Thị trường tiền tệ một năm nhìn lại
“Vượt sóng”
Ngay từ đầu năm 2016, để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đặt ra, một loạt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực và doanh nghiệp đã được Chính phủ đặt ra, trong đó ngành ngân hàng được xác định là lực lượng tiên phong, bởi đây vẫn là kênh dẫn vốn, huy động vốn quan trọng bậc nhất của nền kinh tế trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển.
Nói như vậy để thấy rằng, áp lực mà ngành ngân hàng phải đối diện trong năm 2016 là vô cùng lớn. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, ngành ngân hàng năm 2016 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bình ổn thị trường tài chính tiền tệ, đảm bảo tăng trưởng bền vững… qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Điều này cũng được khẳng định trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2016 của Chính phủ: Các cân đối về tiền tệ cơ bản ổn định và đúng định hướng, tín dụng tiếp tục tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng phù hợp với diễn biễn kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,03%. Mặt bằng lãi suất về cơ bản diễn biến ổn định, có xu hướng giảm khoảng 0,5-1% đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá có biến động chủ yếu do yếu tố tâm lý nhưng thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Còn trong báo cáo đánh giá “Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2016” do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) thực hiện, cơ quan này cũng khẳng định: Tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 đã được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP.
Theo đó, với chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đạt khoảng 8,5% (tháng 12-2015 là 8,4%), lãi suất huy động khoảng 5% (tháng 12-2015 là 4,5%). Thị trường ngoại hối thì nguồn cung ngoại tệ hỗ trợ tích cực với thặng dư cán cân thương mại, nguồn vốn FDI, ODA giải ngân tăng. Đồng thời, tỷ giá trung tâm dự kiến tăng dưới 1% nhưng dự trữ ngoại hối tăng cao. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định tạo điều kiện giúp NHNN bổ sung dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 40 tỉ USD.
Đặc biệt, theo ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch NFSC, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng trong năm 2016 đã được cải thiện, triển vọng khả quan. Cụ thể, 5 năm trở lại đây lợi nhuận, cổ tức của ngân hàng xuống thấp chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro cao cho những khoản nợ xấu cũ. Tuy nhiên, trong 5 năm, các ngân hàng cũng đã trích lập tương đối nhiều và trích lập đó đã tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả là năm 2016 lợi nhuận chung của ngân hàng bật tăng trở lại, đạt khoảng 40.000 tỉ đồng, dù đã phải trừ đi 70.000 tỉ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Khơi thông dòng vốn
Trong một năm mà kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam vẫn cơ bản đạt mục tiêu đề ra, cán đích ở mức 6,3-6,5%. Có được kết quả đó, đóng góp của ngành ngân hàng là vô cùng lớn. Hệ thống ngân hàng đã góp phần ổn định tỷ giá để giảm sức ép cạnh tranh của hàng hóa thế giới với trong nước; Đảm bảo nguồn cung vốn cho các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, mở rộng, phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm áp lực chi phí, gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong năm 2016, NHNN đã thực hiện điều hành cung tiền hợp lý, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất và giảm sức ép lên lãi suất cho vay, hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ, đồng thời hỗ trợ ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đảm bảo kiểm soát lạm phát. Đến cuối tháng 11, tổng phương tiện thanh toán tăng ở 14,92%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.
Trên cơ sở diễn biến lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến trong tầm kiểm soát, NHNN chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động, giảm sức ép lên lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; Điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình đã góp phần giảm sức ép lên lãi suất đối với các tổ chức tín dụng. Theo ghi nhận, khép lại năm 2016, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên được thiết lập ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn; 9-10%/năm với các khoản vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn...
Tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều chỉnh tăng hệ số rủi ro của các khoản phải thu trong cho vay kinh doanh bất động sản. Kết quả, đến ngày 28-11-2016, tín dụng tăng 14,57% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%, phù hợp với chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ.
Liên quan đến tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, trong giai đoạn 2011-2015, quá trình củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được duy trì và cải thiện cơ bản, các ngân hàng thương mại yếu kém đã được kiểm soát, giảm dần và cơ cấu lại toàn diện, các ngân hàng 0 đồng từng bước đi vào hoạt động ổn định và có lãi. Nợ xấu được xử lý một bước quan trọng và giữ ổn định ở mức dưới 3% theo đúng các giải pháp mục tiêu tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
“Điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo lạm phát ổn định”. (Chủ tịch NFSC Vũ Viết Ngoạn) |
Thanh Ngọc
-
Tăng trưởng tín dụng đạt gần 4%
-
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thích ứng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế
-
Khơi thông thị trường vốn 2023: Chờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tiền tệ
-
Điều hành giá xăng dầu linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh
-
Xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá thị trường chứng khoán
-
Agribank tổ chức các đoàn công tác nắm bắt tình hình, khắc phục thiệt hại cơn bão số 3
-
VietinBank tiên phong và trách nhiệm trên con đường phát triển bền vững
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 10/9: Giá dầu duy trì đà tăng
-
Thu ngân sách từ doanh nghiệp xăng dầu tăng 13%
-
Tin tức kinh tế ngày 9/9: Ô tô nhập khẩu “quay đầu” sụt giảm