh đều phải xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão và được phê duyệt hằng năm. Nhưng trên thực tế, có nhiều việc không lường trước được. Lượng mưa quá lớn như ở miền Trung vừa rồi là không lường trước được.

“Với các công trình thủy điện nhỏ cấp quyết định chủ trương đầu tư là UBND tỉnh, có tỉnh giao Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có tỉnh giao Sở Xây dựng giám sát. Sau đó là đến trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu… Chưa kể, trước khi đưa vào vận hành còn có kiểm tra công tác nghiệm thu: từ vật liệu, năng lực nhà thầu, trình tự các thủ tục xây dựng xem có đúng quy định của pháp luật không? Nếu đầy đủ thì mới nghiệm thu và hoạt động” - đại diện Bộ Công Thương nói thêm.

Xuân Hinh

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps