Thỏa thuận hóa giải thế đối đầu Nga - Thổ

15:50 | 06/03/2020

434 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thỏa thuận mới giữa Putin và Erdogan giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giữ thể diện trong nước, nhưng vẫn thể hiện quyết tâm của Nga ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 5/3 ký thỏa thuận ngừng bắn và thành lập hành lang an ninh rộng 6 km tại tỉnh Idlib của Syria, nhấn mạnh cam kết bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này.

Hai lãnh đạo khẳng định các chiến dịch quân sự không phải phương án giải quyết xung đột và vận mệnh của Syria là do người dân nước này quyết định. Đây được coi là động thái hóa giải nguy cơ đối đầu trực diện đầy nguy hiểm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Idlib trở nên dữ dội trong một tháng qua.

"Tình hình ở Idlib đã căng thẳng tới mức chúng ta cần phải có một cuộc thảo luận trực tiếp", Tổng thống Nga Vladimir Putin nới với Erdogan khi hai lãnh đạo bắt đầu gặp nhau ở Điện Kremlin hôm 5/3.

Thỏa thuận hóa giải thế đối đầu Nga - Thổ
Erdogan (trái) và Putin họp báo sau cuộc gặp hôm 5/3. Ảnh: TASS.

Giới chuyên gia cho rằng hai nước vẫn còn nhiều bất đồng lớn, nhưng thỏa thuận này đã mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự hao người tốn của và giúp Erdogan dẹp yên những vấn đề nội bộ.

"Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc trước cái chết của các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Như tôi đã trao đổi qua điện đàm, đáng tiếc là không bên nào, kể cả quân đội Syria, biết được vị trí của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Quân đội Syria cũng chịu tổn thất lớn", Putin nói trước cuộc gặp, dường như nhằm bác bỏ nhận xét cho rằng Moskva bỏ rơi đồng minh Damascus nhằm phục vụ lợi ích riêng.

"Chúng ta cần thảo luận và phân tích mọi thứ, nhằm ngăn điều này xảy ra và bảo đảm nó không làm tổn hại quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ mà ngài cũng rất quý trọng", ông chủ Điện Kremlin nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương vượt xa những vấn đề tại Idlib.

Thông điệp của Putin cho thấy Moskva muốn hướng đến đại cục với Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ tại Trung Đông, nhưng không chấp nhận đánh đổi chỗ đứng tại Syria để chịu nhún trước tham vọng của Ankara.

Nga cho rằng khủng hoảng hiện nay bắt nguồn khi Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện cam kết buộc nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) rút khỏi vùng giảm căng thẳng ở Idlib, thậm chí cáo buộc Ankara hỗ trợ để các tay súng tăng cường quyền kiểm soát ở tỉnh này.

Tuy nhiên, Nga cũng hiểu rằng Erdogan chịu nhiều áp lực chính trị và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối phó với tình trạng quá tải người di cư, nên Moskva sẵn sàng giúp Ankara giảm căng thẳng và hướng tới tương lai.

"Điều này phản ánh ba nguyên tắc được Nga áp dụng với các nước khó đối phó như Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ nhất là thể hiện cảm thông trong các vấn đề nhạy cảm và quan trọng với an ninh quốc gia, sau đó là vạch rõ lằn ranh đỏ và những cơ hội hợp tác để giải quyết bất đồng. Cuối cùng là tận dụng sai lầm của những bên liên quan như Mỹ và cho thấy lợi thế của chính bản thân mình", cây bút Mariya Petkova của Al-Monitor nhận xét.

Cuộc gặp gần 6 giờ giữa hai lãnh đạo có vẻ không mang lại nhiều kết quả rõ rệt, nhưng nó cũng không phải quá trình dễ dàng. Ngoài các điều khoản ngừng bắn và lập vùng đệm an ninh, hai nước sẽ tổ chức tuần tra chung trên tuyến đường cao tốc M4 ở phía bắc Syria từ ngày 15/3.

Thỏa thuận hóa giải thế đối đầu Nga - Thổ
Đường cao tốc M4 và M5 tại Syria. Đồ họa: AFP.

Thỏa thuận không đề cập tới cao tốc M5 dài 432 km nối Aleppo với Damascus, cũng là con đường chiến lược nối liền miền bắc và miền nam Syria. Điều này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận vị thế "chiếu dưới" hiện nay, cũng là bước đệm then chốt để Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát khu vực Idlib.

Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo thỏa thuận này vẫn chỉ là giải pháp tình thế. "Lệnh ngừng bắn nhiều khả năng sẽ bị một phe vi phạm, sau đó đổ vỡ hoàn toàn. Nó dường như là biện pháp gỡ ngòi căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải giải pháp chấm dứt xung đột tại Idlib", Petkova nói, thêm rằng thỏa thuận giữa hai nước là thành công cho cả hai bên, khi Moskva duy trì vị thế ở Syria còn Ankara giữ được thể diện với cả trong và ngoài nước.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc