Thủ tướng chỉ đạo xử lý vi phạm về đê điều tại Hà Nội
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng mới xử lý được 5 vụ. Từ năm 2011 - 2019, thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa xử lý; các vi phạm vẫn diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều.
![]() |
Một cơ sở kinh doanh được xây dựng hoàn toàn không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động kinh doanh (ảnh Diễn đàn Doanh nghiệp). |
Ở một diễn biến khác, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Quy chế quy định trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan về phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều... Các vi phạm pháp luật về đê điều phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đê điều nhưng có hành vi, biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc bao che, tiếp tay cho vi phạm pháp luật về đê điều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật… Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2020.
Được biết, tại nhiều địa bàn thuộc TP Hà Nội đang tồn tại nhiều vi phạm về đê điều. Cụ thể, tại khu vực chân cầu Chương Dương xuất hiện cơ sở kinh doanh rộng hàng trăm mét vuông mọc ngay phía dưới chân đê sát mép sông Hồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, đe dọa an toàn của tuyến đê…
Bộ NN & PTNT cũng thống kê 11 điểm vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm trên địa bàn thành phố. Điển hình như tại bãi tập kết ống cống, vật liệu xây dựng của Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Vinh Huy (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm).
Và kế bên nhà xưởng của Công ty Vinh Huy là bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng không phép do HTX Thành Đoàn quản lý. Hay như trạm trộn bê-tông của Công ty CP Trọng Phụng (xã Đông Dư) được cơ quan chức năng xác định là công trình không phép, nằm trên bãi sông. Hạt quản lý đê số 6 đã có văn bản đề nghị các ngành chức năng dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng đến nay, trạm trộn này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Xuân Hinh
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025