Thêm cơ hội thu hút vốn FDI vào Việt Nam

07:03 | 27/12/2020

312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra là cơ hội để kiểm tra lại phương pháp thu hút và duy trì hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời tạo liên kết kinh tế giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh

Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 27/10 thông báo cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 49% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước và đang trên đà giảm xuống 40% trong cả năm 2020.

Tại Việt Nam, tính hết tháng 11, số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đạt khoảng 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, có tới 1.051 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỉ USD, tăng 7,8%.

Thêm cơ hội thu hút vốn FDI vào Việt Nam
Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Kết quả thu hút FDI đã phản ánh tác động của đại dịch này tới nền kinh tế cũng như đầu tư FDI tại Việt Nam. Thay vì giảm sâu như dòng vốn đầu tư toàn cầu, vốn FDI vào Việt Nam tuy có giảm nhưng mức giảm thấp hơn cho thấy triển vọng đầu tư vẫn đang khá khả quan. Trong đại dịch Covid-19, thông tin các NĐT ngoại mở rộng, đầu tư mới vào Việt Nam vẫn liên tục được cập nhật, đặc biệt các “đại bàng” đã tìm đến Việt Nam làm "tổ", mở rộng "tổ". Các nhà sản xuất gia công lớn cho Hãng điện tử Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron... đều có động thái mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Nghiên cứu của Deep Knowledge Group (Hong Kong) cho biết, Việt Nam là địa điểm an toàn thứ 9 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập lại cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Định hình chính sách thu hút FDI

Theo một báo cáo của Goldman Sachs, nhiều công ty Mỹ cho biết Việt Nam và Ấn Độ là những điểm đến được đề cập nhiều nhất trong kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho 15 công ty chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, mở đường cho làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản. Phần lớn các DN chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế; các DN còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn...

Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro) - ông Takeo Nakajima chia sẻ: "Chính phủ Nhật Bản đã quyết định triển khai gói hỗ trợ phát triển đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Khi thực hiện chương trình đó, các DN của Nhật Bản, thay vì sẽ sản xuất 100 sản phẩm ở Trung Quốc, giờ 50 sản phẩm sẽ được sản xuất ở Việt Nam, hoặc những sản phẩm đang được sản xuất ở Trung Quốc cũng đồng thời được sản xuất ở Việt Nam. Như vậy việc đảm bảo cho chuối cung ứng cũng sẽ tốt hơn".

Nhận định về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2021, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho rằng, dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vì Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng với sức tiêu dùng mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cải thiện đáng kể môi trường đầu tư. Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện. Đồng thời, Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hy vọng sẽ ký kết RCEP trước năm 2021. Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi ích từ các FTA. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong năm tới là rất lớn. Không chỉ có “đại bàng”, nhiều NĐT vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng rất quan trọng. Những dự án FDI nhỏ, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong năm tới, và tất cả đều đáng ghi nhận và trân trọng. Đặc biệt chỉ vài tháng nữa khi hiệu quả vaccine ngừa Covid-19 thể hiện rõ thì dòng vốn FDI vốn nhanh nhạy sẽ chảy vào Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nhanh hơn khi NĐT yên tâm với tình hình ổn định và kinh tế phục hồi của Việt Nam. Hậu Covid 19, để không bỏ lỡ cơ hội tăng thu hút FDI chất lượng cao, theo nhiều ý kiến, chính sách thu hút FDI cần lựa chọn và ưu tiên các tập đoàn lớn trong ứng dụng công nghệ đến từ các nước tiên tiến.

Thiết kế những gói chính sách riêng cho dự án lớn

Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để gia tăng đầu tư nước ngoài trước xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và đa dạng thị trường đầu tư toàn cầu, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, dưới tác động của đại dịch Covid-19 và sự tiếp diễn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Đây là điều đã luôn được Bộ KH&ĐT khẳng định trong thời gian qua. Song cũng chính Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã luôn nhấn mạnh rằng, vốn đầu tư sẽ không “tự đến”. Dòng vốn chất lượng cao thường khó tính, dù luôn được các nước trên thế giới chào đón nhưng không mặc định tự chảy vào bất kỳ nước nào, kể cả nước có nhu cầu và cả lợi thế so sánh cao.

Theo đó trước hết, cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư là điều cần thiết. Xây dựng đồng bộ các tiêu chí về dự án FDI chất lượng cao phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và xu hướng khoa học công nghệ thế giới; tập trung phát triển hạ tầng và cải thiện quản lý một số khu công nghiệp trọng điểm dành riêng tiếp nhận các dự án FDI quan trọng.

Phó Chủ tịch Ban Đào tạo và Nguồn nhân lực Eurocham - ông William Badger chia sẻ, mặc dù cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính của Việt Nam đã cải thiện hơn rất nhiều, tuy nhiên, nếu được cải thiện tốt hơn thì sẽ tạo điều kiện thu hút nhiều hơn vốn FDI trong thời gian tới. “Trình độ, tay nghề của người lao động nhìn chung là tốt, nhưng nhiều người mới tốt nghiệp đại học vẫn phải đào tạo lại”, ông William Badger nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư -TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng, ngoài chính sách chung, cần đặc biệt lưu ý đến các gói chính sách dành riêng cho từng NĐT, nhất là NĐT lớn. Các dự án thu hút đầu tư phải hỗ trợ DN trong nước tham gia chuỗi dịch chuyển này. Cùng với đó, Việt Nam nên tập trung ưu tiên phát triển môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, với kết cấu hạ tầng và các điều kiện về hậu cần (logistics) tốt, cũng như cải thiện chất lượng lao động tay nghề cao và năng lực quản trị tốt.

"Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ thì thực tế không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia cạnh tranh FDI khác như khác như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… đang áp dụng, ngay cả các quốc gia sở tại cũng đang đưa ra nhiều chính sách để níu kéo NĐT ở lại. Việt Nam không chỉ dùng ưu đãi, dựa vào lợi thế vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ, mà cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, để thu hút FDI có chất lượng. " - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam - Nguyễn Minh Cường

Theo Kinh tế & Đô thị