Thung lũng bách niên

08:50 | 13/12/2011

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mường Lựm theo tiếng Thái nghĩa là vùng đất của sương mù bao phủ hay vùng đất bị lãng quên. Thung lũng Mường Lựm, Yên Châu, Sơn La nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá điệp trùng, rừng già ngút ngàn. Người dân nơi đây không chỉ tự hào về thiên nhiên sơn thủy hữu tình mà còn là nơi có nhiều người sống thọ nhất miền Tây Bắc.

Nơi tiên cảnh

Đêm xuống ngồi bên bếp lửa bập bùng, nghe các già làng kể những chuyện kỳ hoa dị thảo về vùng đất này cả tháng trời không hết. Trong đó có một câu chuyện kể về sự tích vùng đất non nước hữu tình này, thuở trước Mường Lựm là vùng đất bạt ngàn rừng già, giữa người và muông thú cùng chung sống hòa thuận dưới cánh rừng đại ngàn năm này qua năm khác. Một hôm, dân bản Lựm vô tình bắt được một con nai trắng, bèn giết thịt chia đều cho cả bản. Đêm về, trời bỗng nổi cơn giông, sấm chớp, mưa tuôn xối xả. Mưa 7 ngày 7 đêm không ngừng. Nước từ trên rừng ào ào chảy xuống như thác đổ, nước suối dâng cao lên tận nóc nhà. Cả thung lũng chìm trong biển nước trắng xóa. Nhà cửa, ruộng vườn, rồi cả bản bị sụt xuống lòng đất sâu vĩnh viễn. Trong bản, có một gia đình đi làm nương xa chưa về, cây cột treo phần thịt nai trắng bản chia cho ở cột đầu sàn cũng bị sụt mà nhà ở vẫn còn nguyên. Sáng hôm sau, dọc con suối Lựm, đã trở thành hồ nước mênh mông. Chỗ rộng nhất đó là hồ Noong Lốm (hồ đất sụt) thuộc bản Nà Hát bây giờ, sâu hàng trăm mét, rộng hơn 500m.

Ngày nay, do quá trình bồi đắp, hồ Noong Lốm chỉ còn khoảng 2 ha; phía thượng nguồn bồi lắng thành suối, được xã cho ngăn dòng, đắp đập thành hồ Huổi Luông và nay gọi là hồ Mường Lựm. Câu chuyện bi thương kia đã trở thành lời cảnh báo với dân Mường Lựm không được phá rừng, săn bắt muông thú. Ý thức được điều này, dân Mường Lựm đã biết bảo ban nhau chung sức bảo vệ rừng, không săn bắt muông thú mà tập trung khai khẩn, mở mang ruộng vườn, chăm lo cày cấy, đào ao thả cá, kiếm kế mưu sinh từ đời này qua đời khác… Sau những ngày mùa bận rộn là hội bản, trai gái nhảy sạp vui thâu đêm, rượu cần vút cần câu. Bản trên bản dưới cùng sống hòa thuận. Có lẽ đây là lý do giải thích vì sao người Mường Lựm sống thọ nhất đất Tây Bắc.

Những cây đại thụ giữa đại ngàn

Bản Lựm có nhiều người cao tuổi nhất xã. Cụ Hà Thị Oi được coi là người đang giữ “kỷ lục” sống ngoài trăm tuổi. Cụ Oi không có con trai, giờ cụ đang sống với người con gái là Hà Thị Mười, năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi. Lần đầu tiên gặp cụ ai cũng phải ngạc nhiên vì đã ở độ tuổi đó cụ vẫn lên xuống nhà sàn bình thường. Từ ăn uống đến ngủ nghỉ cụ vẫn tự làm được. Hôm chúng tôi đến thăm, cụ đang sưởi nắng ngoài ban công nhà sàn. Người cụ đã co rúm cả lại như cây trên rừng bị phơi khô. Da đồi mồi. Mắt cụ đã hơi mờ, tai đã bắt đầu khó nghe. Muốn nói chuyện phải hét vào tai cụ. Cụ không nói được tiếng phổ thông, nhưng thấy khách lạ vào chơi cụ luôn miệng mời “kin nậm” – mời uống nước.

Cụ Hoàng Thị Nhưa, 95 tuổi ở bản Lựm vẫn thêu thoăn thoắt

Đến thăm cụ Hoàng Thị Nhưa, 95 tuổi, cũng ở bản Lựm. Cụ sinh được 4 người con, con trai cả của cụ đã gần 70 tuổi. Cụ đang sống với con trai út là anh Hoàng Huy Thưởng, nay là Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Lựm. Khi chúng tôi đến cụ đang ngồi bên bậu cửa nhà sàn thêu thùa. Đôi bàn tay gầy guộc đã lên da đồi mồi, đưa đi đưa lại thoăn thoắt bên khung thêu. Gặp khách cụ mới dừng nghỉ.

Bên bàn trà, cụ trò chuyện với khách rất cởi mở và cụ thông thạo tiếng phổ thông. Cụ bảo: “Ngày còn bé, được bố mẹ cho đi xem bà Oi, bà Sé, bà Oai, ông Sướng múa xòe, múa sạp, thích lắm! Bây giờ các ông, các bà đó “đi” về với ông bà gần hết rồi!”. Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng cụ lại cười, lộ rõ hàm răng đều tăm tắp như hạt na và chưa rụng cái nào. Mái tóc hoa râm, dài, búi gọn. Những năm kháng chiến cụ tham gia làm liên lạc khắp vùng. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, cụ như trẻ ra: “Ui chà. Ngày đó Mường Lựm chưa có đường cái đâu, cứ theo lối mòn, lần theo dấu con hươu, con nai mà đi thôi. Tôi làm người liên lạc cho các cán bộ người Kinh rồi đi vận động hàng binh nữa đấy…”. Những đóng góp của cụ với cách mạng nên cụ được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Ở Mường Lựm còn một cụ bà nữa phải kể đến là cụ Vàng Séo Mỷ- người bản Ôn Ốc. Cụ là “thầy thuốc” của bản và sở hữu bài thuốc chữa gãy xương rất hiệu nghiệm. Năm nay cụ đã tròn trăm tuổi. Dù tuổi cao, cụ vẫn đi lại bình thường. Hàng ngày phơi ngô, phơi thóc, rồi nấu nướng cho con cháu được.

Không riêng gì các cụ bà, ở Mường Lựm có một cụ ông cũng đang tiến tới ngưỡng 100 tuổi là cụ Hoàng Văn Sán. Cụ không có con, hiện cụ đang ở cùng với người con nuôi. Trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang, cụ đang ngồi đan ếp khẩu, bồ, sọt… Lan tre, lan nứa cụ chuốt phẳng phiu, qua đôi bàn tay gân guốc của cụ nó biến thành những sản phẩm rất tinh xảo. Cụ còn là người làm ăn kinh tế giỏi của bản. Năm 2005, khi ấy cụ tròn 90 tuổi vẫn còn vinh dự được dận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của xã.

Y tế "thất nghiệp”, hội người cao tuổi "quá tải”

Đến trung tâm xã Mường Lựm vào giữa buổi trưa, trời vẫn dịu mát. Ông Hoàng Văn Thật, Trạm trưởng Y tế xã Mường Lựm đang ngồi chơi xơi nước rất thảnh thơi. Trạm y tế vắng tanh, mấy chiếc giường bệnh chiếu xộc xệch, chắc lâu không có bệnh nhân. Cửa phòng khác khóa im ỉm khóa. Ông Thật tỏ ra rất tự hào khi nói về tình hình sức khỏe của bà con: “Người dân ở đây để các nhân viên y tế “thất nghiệp” hết”. Theo lý giải của ông Thật, trạm có 6 người, trong đó có bác sĩ sản là bận nhất. Còn những người làm chuyên môn khác thỉnh thoảng có đợt khám chữa bệnh theo chương trình mới phải động chân tay. Nguyên nhân căn bản là do người dân ở đây khỏe quá, chẳng có bệnh tật gì. Ngay cả các cụ đã sống qua 2 thế kỷ gần như không mặc bệnh hiểm nghèo, chỉ ốm sơ sơ vài ngày rồi lại khỏi. Ông Thật làm ở trạm đã gần 20 năm nhưng chưa thấy cụ già nào phải điều trị thuốc nhiều ngày liền.

Cứ theo cách lý giải của ông Thật thì cuộc sống của người dân nơi đây chẳng khác gì nơi tiên giới. Đến thăm nhà ông Hoàng Văn Hương, Chủ tịch hội người cao tuổi xã, ông vừa ăn cơm xong. Năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, nom ông còn khỏe lắm. Mái tóc mới điểm vài sợi bạc. Nước da tươi nhuận, giọng nói sang sảng. Hàng ngày ông vẫn tự nấu nướng, rồi trông nom đàn cháu cho con cái đi làm. Trong căn bếp ấm cúng của căn nhà sàn rộng mênh mông, ông Hương tư lự một hồi lâu rồi đưa ra một phép so sánh đến là lạ, cái anh y tế ở đây nhàn rỗi nhưng tôi lại bận bịu suốt. Bởi lẽ thành viên hội người cao tuổi của xã luôn cao hơn các nơi khác. Nếu mà ở đây mà tổ chức lễ khao thượng thọ rồi thượng thượng thọ cho tất cả các cụ ở các bản, e rằng quỹ hội thâm hụt nặng. Nói vậy thôi chứ ông Hương luôn cảm thấy tự hào vì người già nơi đây khỏe mạnh, dẻo dai hơn người. Không cần giở sổ, ông Hương đọc vanh vách những cụ được hưởng chế độ của nhà nước… Người già nơi đây nhận được chế độ đãi ngộ của Nhà nước vui lắm. Ai cũng tâm niệm sống vui, sống khỏe cho con cháu được nhờ.

Được biết, hiện tại Mường Lựm có 45 cụ tuổi trên 80 tuổi sống cùng con cháu ở các bản trong xã, trong đó có 2 cụ 115 tuổi, 1 cụ 100 tuổi (các cụ hằng năm đều được Chủ tịch nước tặng lụa), 3 cụ trên 90 tuổi và 40 cụ trên 80 tuổi. Cụ cao tuổi nhất là Hoàng Thị Sé, 130 tuổi đã mất năm 2009, con gái của cụ là bà Hoàng Thị Bông đã bước sang tuổi 81. Hầu hết các cụ đã mất đều có các cháu, chắt, chút, chít… hậu duệ của nòi giống gia đình. Theo như ông Hoàng Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã thì các cụ được sống trong môi trường rừng núi thiên nhiên trong lành, được uống nước sạch, thức ăn của núi rừng và một điều hết sức quan trọng đó là: làng bản, con cháu đoàn kết, gia đình hòa thuận, kinh tế ổn định!”. Ở Mường Lựm các cụ tuy cao tuổi, tóc đã bạc nhưng hầu hết các cụ không bị còng lưng, không béo phì và rất chịu khó đi lại. Chả thế mà ông, bà nội anh Hà Đức Mưu gần 80 tuổi rồi mà vẫn ra ở riêng, vẫn ngày ngày leo dốc, lên rừng, xuống núi chăn nuôi bò, đi hái rau về nuôi lợn, nhổ sắn về nuôi gà, vịt…

Thuần Việt