THẾ GIỚI 24H: Thế giới đạt thỏa thuận về khí hậu

08:49 | 13/12/2015

595 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 12 ngày đàm phán tại Hội nghị COP21 ở Paris (Pháp), lần đầu tiên, toàn thế giới đã cùng cam kết cứu Trái đất - kết quả của hơn 20 năm thương lượng.
tin nhap 20151213084536
Lãnh đạo thế giới ăn mừng sau chiến thắng của COP21

Ngày 12/12, 195 quốc gia đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức dưới 2°C và cố gắng giới hạn ở mức 1,5°C. Thỏa thuận Paris đề ra cơ chế mỗi nước tự nguyện rà soát cam kết sau mỗi 5 năm và điều chỉnh mục tiêu theo hướng cao dần.

Thỏa thuận Paris nêu rõ: 100 tỷ USD/năm mà các nước phía Bắc hỗ trợ cho các nước phía Nam là mức khởi điểm vào năm 2020. Văn bản cũng công nhận khái niệm "công lý khí hậu" - các nước giàu phải đóng góp tài chính nhiều hơn và giảm thải nhiều hơn các nước nghèo.

Các quốc gia sẽ có một năm để xem xét phê chuẩn Thỏa thuận Paris bắt đầu từ tháng 4/2016. Khi có ít nhất 55 nước phê chuẩn, bản Thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực và được chính thức áp dụng từ năm 2020.

Cách đây 6 năm tại hội nghị Copenhagen số tiền được hứa là 92 tỷ euro sẽ được giải ngân cho tới năm 2020 nhưng vẫn không được thực hiện. Câu hỏi này được đưa ra trong hội nghị Paris nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ ràng.

Không giống như các Nghị định thư Kyoto, các thỏa thuận khí hậu thống nhất vào năm 1997, hiệp định Paris sẽ không có một ràng buộc pháp lý nào đối với hiệp ước.

Iraq chính thức tố Thổ Nhĩ Kỳ lên Hội đồng Bảo an LHQ

Hôm qua, đại diện Iraq đã trình Hội đồng Bảo an tài liệu tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân ở miền bắc Iraq.

Văn kiện đã được đại sứ Iraq tại Liên hiệp quốc Mohammed Ali Alhakim trao cho bà Sanmantha Power, Chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong tháng 12, để phân phát cho 14 nước thành viên khác của Hội đồng.

Bà Power cho báo chí biết là Iraq không có yêu cầu triệu tập cuộc họp đặc biệt của Hội đồng về hồ sơ này, mà chỉ muốn qua văn kiện tỏ “quan ngại ngày càng lớn” của chính phủ Bagdad về việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không chịu rút quân ra khỏi khu vực miền bắc Iraq.

Tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hàng trăm binh sĩ cùng chiến xa vào Bachiqa, một địa phương ở phía bắc Iraq, gần với thành phố Mossoul, đang bị IS chiếm giữ từ tháng 6/2014. Việc triển khai quân này không được sự đồng ý của Bagdad và ngay lập tức chính phủ Iraq đã yêu cầu Ankara rút quân.

Tuy nhiên, hôm qua Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại khẳng định Ankara sẽ không rút quân, với lý do các nhóm quân của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng Peshmega của người Kurdistan tự trị ở Iraq.

Vụ việc này đã gây căng thẳng quan hệ hai nước. Ankara trước đó ít hôm đã kêu gọi các kiều dân rời khỏi Iraq, trừ một số tỉnh của người Kurdistan.

Lần đầu tiên phụ nữ Arập Xê Út được đi bầu

Arập Xê Út đang trải qua một thời điểm quan trọng trong lịch sử của nước này. Ngày 12/12, lần đầu tiên, phụ nữ có quyền đi bầu và có quyền ứng cử tại các cuộc bầu cử địa phương. Tổng cộng có 900 phụ nữ Arập Xê Út ra tranh cử vào 284 hội đồng địa phương trên toàn lãnh thổ, cùng với 6000 nam ứng cử viên.

Cuộc bỏ phiếu lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng tại quốc gia bảo thủ, thường xuyên bị chỉ trích vì không tôn trọng nhân quyền và đặc biệt là quyền của phụ nữ.

Sự thay đổi này là một phần của di sản của cố Quốc vương Abdullah, người đã qua đời hồi tháng 1/2015. Năm 2011 ông đã ban hành một đạo dụ cho phép phụ nữ đi bầu.

Các nhà quan sát và các tổ chức nhân quyền nói rằng các nữ ứng viên gặp nhiều khó khăn trong việc vận động cử tri vì họ không thể diễn thuyết trước các nam cử tri nếu không có màn hay tường để ngăn cách hai bên.

“Khẩu chiến” với Donald Trump

Một thái tử của Arập Xê-út đã gọi ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump là một “nỗi nhục của nước Mỹ”.

Thái tử Alwaleed bin Talal viết trên Twitter rằng ông Trump nên từ bỏ giấc mơ trở thành tổng thống Mỹ vì ông sẽ không bao giờ giành chiến thắng.

“Ông không những là nỗi nhục đối với Đảng Cộng hòa mà còn với cả nước Mỹ. Hãy rút lui khỏi cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ vì ông sẽ không bao giờ chiến thắng”.

Ông Alwaleed viết như vậy sau khi doanh nhân Donald Trump lên tiếng kêu gọi cấm tất cả các tín đồ Hồi giáo vào nước Mỹ vì lý do an ninh.

Đáp lại, ông Trump gọi Thái tử của Arập Xê-út là “ngu xuẩn”, đồng thời cáo buộc ông muốn sử dụng “tiền của cha” để kiểm soát các chính trị gia Mỹ.

Ứng viên hàng đầu của phe Cộng hòa với những phát ngôn gây sốc nói tiếp rằng điều đó sẽ không xảy ra một khi ông được bầu làm tổng thống.

Ông Trump đã bị chỉ trích dữ dội vì lời kêu gọi cấm các tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, sau khi xảy ra vụ bắn giết ở California, do hai tín đồ Hồi giáo mà FBI nói là đã bị cực đoan hóa, thực hiện.

Hôm 10/12, Damac Properties, một tập đoàn ở Dubai xây dựng một sân golf với ông Trump, đã gỡ hình ảnh và tên của ứng viên này khỏi bất động sản của họ.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151213084536
Phụ nữ Arập Xê- út bỏ phiếu trong cuộc bầu cử chính quyền thành phố tại Riyadh, 12/12/2015

G.K

(Theo AFP. AP, Reuters)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc