Thị trường khí đốt - “Cuộc chơi” sôi động (Kỳ 1)

11:36 | 26/03/2019

340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2018, thị trường khí đốt tăng mạnh nhờ nguồn cung dồi dào và nhu cầu sử dụng khí đốt để thay thế than tăng cao. Những “cuộc chơi” lớn trong sản xuất, tiêu thụ khí đốt tiếp tục diễn ra. Báo Năng lượng Mới xin trích đăng nghiên cứu “Thị trường khí đốt: Con đường phát triển hôm nay và triển vọng ngày mai” phát hành tháng 2-2019 của hai chuyên gia A. Lecarpentier và Amit Singh Rao thuộc Viện Dầu khí Pháp (IFP).

Ngày nay, khí tự nhiên chiếm vị trí hàng đầu trong mức tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, trong khi năng lượng tái tạo chỉ tăng mạnh phần đóng góp vào cơ cấu ngành điện.

Thị trường tiêu thụ khí đốt bắt đầu nhảy vọt vào năm 2017, với mức tăng 3,5% (đạt 3.667Gm3) và tăng mạnh vào năm 2018. Khí đốt ngày càng khẳng định vị thế của mình trong cơ cấu ngành năng lượng. Xu hướng tiêu thụ tăng mạnh được kích thích nhờ nguồn cung dồi dào và chính sách ủng hộ khí đốt tại những nước tiêu thụ lớn, đặc biệt là Trung Quốc.

thi truong khi dot cuoc choi soi dong ky 1
Một tàu chở khí đốt của Mỹ

Năm 2018, Mỹ cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong cả sản xuất và tiêu thụ khí đốt. Theo các số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), mức tiêu thụ hằng năm của Mỹ tăng 70Gm3, sản xuất tăng 80Gm3. Mức tiêu dùng khí đốt của Mỹ tăng một phần do yếu tố khí hậu bất thường buộc phải dùng khí đốt để thay thế điện than. Ngoài ra, sự năng động của kinh tế Mỹ đã làm hồi sinh nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp. Khí tự nhiên thắng thế so với than nhờ chi phí sản xuất thấp. Tỷ lệ khí đốt trong cơ cấu năng lượng sản xuất điện tăng thêm từ 32% của năm 2017 lên 35% vào 2018. Ngược lại, điện than giảm từ 30% xuống còn 28%. Cơ cấu ngành điện Mỹ trong tương lai sẽ thay đổi, chiếm phần lớn là năng lượng tái tạo và khí tự nhiên, nhất là khi các nhà máy điện than đang dần ngừng hoạt động.

Mức tăng sản lượng khí đốt của Mỹ chính là nhờ sự góp mặt của khí đá phiến và phốt khí nén APG từ bang Texas và Oklahoma. Cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Bắc phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho khí đá phiến từ mỏ Marcellus và Utica tiếp cận thị trường, đồng thời mang đến lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Lượng khí dự trữ có thể khai thác được tăng mạnh trong những năm gần đây.

Ở khu vực châu Á, nhu cầu tiêu thụ khí đốt cũng tăng đột biến, đứng đầu danh sách là Trung Quốc (chiếm 70% tổng mức tăng trưởng của khu vực năm 2018). Dự kiến mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019 so với mức tăng 17% vào năm 2018 và sẽ còn tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020. Đây là kết quả của các biện pháp chuyển đổi cơ cấu năng lượng, từ bỏ dùng điện than sang dùng khí đốt của Chính phủ Trung Quốc nhằm bảo vệ môi trường. Như vậy, công suất điện từ khí đốt của Trung Quốc sẽ tới 110GW vào năm 2020.

Tuy sản xuất khí đốt trong nước có tiến triển nhưng vẫn chậm hơn so với nhu cầu của thị trường. Vì thế, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu lượng lớn khí đốt. Trong năm 2018, Trung Quốc nhập đến 125Gm3, tăng gấp đôi so với năm 2014. Trung Quốc cũng vượt Nhật Bản, chiếm vị trí đầu bảng trong số các quốc gia nhập khẩu khí đốt. Do đó, Trung Quốc ngày càng có tầm ảnh hưởng đến tình hình dầu khí toàn cầu và giá cả thị trường.

Ấn Độ cũng đóng vai trò ngày càng lớn trên thị trường quốc tế. Nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Ấn Độ bắt đầu tăng vọt vào năm 2016 do chính sách năng lượng của Chính phủ hướng đến ưu tiên khí đốt và các biện pháp cải cách chế độ đầu tư cũng như giá cả. Ấn Độ mong muốn thông qua chính sách trên có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Mục tiêu chính là hoàn thành mạng lưới phân phối trên toàn quốc, tiếp cận được 70% dân số. Vì thế, thị trường khí đốt của Ấn Độ trở nên năng động do xuất phát từ nhu cầu sử dụng khí đốt trong cuộc sống hằng ngày ở các khu dân cư, trong giao thông vận tải (xe chạy bằng khí thiên nhiên NGV) và một số ngành công nghiệp.

Hiện khí đốt đang được Chính phủ Ấn Độ quan tâm rất nhiều vì mức tiêu thụ của nó cũng ít bị tác động khi giá cả không ổn định, không giống như ngành điện. Mức tiêu thụ khí đốt của Ấn Độ tăng 5% vào năm 2018 (so với mức tăng 3% trong năm 2017) và sẽ tiếp tục tăng, giúp Ấn Độ khẳng định vị thế trên thị trường khí thiên nhiên quốc tế.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thị trường tiêu thụ khí đốt bắt đầu nhảy vọt vào năm 2017, với mức tăng 3,5% (đạt 3.667Gm3) và tăng mạnh vào năm 2018. Xu hướng tiêu thụ tăng mạnh được kích thích nhờ nguồn cung dồi dào và chính sách ủng hộ khí đốt tại những nước tiêu thụ lớn.

S.Phương