Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước định vị mình trở thành trung tâm khí đốt

11:03 | 19/09/2024

1,724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến thêm một bước nữa để trở thành nước tái xuất khí đốt trong khu vực vào thứ Tư 18/9, sau khi công ty năng lượng nhà nước Botas ký thỏa thuận nguồn cung trong 10 năm với TotalEnergies của Pháp, đây là thỏa thuận nhập khẩu dài hạn thứ tư với các công ty tư nhân của họ trong năm nay.
Giá khí đốt Châu Âu giảm do đâu?Giá khí đốt Châu Âu giảm do đâu?
Tại sao CEO Chevron lại chỉ trích chính sách khí đốt tự nhiên của Tổng thống Biden?Tại sao CEO Chevron lại chỉ trích chính sách khí đốt tự nhiên của Tổng thống Biden?
Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước định vị mình trở thành trung tâm khí đốt
Ảnh Reuters

Botas và Total đã ký một thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp 1,1 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hàng năm (mtpa) từ năm 2027, công ty dầu mỏ lớn của Pháp cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết khi cộng thêm lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống và các thỏa thuận LNG trước đó với Oman, ExxonMobil và Shell, khối lượng này sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 25 tỷ mét khối (bcm) khí đốt dư thừa, vượt quá mức tiêu thụ hàng năm của nước này là 50 bcm.

"Chúng tôi có thể cung cấp cho các thị trường châu Âu, đặc biệt là các thị trường ở Đông Nam Âu đang có nhu cầu khí đốt", ông Bayraktar, người đang có mặt tại Houston để ký thỏa thuận bên lề hội nghị GasTech, cho biết.

Bên cạnh đó, thặng dư này cũng mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ sự linh hoạt để đàm phán các điều khoản tốt hơn hoặc giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga và Iran, vì các hợp đồng với Gazprom Export và Công ty Khí đốt Quốc gia Iran sẽ hết hạn vào năm 2025 và 2026.

"Thổ Nhĩ Kỳ có hai mục tiêu trong nỗ lực nhập khẩu khí đốt: một là giảm khối lượng nhập khẩu từ Nga và Iran. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng định vị mình là trung tâm cung cấp khí đốt... vì người mua châu Âu của họ chưa ký đủ hợp đồng khí đốt dài hạn", Giáo sư Brenda Shaffer, chuyên gia năng lượng tại Trường Sau đại học Hải quân Hoa Kỳ, cho biết.

Đối với Total, thỏa thuận này củng cố mối quan hệ lâu dài hơn với Botas sau hợp đồng LNG đầu tiên cung cấp 1,2 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2023.

Gregory Joffroy, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách LNG tại TotalEnergies cho biết: "Thỏa thuận này cho phép chúng tôi đảm bảo doanh số bán hàng dài hạn và giảm thiểu rủi ro do biến động giá khí đốt trên thị trường giao ngay".

Điều này cũng thúc đẩy chiến lược của Total nhằm xây dựng các doanh nghiệp khí đốt và điện tích hợp tại các thị trường đang phát triển.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng trưởng nhu cầu lớn nhất trong số các nước OECD từ năm 2000 đến năm 2020, với mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng gần gấp đôi và nhu cầu điện tăng 165%.

Năm ngoái, TotalEnergies đã mua 50% cổ phần của Ronesans Enerji - thuộc sở hữu của ông trùm người Thổ Nhĩ Kỳ Erman Ilicak – người nắm giữ 166 MW tài sản thủy điện và một loạt các dự án điện gió, điện mặt trời và pin trong tương lai.

Công ty dầu mỏ lớn của Pháp Total là công ty sản xuất LNG lớn thứ ba thế giới, chiếm khoảng 12% thị phần và danh mục đầu tư toàn cầu hiện tại khoảng 50 triệu tấn LNG mỗi năm.

Yến Anh

Reuters