Thiếu điện nhãn tiền, đừng chỉ… lo xa!

21:34 | 13/06/2019

325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong đó đáng lưu ý là rất nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ. 

Đã có tới trên 17.000MW công suất nguồn điện bị thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022, dẫn đến hệ thống điện quốc gia đang phải vận hành trong tình trạng hầu như không còn dự phòng. Con số này cảnh báo việc thiếu hụt nguồn cung ứng điện đang đến rất gần.

Thiếu điện nhãn tiền, đừng chỉ… lo xa!
Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nguồn điện trên cả nước hiện có khoảng 50.000MW công suất đặt. Những ngày nắng nóng cao điểm của mùa khô này, hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc có thời điểm lên tới gần 37.000 MW. Đây được coi là công suất “khả dụng”, “tới ngưỡng” an toàn của hệ thống. Có nghĩa là, nếu nhu cầu tiêu dùng điện tiếp tục tăng cao, nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra. Mới hơn 3 năm được vận hành hệ thống điện có dự phòng khoảng 30% công suất thì mùa khô này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải phát đi những cảnh báo về khó khăn, thậm chí là “bắt đầu căng thẳng về cung ứng điện”!

Trong khi nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao thì các dự án nguồn điện lớn lại đang “giậm chân tại chỗ”.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, tình trạng thiếu điện ở miền Nam sẽ trầm trọng hơn kể từ sau năm 2024 khi một loạt các dự án phát triển nguồn điện ở khu vực này đang bị chậm tiến độ, hoặc thậm chí khó có thể khởi công được. Tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành giai đoạn từ năm 2016-2030 dự kiến chỉ đạt 80.500MW, thấp hơn khoảng 15.200MW so với Quy hoạch đề ra.

Hiện nay, hơn 10% công suất nguồn điện cung ứng cho miền Nam phải chuyển từ miền Bắc và miền Trung vào qua lưới truyền tải 500kV Bắc - Nam nhưng luôn ở trong tình trạng đầy tải, quá tải. Lưới điện trải dài, nguy cơ mất an toàn hệ thống càng cao khi khí hậu càng cực đoan, nắng nóng càng gay gắt. Trong khi đó, đường dây 500kV mạch 3 (đoạn từ Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sởi - Pleiku2) để tăng cường khả năng truyền tải Bắc - Nam đã bị chậm tiến độ gần 1 năm. Khởi công vào cuối năm 2018 song yêu cầu phải hoàn thành vào đầu năm 2020 là khó khả thi với một đường dây 500kV mạch kép dài gần 750km, với hơn 1.600 vị trí móng cột, đi qua 9 tỉnh, thành phố, thi công trong điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp!

Để đảm bảo tăng trưởng GDP bình quân 7% một năm, cùng với mức tăng trưởng điện phải đạt trên 10% là yêu cầu phải sử dụng có hiệu quả năng lượng. Trong 2 yếu tố này, trước tiên phải thấy, đa số các dự án chậm tiến độ hoặc chưa khởi công được tại Quy hoạch điện lực quốc gia là nhiệt điện than và nhiệt điện khí - những nguồn điện được cho là có tính an toàn, ổn định cao cho hệ thống. Nguồn điện hạt nhân được thiết kế trong Quy hoạch điện VII cũng được điều chỉnh, thay thế chủ yếu bằng nhiệt điện than, nhiệt điện khí và một phần từ năng lượng tái tạo. Nhưng hiện nay, không ít địa phương “quay lưng”, “nói không” với nhiệt điện than. Nguồn điện từ thủy điện đang giảm dần trong tỷ trọng nguồn của hệ thống. Gió, mưa bất thường, cộng với hàng trăm dự án điện gió, điện mặt trời phát triển không đồng bộ với Quy hoạch - trong bối cảnh năng lực truyền tải không đảm bảo dẫn đến hệ quả là công suất nguồn điện tưởng cao nhưng công suất huy động khả dụng lại hạn chế.

Và, trong khi việc phát triển nguồn điện theo quy hoạch mỗi năm phải có ít nhất 5-6 nghìn MW chưa được đảm bảo thì một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng chính là sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vẫn đang bị xem nhẹ. Thiếu điện nhãn tiền, xin đừng chỉ… lo xa!

Nguyên Long

Căng thẳng vận hành hệ thống điện mùa nắng nóng
EVN trao đổi thông tin với báo chí về tình hình cung ứng điện năm 2019

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps