Thêm các cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “chơi với” IS

15:47 | 27/01/2016

3,668 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lại vừa xuất hiện thêm những cáo buộc mới nhằm vào chính quyền Ankara. Cả Israel và Hy Lạp đều tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ thông đồng với IS và kêu gọi cần sớm chấm dứt tình trạng này.
tin nhap 20160127154356
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ sớm chấm dứt hành động bảo trợ cho khủng bố

Phát biểu tại Athens ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho rằng, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang được hưởng những nguồn lợi tài chính từ việc bán dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian dài, đồng thời bày tỏ hy vọng các hoạt động thương mại bất hợp pháp này sẽ sớm chấm dứt.

Theo ông Yaalon, nếu Ankara ngừng hợp tác với IS và cải thiện quan hệ với Israel, họ sẽ trở thành một mắt xích trong nỗ lực chống khủng bố ở khu vực.

“Diệt IS là nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng khả thi”, Yaalon nhận định. Ông giải thích rằng IS đã hiện diện ở Syria, Iraq, bán đảo Sinai của Ai Cập, Libya và tư tưởng man rợ của chúng cũng lan tới khắp nơi, bao gồm cả những quốc gia phương Tây.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép những kẻ cực đoan di chuyển từ châu Âu tới Syria và Iraq.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng của Hy Lạp Panos Kammenos cũng nói rằng hầu hết khối lượng dầu của tổ chức khủng bố IS được chuyên chở qua Thổ Nhĩ Kỳ, tiền cũng đi qua nước này tài trợ cho khủng bố.

Khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia với Israel, Cyprus, Hy Lạp, Ai Cập và Jordan trong trục cuộc chiến chống khủng bố và những điều kiện nào là cần thiết cho việc này, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Kammenos nói: "Sự thật là hầu hết khối lượng dầu xuất phát từ những kẻ khủng bố IS đều đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, và tiền cũng qua Thổ Nhĩ Kỳ để tài trợ cho các phần tử khủng bố. Sẽ rất tốt nếu như Thổ Nhĩ Kỳ quyết định thay đổi thái độ của mình, không hợp tác với khủng bố nữa, không thực hiện những hành động có thể gây ra vấn đề bất ổn trong khu vực, mà sử dụng nguồn tài trợ từ Liên minh châu Âu để có thể dùng lợi ích kinh tế ngăn chặn những người tị nạn tại bờ biển Tiểu Á"- ông Kammenos cho biết.

Chính quyền Ankara gần đây đối mặt nhiều cáo buộc buôn bán dầu lậu với IS và cho phép bọn khủng bố tự do đi lại ở biên giới. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11, gần biên giới Syria để bảo vệ nguồn cung cấp dầu từ IS.

Israel, đồng minh của Mỹ, khi ấy cũng lên tiếng ủng hộ Nga. "Thổ Nhĩ Kỳ có thẹn đỏ mặt thì cũng nên xin lỗi Nga", đó là bình luận của tướng Amos Gilad, một phụ tá thân cận của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga tại Syria. Iran, Iraq, Syria cũng đồng loạt lên cáo buộc chính quyền Erdogan bảo trợ IS.

Cho đến nay, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều phủ nhận tất cả những cáo buộc trên. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, “bạn của bạn” chưa chắc là bạn.

Quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều căng thẳng sau vụ hải quân Israel tấn công vào tàu cứu trợ tới Gaza năm 2010, làm 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Những cáo buộc mới của Israel có thể tiếp tục đào sâu hố ngăn cách giửa Tel Aviv và Ankara.

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, CNN