Thị trường Bảo hiểm Phi nhân thọ Việt Nam: Phòng ngừa trục lợi bảo hiểm

08:38 | 16/11/2011

890 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trục lợi được hiểu là hành vi gian lận số tiền bồi thường vốn không thuộc phạm vi được đền bù trong hợp đồng. Hình thức trục lợi bao gồm những hành vi sau: Khai tăng giá trị tổn thất; Tổn thất đã xảy ra mới mua bảo hiểm; Bảo hiểm trùng; Cố ý gây tổn thất cho đối tượng bảo hiểm; Khai ngày xảy ra tai nạn trước thời hạn hợp đồng bảo hiểm; Lập hồ sơ giả; Tạo dựng hiện trường giả…

Kết thúc quý III/2011, theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm, doanh thu bảo hiểm gốc toàn thị trường đạt khoảng trên 15 nghìn tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 35,5% với số tiền bồi thường khoảng trên 5 nghìn tỉ đồng. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số tiền thất thoát do trục lợi bảo hiểm nhưng theo đánh giá sơ bộ con số này rơi vào khoảng 10-15% số tiền bồi thường phải trả. Điều này có nghĩa là hàng năm các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ Việt Nam bị thất thoát hàng trăm tỉ đồng, tương đương với doanh thu bảo hiểm gốc của một DNBH phi nhân thọ quy mô vừa của thị trường, một con số không hề nhỏ.

Hiện nay hiện tượng trục lợi bảo hiểm Việt Nam về cơ bản mới chỉ ở mức tự phát của một số cá nhân chứ chưa phát triển thành tổ chức. Tuy nhiên điều này cũng không làm giảm bớt những tác động “xấu xí” và “méo mó” của nó tới sự phát triển của cả thị trường bảo hiểm.

Hiện nay việc hoàn chỉnh hệ thống luật pháp cần được thực hiện. Các cơ quan chức năng rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm và DNBH trong quan hệ pháp luật bảo hiểm, đảm bảo các thông tin hai phía đưa ra là đầy đủ và sẽ được sử dụng triệt để trong qua trình bồi thường hoặc điều tra trục lợi.

Khách hàng thanh toán phí bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm phi nhân thọ

Bổ sung các quy định liên quan đến đại lý bảo hiểm hoặc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khi có hành vi liên quan đến trục lợi bảo hiểm; các quy định pháp lý trong trường hợp sẽ cấu thành tội phạm khi người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng thực hiện hành vi gian dối nghiêm trọng liên quan đến việc làm giả tài liệu về các đối tượng được bảo hiểm, tạo hiện trường giả, giả mạo hoặc thay đổi giấy chứng nhận, tài liệu; các quy định liên quan đến việc phía DNBH che đậy hoặc làm sai lệch thông tin về hợp đồng bảo hiểm với người mua bảo hiểm; các cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác, giúp đỡ công việc điều tra, xác minh liên quan đến bảo hiểm, bồi thường; các quy định cho phép các cơ quan giám sát riêng lẻ phối hợp trong một số hoạt động điều tra liên quan đến trục lợi bảo hiểm (lập đoàn thanh tra, kiểm tra chung), cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan này; các văn bản hướng dẫn các bộ, ban ngành liên quan trong việc thực hiện nhằm đảm bảo tính thực thi của văn bản, quy định về trục lợi bảo hiểm.

Điều tra ban đầu và kiểm soát hoạt động điều tra, thu thập các bằng chứng có liên quan đối với những hành vi nghi ngờ có tính chất trục lợi; Thay mặt các cơ quan quản lý có trách nhiệm trả lời các câu hỏi liên quan nhằm mục đích thông tin cung cấp cho các bên được chính xác và thống nhất nhất; Kiểm tra các báo cáo về trục lợi từ những người bảo hiểm được ủy quyền, nhân viên của họ, cơ quan địa phương hay người cung cấp; Kiểm soát các điều tra độc lập, các nghiên cứu để xác định phạm vi trục lợi bảo hiểm, lừa dối hoặc cố ý bóp méo trong bất kỳ khâu nào thuộc quy trình bảo hiểm, công bố thông tin hoặc các báo cáo về kiểm tra, giám sát; Báo cáo điều tra khám phá các vụ nghi ngờ trục lợi cho cơ quan có liên quan; Thu xếp bằng chứng, chi phí và các yếu tố khác hỗ trợ cơ quan công tố trong việc đưa ra các phán quyết. Các mặt công tác này rất cần có một cơ quan chuyên trách. Ngoài ra, cần thành lập Quỹ chống trục lợi bảo hiểm. Quỹ này dành chi phí cho các hoạt động điều tra các vụ việc có nghi ngờ trục lợi bảo hiểm;

Cần có cơ chế chính sách phê duyệt sản phẩm rõ ràng, công bằng giữa cả hai lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ;

Các DNBH cần đăng ký sản phẩm và trình Bộ Tài chính phê duyệt đồng thời tài liệu minh họa của sản phẩm sẽ được kiểm tra kỹ trước khi đưa vào kinh doanh.

Trước mắt cần xây dựng một trang web về trục lợi bảo hiểm với những nội dung cơ bản sau: Hệ thống văn bản về phòng, chống trục lợi bảo hiểm; Hệ thống các báo cáo hàng năm, các nghiên cứu bài viết của các chuyên gia liên quan tới trục lợi bảo hiểm; Hệ thống các tờ poster có nội dung quảng cáo, tuyên truyền danh sách các cá nhân, tổ chức đã vi phạm; Các sự kiện liên quan đến trục lợi bảo hiểm; trang web liên kết liên quan tới trục lợi bảo hiểm; Thông tin về dịch vụ chỉ dẫn.

Trong hoạt động phòng ngừa cần hoàn thiện, đổi mới quy trình hệ thống trong công tác quản lý rủi ro và trục lợi bảo hiểm. Gây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê các DNBH theo các chỉ tiêu cụ thể và cơ chế cung cấp thông tin cho các DNBH;

Thực hiện sửa đổi bổ sung hệ thống chỉ tiêu giám sát DNBH, xây dựng và hoàn thiện quy trình đánh giá rủi ro của DNBH phù hợp theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; sử dụng các công cụ phân tích hiện đại cho phép đưa ra cảnh báo sớm các nguy cơ của doanh nghiệp;

Hoàn thiện quy trình xử lý tiếp nhận thông tin, xây dựng kho dữ liệu về trục lợi bảo hiểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo hiểm trong cộng đồng, giúp các cơ quan chức năng tạo dư luận ủng hộ việc đấu tranh với những hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm.

Có thể nói, trục lợi bảo hiểm là một căn bệnh “kinh niên, mãn tính” khó để điều trị nhưng không phải là không thể phòng chống và hạn chế. Muốn giảm thiểu thấp nhất sự trục lợi sẽ là bất khả thi nếu chỉ ngồi một chỗ trông đợi vào ý thức của người mua bảo hiểm hay sự nỗ lực ứng phó của bên bị trục lợi – các DNBH. Mà trên tất cả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trong việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nêu trên.

Anh Phạm – Đức Hoàng