Thấy gì qua vụ Liên kết Việt lừa đảo?

07:00 | 25/02/2016

2,301 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
60.000 người mắc bẫy lừa đảo với tổng số tiền lên đến 19.000 tỷ đồng. Những người nhiều tiền đã mất hàng tỷ đồng; còn rất nhiều bà con nông dân tại các làng quê đang “sống dở chết dở” với những khoản nợ hàng chục triệu, thậm chí là trăm triệu đồng. Rất đơn giản là họ đã “ăn bánh vẽ” của Liên kết Việt rằng, bỏ vốn tham gia, tỷ suất lợi nhuận sẽ là 4.800%”!

60.000 người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp Liên kết Việt ấy, họ là những người vừa đáng trách vừa đáng thương. Đáng trách là họ đã quá nhẹ dạ, cả tin bọn lừa đảo; choáng ngợp với mức lãi “khủng” mà đồng tiền họ đầu tư mang lại. Thời buổi làm ăn rất khó khăn hiện nay, có ai buôn bán, kinh doanh mà kiếm được lãi tới mức “một vốn bốn lời”. Thế mà họ cả tin vào lời lừa phỉnh của Liên kết Việt rằng bỏ ra 1 đồng vốn thì thu về 4.800 đồng tiền lãi!

Và bây giờ, họ trở thành những người đáng thương vì đã “khuynh gia bại sản” để mang tiếng ở đời, lâm vào cảnh khốn khó. Không ai còn hy vọng lấy về được số tiền đã trót bỏ vào túi bọn lừa đảo ấy. Nhiều người còn đau khổ hơn bởi họ phải đi vay tiền lãi để tham gia vào mạng lưới đa cấp.

Họ tin vào Liên kết Việt hơn bởi bị lừa rằng, đó là công ty của Bộ quốc phòng. Ba chữ cái viết tắt “BQP” mà Liên kết Việt trắng trợn mạo nhận là doanh nghiệp quốc phòng đã trở thành mồi nhử người hám lợi. Trong những buổi lễ đón nhận danh hiệu giả, chúng tìm cách mời một số vị đại tá quân đội đã nghỉ hưu, thậm chí cả Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên thứ trưởng Quốc phòng đến dự. Bản thân Lê Xuân Giang cũng thường xuyên xuất hiện với bộ quân phục mang lon đại tá. Ai cũng nghĩ đây là “cơ hội trời cho” nên đã vận động, lôi kéo thêm anh em, bạn bè tham gia.

thay gi qua vu lien ket viet lua dao
Công ty đa cấp lừa đảo làm giả bằng khen của Thủ tướng

Từ giữa năm 2015, dư luận xã hội đã bắt đầu lên tiếng tố giác hành vi lừa đảo của Liên kết Việt nhưng sau đó lại rơi vào im lặng. Bộ quốc phòng là cơ quan bị Liên kết Việt lợi dụng danh nghĩa để lừa đảo cũng chưa có động thái phản ứng quyết liệt, kịp thời. Phải đến cuối năm, khi cơ quan điều tra vào cuộc, bộ mặt thật của Liên kết Việt mới bắt đầu được phanh phui. Và hôm nay, 7 cán bộ, nhân viên của Công ty Liên kết Việt bị bắt, hàng vạn người mới ngã ngửa, sững sờ.

Các bị can bị tạm giam gồm Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tú, là Phó tổng giám đốc; Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn đều thuộc nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh; Trịnh Xuân Sáng, phụ trách công nghệ thông tin của công ty này.

Theo cơ quan CSĐT, chỉ trong hơn 1 năm hoạt động, các bị can tại Công ty Liên kết Việt đã lừa đảo hơn 60.000 người với số tiền trên 1.900 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh đa cấp. Bị can Lê Xuân Giang được xác định là người đứng đầu, lập ra Công ty Liên kết Việt, đồng thời đối tượng này cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.

Liên kết Việt được nhiều người biết đến vào khoảng tháng 8/2015 khi clip hình ảnh nhân viên bán hàng của công ty được đăng tải trên mạng Internet với câu khẩu hiệu giật gân: “Khách hàng chỉ cần bỏ ra 9,3 tỷ đồng, sẽ thu về 450 tỷ đồng”.

Nhiều người nghi vấn các mặt hàng kinh doanh của Công ty Liên kết Việt khá nghèo nàn, chỉ một số máy khử độc Ozone, máy chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng nhưng vẫn lao vào mạng lưới vì khoản lợi nhuận lớn và những hình ảnh hào nhoáng mà công ty này tự vẽ ra.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Liên kết Việt đã liền lúc phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; kinh doanh trái phép; Sản xuất hàng giả” theo quy định của Bộ luật hình sự.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cầm đầu Công ty này rõ ràng là có tổ chức, sự câu kết chặt chẽ của nhiều đối tượng, thể hiện rõ sự gian dối từ phương thức, động cơ, mục đích bằng việc quảng bá, nhân danh, mạo mượn hình ảnh thiếu trung thực nhằm tạo lòng tin cho các bị hại để chiếm đoạt tài sản. Số người bị hại và khoản tiền mà Liên kết Việt đã lừa đảo, chiếm đoạt trong vụ án này đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng như hệ lụy tiêu cực nặng nề đối với bị hại và niềm tin của người dân dành cho mô hình bán hàng đa cấp.

Hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được thể hiện rõ thông qua kết quả xác minh tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho thấy trong hồ sơ lưu trữ không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng Chính phủ cấp bằng khen cho Công ty Liên kết Việt. Hành vi này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Khi điều tra mới phát hiện những tài liệu đó là giả. Vậy hành vi này đủ dấu hiệu cần khởi tố bổ sung về tội danh “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thể hiện việc Liên Kết Việt có bán, phân phối ra thị trường máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và máy khử độc Ozone (G13) dán mác đơn vị sản xuất lắp ráp là Công ty BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng, nhưng thực tế Bệnh viện 108 và Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng không hợp tác, liên doanh liên kết, nghiên cứu khoa học gì với Công ty Liên kết Việt.

Loại hàng hóa vừa mang nhãn hiệu, kiểu dáng… của cơ sở sản xuất khác, vừa không có giá trị sử dụng mà nó mang tên nên thuộc loại hàng giả về nội dung và hình thức

Luật sư Vi Văn Diện khẳng định: “Với tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các đối tượng là “lãnh đạo” của Liên Kết Việt đã thực hiện một cách có tổ chức, sau khi điều tra, truy tố và tổng hợp hành vi, tổng hợp hình phạt (nếu có) và căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên thì các đối tượng khó có thể thoát được mức án tù chung thân và những hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, phạt tiền...”.

Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh đã ra đời từ năm 1920 ở một số nước trên thế giới, đến năm 1979 là thời kì bùng nổ của kinh doanh theo mạng. Từ năm 1990, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ và truyền thông, kinh doanh theo mạng có thể đơn giản hoá công việc nhờ vào điện thoại, Internet... Ai cũng có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để tham gia công việc và làm việc ở bất cứ đâu. Đầu thế kỉ 21, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam. Cuối năm 2004, Việt Nam đã có 20 Công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu là chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp. Để hoà nhập với xu hướng chung của thế giới, ngày 1/7/2005, luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành trong đó có những điều khoản quy định về bán hàng đa cấp. Đầu tháng 10/2009, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam được thành lập và Luật về bán hàng đa cấp được ban hành vào ngày 24/8/2005.

Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng hoa hồng từ việc tiêu thụ sản phẩm và mời được thêm người tham gia mạng lưới. Tỷ lệ tiền hoa hồng chỉ là phần lợi nhuận nhỏ, hợp lý thông qua kinh doanh chứ không thể có mức “khủng” 4.800% như bọn lừa đảo ở Công ty Liên kết Việt!

“Con sâu làm rầu nồi canh”, Liên kết Việt đã làm méo mó hình ảnh của mô hình bán hàng đa cấp, ảnh hưởng tới hàng chục công ty khác đang làm ăn chính đáng!

Đức Toàn