Thương lắm… cô giáo vùng cao!

07:00 | 22/01/2013

1,344 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chúng tôi đến với các thầy cô giáo đang giảng dạy tại hai tỉnh miền núi Điện Biên và Lai Châu đúng thời điểm giáp tết trong cái rét tê tái và lâm thâm mưa phùn. Trái với không khí tưng bừng, hối hả ở dưới xuôi, cái Tết dường như chưa chạm đến điểm cực Tây của Tổ quốc …

“Cô giáo như mẹ hiền”

Một trong những điểm trường mà chúng tôi đến thăm là trường THCS Dào San (huyện Dào San, tỉnh Lai Châu) với số giáo viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay và hầu hết đều là người dưới xuôi lên đây cắm bản.

Cơ sở vật chất của trường THCS Dào San khá khang trang, sạch sẽ với 2 dãy nhà cấp 4, mỗi dãy có 5 phòng khoảng 16m2. Tường vàng, ngói đỏ cùng sắc hồng của những cây đào rừng trong khuôn viên trường như muốn xóa tan cái giá rét của vùng đất khắc nghiệt, nghèo khó này.

Đón chúng tôi bằng những bàn tay lạnh cóng không găng, những đôi chân không tất, những chiếc áo khoác mỏng manh nhưng nụ cười luôn nở trên môi trong tiết trời giá rét. Cô giáo Trần Thị Thanh (GV dạy Sử) quê Phú Thọ nắm chặt tay chúng tôi: “Lâu lắm rồi chúng em không gặp người dưới xuôi lên …”.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Hùng Vương, theo sự phân công của nhà trường, cô lên xã Dào San làm công tác “trồng người”. Thuở ban đầu có bao nhiêu vất vả, gió rét, mưa rừng, điều kiện sống thiếu thốn, đã có lúc các cô muốn từ bỏ, muốn trở về với nắng ấm của đồng bằng và về với vòng tay của gia đình. Thế nhưng lòng yêu trẻ, thương trẻ và mong muốn mang cái chữ, mang tri thức đến với trẻ em nghèo vùng cao đã níu chân các thầy, các cô ở lại với ngôi trường giá rét này.

Cô Thanh cho biết: “Chúng em ở trên này không chỉ là cô giáo, mà còn phải trở thành người mẹ, người chị của các em học sinh. Cô dạy xa nhà, trò học xa nhà. Cứ thế mà nương tựa, đùm bọc lẫn nhau”.

Học sinh đang theo học tại trường THCS Dào San chủ yếu là dân tộc Mông và một số ít là dân tộc Hà Nhì, gia đình các em thường ở rất xa trung tâm, chênh vênh trên những mỏm đá lởm chởm, ngày ngày tháng tháng bám vào rừng, trông vào cây ngô để sinh sống. Việc đi học của các em không được cha mẹ ủng hộ, học không ra hạt ngô, hạt lúa, không ra đồng tiền thì học làm gì?

Nhiều em còn bị cha mẹ bắt phải bỏ học, về nhà trông em, làm ruộng hay làm thuê để lấy cái ăn, cái mặc trước mắt.

 

Trong cái rét cắt da của vùng Tây Bắc, các em chỉ có manh áo mỏng và đôi dép rách tươm. (Ảnh: Mạnh Thắng)

Tận mắt nhìn thấy những đứa học sinh, những đứa em, đứa con tinh thần của mình phải bỏ con chữ, bỏ tri thức vì kế sinh nhai, các thầy cô rất đau lòng.

Cô Nguyễn Thị Thủy (quê Hòa Bình) chia sẻ: “Các em rất muốn đi học, nhưng không phải lúc nào thuyết phục cha mẹ cũng thành công ngay. Nhiều người dân tộc ở đây không coi trọng chuyện đi học. Họ chỉ muốn con cái ở nhà làm lụng, kiếm tiền, sau đó lấy chồng, lấy vợ chứ không nghĩ đến chuyện thoát nghèo, thoát đói bằng con chữ”.

Không chỉ thuyết phục suông, giáo viên còn phải lặn lội 2 - 3 ngày leo rừng, leo núi để đến với gia đình các em, cùng làm, cùng ở, cùng chia sẻ miếng cơm, miếng cháo. Vất vả là thế, nhưng số lượng học sinh đến trường đẩy đủ cũng còn quá ít ỏi, thưa thớt, khó lòng lấp đầy những lớp học.

Không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình học sinh, nhưng các thầy, các cô không từ bỏ mà càng kiên trì hơn, càng tận tâm hơn với những đứa trẻ của mình. Cô Thanh chia sẻ: “Lúc đầu mình còn muốn bỏ trường, bỏ lớp về nhà, nhưng càng gắn bó thì càng thương những em học sinh trên này. Mình bỏ chúng thì ai sẽ là người xóa mù chữ cho chúng, ai là người mang ánh sáng của sự hiểu biết để chúng thoát nghèo? Các thầy cô ai cũng nghĩ vậy, nên dù có khó khăn, khắc nghiệt đến mấy, chúng mình cũng không bỏ học sinh”.

Chính vì tình yêu và niềm tin ấy, cô đã gắn bó với mảnh đất Tây Bắc lạnh lẽo hơn 1 năm nay. Không những thế, cô đã gặp được “một nửa” của mình và xây dựng gia đình ngay trên vùng đất chỉ có đá và gió lạnh này.

Những thầy cô giáo “cắm bản” ở Tây Bắc, cả năm ai cũng chỉ về nhà vào dịp tết, mà có khi cũng ngại về vì đường sá mấy năm trước chủ yếu là đi bộ, chỉ mới khá lên được từ đầu năm nay. Cô Bùi Thị Hiên (Hiệu phó trường mầm non xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điên Biên) vốn quê Hòa Bình nhưng đã tình nguyện lên công tác vùng đất ngã ba biên giới xa xôi, khắc nghiệt này.

Cô nhớ lại, đường từ Sín Thầu ra huyện lỵ Mường Nhé khoảng 50km, không có ôtô khách nên trước đây, các thầy cô vào bản phải đi bộ mất cả tuần. Cái câu nói “đi bộ mất một tuần” nghe nhẹ bẫng vậy thôi, nhưng chắc chắn gian nan khôn kể xiết! Có lẽ nếu kể ra sự gian khó của những con đường từ cực Tây về xuôi, e rằng chữ nghĩa không thể diễn đạt được.

Cứ thử một chuyến lên đây, nhồi xóc trong những chuyến xe khách chật chội và lội bộ mươi cây số đường rừng sẽ hiểu hết những gì những thầy cô đi “trồng người” nơi cực Tây này đã và đang gian nan chịu đựng. Cô Hiên nhớ lại, đi ôtô khách bị say xe, thế là có lần cô liều mạng chạy xe máy từ đây về tận Hòa Bình qua quãng đường núi hơn 600 km!

Năm nay… mất tết

Đoàn công tác của chúng tôi lên với trường THCS Dào San vào đúng một tháng trước tết Quý Tỵ, với các cơ quan khác, không khí đón tết đã rộn ràng, tưng bừng và náo nhiệt lắm; thế nhưng ở đây, dường như cái Tết chưa đủ sức đánh tan giá lạnh để chạm đến ngôi trường vùng cao Tây Bắc này. Các thầy cô và học sinh vẫn miệt mài dạy và học, chỉ có những bông đào rừng khoe sắc hồng phai mới nhắc chúng tôi về mùa xuân đang đến gần.

Với ngôi trường xa xôi này, thưởng Tết chẳng bao giờ là chủ đề quan trọng, có gì đâu ngoài gói mứt tết hay cuốn lịch - ấy là nhà trường đã phải cố gắng lắm rồi! Nhưng thầy cô giáo ở đây đâu có vì những gói mứt, những cuốn lịch ấy mà gắn bó với học sinh hay lặn lội cắm bản, bám rừng.

Thế nhưng với các thầy cô giáo thuộc huyện vùng cao Tây Bắc này, Tết còn buồn hơn bởi họ khó có thể đón cái năm mới bên người thân và gia đình. Bởi theo quy định, trong dịp Tết Quý Tỵ, cán bộ, công viên chức được từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 8 tháng Giêng. Như vậy, các thầy giáo, cô giáo phải tiếp tục dạy học đến hết ngày 29 tháng Chạp (tức ngày 30 tháng Chạp) và đến ngày mùng 1 Tết mới được về nhà. Với những điểm trường được phép “du di”, các thầy cô cũng sẽ được nghỉ từ sáng ngày 29 tháng Chạp để về quê ăn Tết với gia đình.

Cô Bùi Thị Hiên - Hiệu phó trường Mầm non xã Sín Thầu nhận quà tết từ đoàn công tác. (Ảnh: Thành Công)

Tuy nhiên, quãng đường đi từ xã ra huyện lỵ, rồi về tới các tỉnh miền xuôi cũng phải mất 1 đến 2 ngày đi đường, như vậy, nhiều thầy giáo, cô giáo sẽ phải đón tết dọc đường, trên những chuyến xe khách mà không được hưởng sự ấm áp, sum vầy bên gia đình.

Hầu hết các giáo viên tại vùng cực Tây này đều là người dưới xuôi, tình nguyện lên vùng cao Tây Bắc làm nhiệm vụ “gieo chữ”, “trồng người”, thế nên những dịp Tết đến xuân về, mong muốn được trở về với gia đình, với họ hàng, làng xóm càng mãnh liệt hơn.

Cô Thanh, cô Thủy cười buồn: “Cứ đến dịp cận Tết là chúng em lại mong muốn được về nhà sum họp, nhưng quy định của Nhà nước đã ghi rõ như thế, mình không thể để mong muốn của bản thân làm ảnh hưởng tới các em được”.

Đã quyết tâm lên với học sinh của vùng đất nghèo khó thuộc huyện vùng cao Tây Bắc này, nghĩa là các thầy cô đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có hơi ấm của gia đình. Mỗi năm, các thầy cô chỉ còn trông vào dịp Tết để trở về và hưởng cảm giác sum vầy, hạnh phúc bên những người thân trong gia đình.

Ấy thế nhưng năm nay, có lẽ họ phải đón thời khắc giao thừa thiêng liêng trên chuyến xe khách với những người xa lạ và quãng đường về nhà còn quá xa xôi. Nghĩ đến đây, các thầy cô giáo không nén được tiếng thở dài cùng ánh mắt nhìn xa xăm, các cô chỉ dám nói nhỏ với chúng tôi: “Có khi năm nay chúng mình … mất tết. Thôi thì cũng cố, nghỉ được hôm nào thì về với gia đình hôm ấy. Cả năm được dịp này…”.

Người vùng Tây Bắc có câu: “Nhất biên phòng, nhì giáo viên cắm bản” để khẳng định sự vất vả của những người miền xuôi lên miền núi công tác. Quả thật, sự vất vả bám trường, bám lớp gieo chữ của các thầy cô giáo ở những điểm trường vùng cao thì không đâu sánh bằng. Vượt lên tất cả những khó khăn ấy, các thầy cô giáo vẫn quyết tâm cắm bản vì tình yêu nghề và mong muốn được góp công sức cho sự nghiệp giáo dục ở vùng đất khó. 

Vương Tâm

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...