Thị trường mong đợi gì sau cuộc họp sắp tới của OPEC?

16:10 | 25/07/2023

299 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau một loạt đợt cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ kể từ tháng 10 năm ngoái, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) sẽ họp vào ngày 3/8 tới để đánh giá tình trạng của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu đảo chiều cao hơn, tăng sản lượng OPEC+ là không đủ trước chuyến thăm của TTh Mỹ Biden

OPEC+ cho biết, họ kỳ vọng thị trường dầu mỏ sẽ trở nên chặt chẽ hơn trong nửa cuối năm nay, điều này đương nhiên sẽ gây áp lực tăng giá dầu. Về lý thuyết, sau đó, nếu mục tiêu cốt lõi của nhóm là cân bằng thị trường dầu mỏ, thì JMMC sẽ khuyến nghị không cắt giảm thêm sản lượng của OPEC+. Tuy nhiên, trên thực tế, cố gắng cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu không phải là một trong những mục tiêu chính của nhóm. Do đó, một đợt cắt giảm sản lượng bổ sung khác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Kể từ khi thành lập OPEC vào tháng 9/1960, mục tiêu chính của tổ chức này và sau này hình thành thêm tổ chức OPEC+, là giữ giá dầu càng cao càng lâu càng tốt mà không gây nguy hiểm cho mối quan hệ với các khách hàng cốt lõi.

Nhà lãnh đạo lâu đời trên thực tế của OPEC là Ả Rập Xê-út cần giá càng cao càng tốt vì nước này vẫn đang chịu thiệt hại nặng nề về cấu trúc tài chính sau Cuộc chiến giá dầu 2014-2016. Thiệt hại này càng trở nên tồi tệ hơn khi Cuộc chiến giá dầu năm 2020 bắt đầu.

Về cơ bản, Ả Rập Xê-út đã chuyển từ thặng dư ngân sách trước giai đoạn 2014-2016 sang mức thâm hụt cao kỷ lục vào năm 2015 là 98 tỷ USD. Nước này cũng đã tiêu ít nhất 250 tỷ USD dự trữ ngoại hối quý giá của mình trong thời kỳ này.

Nhu cầu khắc phục ít nhất một phần những khoản lỗ khổng lồ này đã dẫn đến ý tưởng thả nổi một phần viên ngọc quý của tập đoàn Aramco. Tuy nhiên, môi trường đầu tư mà Vương quốc này đã tạo ra trong giai đoạn 2014-2016 độc hại đến mức họ phải đảm bảo trả cổ tức thấp cho cổ phiếu Aramco để thu hút bất kỳ ai mua chúng. Cuối cùng, Ả Rập Xê-út phải trả cổ tức cho các cổ đông trị giá 18,75 tỷ USD mỗi quý - tổng cộng là 75 tỷ USD mỗi năm. Nói cách khác, Aramco phải trả hàng năm khoảng 3 lần toàn bộ số tiền mà họ nhận được cho toàn bộ đợt IPO ngay từ đầu.

Ả Rập Xê-út cần giá dầu đủ cao không chỉ để trang trải "di sản tài chính" khủng khiếp từ cuộc chiến giá dầu thảm khốc mà còn để tài trợ cho một loạt các dự án kinh tế xã hội cần thiết để duy trì quyền lực của gia đình hoàng gia. Điều này đặc biệt đúng khi mối quan hệ cốt lõi của nước này với Mỹ đã chấm dứt hiệu quả, sau đó chuyển hẳn sang phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc - Nga.

Mối quan hệ với Mỹ là cơ sở cho an ninh kinh tế và quân sự của Ả Rập Xê-út - và cũng rất quan trọng để giữ cho gia đình hoàng gia nắm quyền - kể từ khi thỏa thuận được ký kết vào ngày 14/2/1945 giữa Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Abdul Rahman Al Saud. Với mối quan hệ nền tảng đó hiện đang bị rạn nứt, sau hai Cuộc chiến giá dầu, việc bổ sung Nga vào OPEC vào cuối năm 2016 để thành lập OPEC+, một lộ trình rõ ràng để gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và thỏa thuận nối lại quan hệ với Iran, cùng nhiều vấn đề khác - Hoàng gia Ả Rập Xê-út cần tiền để chi tiêu cho các dự án giúp người dân đứng về phía họ.

Ả Rập Xê-út có chi phí khai thác dầu thô ở mức thấp nhất thế giới với chỉ 1 - 2 USD/thùng, tương tự như Iran và Iraq, nhưng có giá dầu hòa vốn tài chính chính thức hiện cao hơn nhiều so với mức đó - trên thực tế là 78 ​​USD/thùng dầu Brent vào năm 2023.

Trên thực tế, giá dầu cần cao hơn nhiều, do danh sách ngày càng nhiều các dự án kinh tế xã hội cần thiết để giữ cho người dân Ả Rập Xê-út ủng hộ gia đình hoàng gia. Giá mỗi thùng dầu mà Ả Rập Xê-út cần về bản chất là cao nhất có thể mà không phá hủy cơ sở khách hàng cốt lõi của mình. Nhiệm vụ này thậm chí còn khó khăn hơn bởi vai trò của Nga hiện tại trong OPEC+.

Trong nhiều thập kỷ, Nga có giá dầu hòa vốn tài chính khoảng 40 USD/thùng - gần bằng mức mà nhiều nhà khai thác dầu đá phiến tốt hơn của Mỹ có thể bắt đầu kiếm được lợi nhuận kha khá. Do những tác động tiêu cực khác nhau từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022, con số này đã tăng vọt lên khoảng 115 USD/thùng dầu Brent trong năm nay, theo số liệu của ngành dầu mỏ. Tuy nhiên, đây không phải là điểm mấu chốt.

Mấu chốt của vấn đề là sau cuộc xung đột tại Ukraine, nhiều lệnh cấm và cơ chế trần giá đã được các nhóm khác nhau bao gồm Mỹ và các đồng minh đưa ra đối với các sản phẩm hydrocarbon của Nga, trong đó trọng tâm là việc áp mức trần giá dầu chung đối với dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng.

Do đó, với những yếu tố này, chiến lược của Nga đơn giản nhưng rất hiệu quả: thuyết phục Ả Rập Xê-út và các thành viên cốt lõi khác của OPEC tăng giá dầu của nhóm càng nhiều càng tốt, đồng thời bán dầu của chính họ với giá thấp hơn mức giá này - nhưng vẫn cao hơn mức trần giá dầu chính thức.

OPEC càng tăng giá dầu, thì dầu giảm giá của Nga càng hấp dẫn, và bất chấp các biện pháp trừng phạt khác nhau vẫn được áp dụng, vẫn có rất nhiều người sẵn sàng mua dầu giảm giá của Nga. Trung Quốc là thị trường chính, nhưng Ấn Độ cũng là một người mua khổng lồ. Cả Trung Quốc và Ấn Độ (cũng như một số quốc gia mua dầu lớn khác) đều không quan tâm đến các lệnh trừng phạt hiện có của Mỹ đối với Nga, cũng như cảm thấy vui khi mua được dầu giá rẻ của Nga.

Cuộc họp JMMC của OPEC+ sẽ họp vào ngày 3/8 - được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc cắt giảm sản lượng tập thể nhiều hơn từ một Ả Rập Xê-út đã sẵn sàng. Nga, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, có một lý do khác đằng sau việc thúc đẩy Ả Rập Xê-út hướng tới giá dầu ngày càng tăng.

Bình An