Thị thực - “nút thắt cổ chai” khiến du lịch Việt thua kém nhiều nước?

14:45 | 02/05/2019

454 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các chuyên gia, một trong những “nút thắt” khiến Việt Nam chưa đủ sức hút đối với các thị trường khách chi trả cao là vấn đề thị thực. Thời gian tới, nếu Việt Nam bỏ visa ở các thị trường trọng điểm thì Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu đô la mỗi năm từ du lịch.

Phát biểu trong Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, phiên Hiến kế về Du lịch sáng 2/5, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Trong đó, chúng ta đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hoá với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Năm 2018, Việt Nam đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế, thu 620.000 tỷ đồng chiếm 8% GDP (từ 328.000 tỷ đồng năm 2015).

Tuy khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng theo ông Tùng, nếu so với các nước trong khu vực thì con số này vẫn còn khiêm tốn.

Cụ thể, năm 2018 khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực như: Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu)… Đặc biệt, khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu còn khiêm tốn. Trung bình,khách chi tiêu 96 USD một ngày trong khi ở Singapore con số này lên tới 330 USD mỗi ngày.

Thị thực của Việt Nam xếp hạng thấp so với các nước trong khu vực

Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho rằng, một trong những “nút thắt” khiến Việt Nam chưa đủ sức hút đối với các thị trường khách chi trả cao là vấn đề thị thực.

thi thuc nut that co chai khien du lich viet thua kem nhieu nuoc
Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho rằng thủ tục cấp thị thực của chúng ta khiến những người xin cảm thấy không được chào đón

So với các nước trong khu vực thì thị thực của Việt Nam xếp hạng thấp. Hiện nay, Thái Lan miễn thị thực cho 61 nước, Indonesia miễn thị thực cho 169 nước, Malaysia là 155 nước… nhưng Việt Nam mới chỉ miễn visa đơn phương cho 13 nước.

Không chỉ hạn chế miễn visa, theo ông Sơn thủ tục cấp thị thực của chúng ta khiến người xin cảm thấy không được chào đón. Cụ thể, nghiên cứu qua tờ khai nhập cảnh của Việt Nam và quốc tế thì tờ khai của chúng ta có một số nội dung “làm khó” du khách khiến họ cảm thấy không thoải mái và có ấn tượng ban đồng không tốt.

“Chúng ta có thể tham khảo một số tờ khai ở thế giới như Thái Lan để sửa đổi. Ngoài những nội dung thừa cần bỏ thì có thể hỏi thêm thông tin du khách về loại chuyến bay, cơ sở lưu trú, khách đi theo nhóm hay lẻ, lần mấy đến Việt Nam, mức thu nhập bình quân... Bên cạnh đó có thể thực hiện một số ngôn ngữ thông dụng với tờ khai để các thị trường trọng điểm được thuận lợi như Trung Quốc, Hàn Quốc...”, ông Sơn nói.

thi thuc nut that co chai khien du lich viet thua kem nhieu nuoc
Toàn cảnh phiên Hiến kế về Du lịch tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Ông Sơn cho rằng, cần có chính sách cấp visa 5 – 10 năm cho những dòng đối tượng khách đặc thù như: có thu nhập cao, nhân thân tốt, những người thường xuyên đi công tác, du lịch… để thu hút được lượng khách "nhà giàu" đến Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Huyền, đại diện Vietrantour cũng cho rằng, dù thủ tục cấp visa cho khách quốc tế đến Việt Nam đã mở cửa, song chưa đáp ứng những nhu cầu sát sườn. Đơn cử như vấn đề cấp thị thực tại cửa khẩu được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để du khách nhập cảnh được dễ dàng, nhưng tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc.

“Thái Lan đang cấp thị thực tại cửa khẩu với công dân 20 nước. Theo đó, du khách chỉ cần chuẩn bị ảnh, hộ chiếu, vé máy bay và xác nhận nơi cư trú là có thể được cấp visa ngay tại cửa khẩu mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào trước đó. Trong khi đó, khách quốc tế đến Việt Nam nhận thị thực qua cửa khẩu nhưng vẫn phải hoàn thiện thủ tục trước đó và phải cầm theo công văn mới được chấp thuận”, bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, muốn thu hút khách quốc tế đặc biệt là các dòng khách “nhà giàu”, chi tiêu cao thì cần sự thông thoáng, cởi mở hơn nữa trong việc cấp thị thực visa. Đặc biệt, cần kéo dài thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 ngày. Bởi lẽ, kỳ nghỉ tại nhiều quốc gia kéo dài lâu, hạn mức thời gian quy định của Việt Nam quá ngắn, chưa đủ giúp khách kịp trải nghiệm, tận hưởng và khám phá các điểm đến du lịch.

Nếu bỏ visa, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu đô la mỗi năm?

thi thuc nut that co chai khien du lich viet thua kem nhieu nuoc
Ông Nguyễn Quốc Kỳ Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, nếu chưa thể bỏ visa thì thời gian tới có thể áp dụng chính sách visa linh hoạt để thu hút khách du lịch.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Kỳ Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, nếu chưa thể bỏ visa thì thời gian tới có thể áp dụng chính sách visa linh hoạt để thu hút khách du lịch. Cụ thể, chúng ta có thể học hỏi các thị trường như Đài Loan áp dụng chính sách visa quan hồng cho Việt Nam, hay Mỹ đặt giới hạn về visa để xác định thị trường trọng điểm… Việt Nam có thể cấp visa theo thị trường, theo mùa hoặc theo sự kiện.

“Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như: giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak Tháng 5/2019… Đối với các sự kiện này, khách chỉ cần có vé là có thể được miễn visa để tham dự. Điều này sẽ thu hút và tạo điều kiện để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn”, ông Kỳ nói.

Ông Kỳ cũng cho rằng, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu chính sách 5 quốc gia một điểm đến. Hiện nay Việt Nam đã miễn visa cho khách Anh nhưng lại áp dụng quy định phải chờ 30 ngày nếu tái nhập, điều này gây cản trở rất lớn. “Khách Anh vào Thái Lan là 1,7 triệu năm qua, trong khi sang Việt Nam là 100.000 người. Chúng ta hoàn toàn có khả năng chuyển lượng khách này sang Việt Nam nếu cởi mở hơn nữa trong vấn đề visa”, ông Kỳ nêu quan điểm.

Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cũng cho rằng, nếu Việt Nam bỏ visa ở các thị trường trọng điểm thì có thể thu về hàng trăm triệu đô la mỗi năm.

“Tôi đã sinh sống ở Việt Nam từ cuối năm 1980. Số lượng khách du lịch tăng lên rất ấn tượng, từ rất ít lên đến hàng chục triệu trong một thời gian ngắn. Thái Lan phải mất đến 15 năm để đạt được lượng khách như Việt Nam. Từ giờ đến 2030 chúng ta hoàn toàn có thể đạt được 30 triệu khách nếu có những chính sách thu hút phù hợp”, ông Kenneth Atkinson nói.

Ngoài visa, muốn du lịch Việt phát triển phải nâng cao chất lượng sản phẩm

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

thi thuc nut that co chai khien du lich viet thua kem nhieu nuoc
Bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho 13 nước từ năm 2004. Từ 1/2/2017, Chính phủ cấp thị thực điện tử cho công dân trên 80 nước, với thủ tục thuận lợi. Theo báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực.

“Miễn thị thực đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước. Ví dụ, miễn thị thực cho khách du lịch Hàn Quốc, song đội ngũ hướng dẫn viên hay tour tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã sang phát triển tại thị trường Việt Nam, thậm chí áp đảo doanh nghiệp trong nước”, bà Lan nói.

Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An, cũng cho rằng, chính sách thị thực của Việt Nam hoàn toàn đơn giản, với thời hạn xét duyệt từ 1 đến 3 ngày, không cần chứng minh tài chính hay lấy vân tay như nhiều quốc gia khác. Người nước ngoài có thể nhận thị thực tại Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài hay tại cửa khẩu hoặc lấy thị thực điện tử.

Theo ông Thống, miễn thị thực không phải tiêu chí để người nước ngoài chọn du lịch Việt Nam. Ông lấy ví dụ khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn visa. Do đó, miễn visa không phải yếu tố quyết định để thu hút khách quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, để kéo dài thời gian lưu trú, buộc khách chi trả cao thì ngoài vấn để cởi mở trong chính sách visa cần phải gia tăng tiện ích với những hoạt động như: mua sắm, đánh golf, show biểu diễn… Đặc biệt, Việt Nam cần cải thiện tình trạng quá tải tại các sân bay và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại các điểm tham quan, du lịch.

Ngành du lịch cần một "nhạc trưởng", cán bộ cấp Quốc gia và địa phương cần kiến thức về quản lý điểm đến để doanh nghiệp cùng phát triển theo một hướng, tránh sự phát triển tự phát, ồ ạt dẫn đến các sản phẩm du lịch kém chất lượng, không đủ sức "hút" hấp dẫn khách du lịch.

Ngoài ra, thời gian tới Việt Nam cần cân nhắc thành Quỹ Phát triển du lịch cũng như các văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm để xây dựng các chiến lược thu hút khách đến du lịch.

Theo Dân trí

thi thuc nut that co chai khien du lich viet thua kem nhieu nuoc4 tháng đầu năm: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 7,6%
thi thuc nut that co chai khien du lich viet thua kem nhieu nuocKhám phá địa danh, văn hóa cùng “Check in Việt Nam”
thi thuc nut that co chai khien du lich viet thua kem nhieu nuocAustralia cảnh báo người dân không nên tới Sri Lanka

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc