Thị trường trong mô hình trung gian

09:12 | 20/07/2011

541 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cập nhật thông tin về thị trường chứng khoán tuần qua, nhận định trong tuần tới và tình hình lạm phát trong tháng 7.

Biểu đồ VN - Index

Cung – cầu không gặp nhau, thanh khoản thấp

VN-Index đột ngột sụt giảm mạnh trong tuần qua, với mức sụt giảm tới 16 điểm (-3.7%) so với cuối tuần trước. Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì mức thấp khi trong cả tuần, HSX có hơn 82 triệu đơn vị được khớp lệnh. Trong tuần, cung – cầu luôn ở trạng thái dè dặt và mang tính chất thăm dò. Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đột ngột quay trở lại bán ròng mạnh mẽ. Tính trên cả 2 sàn, khối ngoại đã bán ròng gần 3 triệu đơn vị trong tuần, và hơn 2,4 triệu đơn vị tính riêng sàn TP HCM. Một số mã bị bán ròng mạnh đột ngột vào cuối tuần như: KBC, OGC.

Hơn 50% số Công ty Chứng khoán báo cáo lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm

Thị trường tuần qua đón nhận nhiều báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) của nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY), đặc biệt là các công ty chứng khoán (CTCK). Bức tranh tổng quát vẫn mang gam màu xám, tổng số công ty có lỗ luỹ kế đến thời điểm này vẫn tới 61/105 công ty. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh rằng, các công ty chứng khoán đều đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính (vốn điều lệ, vốn khả dụng). Trong 6 tháng qua, số công ty quản lý quỹ lỗ tăng hơn so với năm 2010. Có tới 27/47 công ty quản lý quỹ bị lỗ, trong khi năm 2010, con số này là 22/47 công ty lỗ luỹ kế. Trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ có 1 quỹ đầu tư tăng vốn với giá trị 179 tỉ đồng, giá trị tài sản ròng của các quỹ đến thời điểm cuối quý I là 11.372,8 tỉ đồng giảm 960 tỉ đồng so với cuối năm 2010. Mặc dù vậy nhưng trong báo cáo KQKD quý II vẫn có một số CTCK đã có lợi nhuận trở lại.

Lạm phát tháng 7 có nguy cơ tăng cao trở lại

Giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, cùng với tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng tại nhiều nước sẽ gây tình trạng tăng giá lan tỏa của hàng hóa qua biên giới. Nguồn cung thực phẩm chưa thể nhanh chóng phục hồi do cần có độ trễ nhất định để tái sản xuất sau dịch bệnh. Ngoài ra, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng cao cũng đang hạn chế người dân tái đàn, mở rộng chăn nuôi. Lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức cao, tỉ giá sau một thời gian ổn định có thể tăng nhẹ vào cuối năm khi mà nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng. Nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng lương thực, xăng dầu, thực phẩm như thịt lợn, thủy sản đã bị gom và xuất khẩu qua biên giới với khối lượng khá lớn đã gây mất cân đối nguồn cung hàng hóa trong nước trong thời gian qua nếu không có giải pháp thích hợp sẽ tiếp tục tái diễn trong thời gian tới.

Đến thời điểm hiện tại, giá thực phẩm vẫn là nỗi lo ngại lớn nhất có thể tác động tiêu cực tới lạm phát tháng 7. Các cơ quan chức năng và các cấp quản lý hiện đang gấp rút thực hiện các biện pháp nhằm ổn định và kiềm chế đà tăng của giá thực phẩm.

Nhận định thị trường chứng khoán tuần tới

Cung – cầu thăm dò và thận trọng, thanh khoản thấp, khớp lệnh giao dịch lập các đỉnh với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, dòng tiền đứng ngoài thị trường nhưng giá cổ phiếu nhìn chung đã không sụt giảm quá mạnh. Dấu hiệu cho thấy có khả năng cao là thị trường đang nằm trong một mô hình trung gian xu thế mà có thể là mô hình cái nêm (falling wedge) hoặc mô hình lá cờ. Trong tuần tới thị trường sẽ tiếp tục đón nhận các báo cáo KQKD của DNNY đồng thời có khả năng sẽ xuất hiện những dự báo về lạm phát tháng 7. Thị trường trong mô hình trung gian và đang chờ đợi một sự bứt phá (tăng hoặc giảm mạnh). Thời gian diễn ra mô hình còn có thể kéo dài nhiều phiên sắp tới.

Phạm Bình – Đào Dương