Cắt giảm điều kiện kinh doanh

Thay đổi tư duy quản lý, sáng tạo công cụ mới

13:00 | 17/03/2020

292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau một thời gian thực hiện quyết liệt vào năm 2017-2018, từ năm 2019 đến nay, việc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang được đánh giá là chậm lại và có xu hướng hồi phục những ĐKKD cũ. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - về vấn đề này.

Mục tiêu mờ nhạt

PV: Trước nguy cơ tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm ĐKKD đang chậm lại, các ĐKKD có chiều hướng hồi sinh, ông nhận định như thế nào về thực tế này?

thay doi tu duy quan ly sang tao cong cu moi

Ông Nguyễn Đình Cung: Trước hết, chúng ta phải xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD là gì?

Bản chất ĐKKD, về phía Nhà nước, đó là công cụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh. Nhưng về phía doanh nghiệp, đó là rào cản đối với hoạt động kinh doanh. Rào cản đó làm tăng chi phí, làm thị trường trở nên méo mó, làm cho sản phẩm gia nhập thị trường với chi phí cao hơn, tiếp cận cơ hội kinh doanh khó hơn, thị trường kém cạnh tranh hơn, làm cho hoạt động của thị trường trở nên kém hiệu quả hơn, từ đó làm giảm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhìn từ hai phía ấy, trong khoảng hai chục năm qua, cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm ĐKKD luôn luôn được nhắc đến như một nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính. Từ năm 2016 đến nay, công tác cải cách hành chính tập trung vào một trong những ưu tiên là cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cắt giảm số lượng các ĐKKD, hạn chế, thu hẹp thẩm quyền của các bộ và các cấp chính quyền địa phương trong việc ban hành các ĐKKD.

Năm 2017, chúng tôi đã kiến nghị, phải cắt bỏ 3/4 trong khoảng 4.000 ĐKKD. Tôi xin nhấn mạnh, đó không phải cắt giảm và đơn giản hóa mà là cắt bỏ hoàn toàn. Nhưng sau đó, kiến nghị trình lên Thủ tướng đã được thay đổi, chỉ cắt ít nhất 50%, đến khi ra văn bản lại giảm mức độ, chỉ là cắt giảm và đơn giản hóa ít nhất 50%. Như vậy, mức độ cải cách giảm rất nhiều và mục tiêu cũng mờ nhạt đi. Vì cắt giảm và đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD, nhưng trong văn bản không nói rõ cắt bao nhiêu, đơn giản hóa bao nhiêu và không giải thích đơn giản hóa nghĩa là gì? Đơn giản hóa, theo quan niệm của chúng tôi, nhiều khi chỉ là thay một cái tên, bỏ một hồ sơ hay là bỏ một nội dung gì đó trong hồ sơ..., sự không rõ ràng dẫn đến làm mờ đi mục tiêu và nhẹ đi yêu cầu cải cách.

Bản chất ĐKKD, về phía Nhà nước, đó là công cụ quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh. Nhưng về phía doanh nghiệp, đó là rào cản đối với hoạt động kinh doanh. Rào cản đó làm tăng chi phí, làm thị trường trở nên méo mó, làm cho sản phẩm gia nhập thị trường với chi phí cao hơn, tiếp cận cơ hội kinh doanh khó hơn, thị trường kém cạnh tranh hơn...

PV: Dẫu vậy, việc cắt giảm ĐKKD thực tế cũng đạt được những kết quả nhất định, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Cung: Đến năm 2018, tình hình khả quan hơn, ít nhất là về số lượng ĐKKD cắt giảm. Các bộ khá rầm rộ trong việc thực hiện chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD của Thủ tướng Chính phủ với thể hiện là hàng loạt văn bản mới được ban hành, tác động phần nào đến môi trường kinh doanh. Điều này rất quan trọng vì tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và cả xã hội rằng Chính phủ đang thực hiện cải cách quyết liệt, từ đó thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ trong nước.

Nhưng chỉ năm 2018 được như vậy. Sang năm 2019 và đến thời điểm này, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm ĐKKD chậm lại, thậm chí các ĐKKD cũ có dấu hiệu hồi sinh và thực chất cũng không ai trả lời được chất lượng đợt cải cách này như thế nào, vì rất khó đánh giá, không biết đánh giá theo mức độ nào, đánh giá theo mục tiêu hay đánh giá theo tác động đối với doanh nghiệp. Để đánh giá chính xác, chúng ta phải có một đường cơ sở trước cắt giảm ĐKKD là gì và sau cắt giảm ĐKKD là gì? Hay đơn giản hóa ĐKKD nghĩa là gì? Nhưng dù sao, theo tôi, nên có một cuộc đánh giá toàn diện.

Nặng về hình thức?

PV: Vậy theo ông, thực tế kết quả cắt giảm ĐKKD thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, việc cắt giảm ĐKKD không tác động và tác dụng bao nhiêu đối với môi trường kinh doanh và doanh nghiệp. Cho nên, tôi khẳng định phải cắt bỏ hoàn toàn 3/4 ĐKKD thì mới cải cách triệt để.

thay doi tu duy quan ly sang tao cong cu moi
Nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang cản trở môi trường kinh doanh

PV: Dựa trên cơ sở nào để ông cho rằng phải cắt bỏ hoàn toàn 3/4 ĐKKD mà không phải là một tỷ lệ khác?

Ông Nguyễn Đình Cung: Nhiều người đã hỏi tôi câu đó và tôi đưa ra tỷ lệ 3/4 dựa trên 4 điểm.

Thứ nhất, dựa trên nghiên cứu của tôi về cơ sở khoa học để đặt ra ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai là, căn cứ thực tiễn về hiệu lực của việc cắt bỏ ĐKKD.

Thứ ba là, dựa trên các thông lệ quốc tế.

Điểm thứ 4 rất quan trọng, thúc đẩy thay đổi tư duy quản lý bằng cách cắt bỏ những công cụ không có hiệu quả, chỉ là công cụ cho công chức lạm dụng quyền lực để tư lợi từ doanh nghiệp, Nhà nước. Có thể hiểu, khi tôi cắt công cụ của anh chứ không phải cắt quyền thì việc không còn công cụ cũ sẽ buộc anh phải suy nghĩ để sáng tạo công cụ mới, vừa quản lý tốt nhất vừa đạt mục tiêu của công cuộc cải cách. Đây là điều cực kỳ quan trọng vì nó thúc đẩy sự sáng tạo, tập trung của cơ quan quản lý Nhà nước vào quản lý một cách đúng nghĩa. Điểm thứ 4 này có lẽ chưa ai nói tới và đó mới là điều “cốt tử” cho công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi khi chúng ta kiên quyết làm như thế thì tự nhiên cả hệ thống quản lý phải đổi mới tư duy, phải thay đổi phương cách quản lý.

PV: Thời gian qua, ở nhiều nơi, nhiều lúc, dường như việc cắt giảm ĐKKD thiên về đối phó, hình thức?

Ông Nguyễn Đình Cung: Nếu thực hiện quản lý bằng công cụ mới có thể làm mất đi quyền lực, lợi ích cá nhân và nhiều thứ nữa, nên ai đó có thể nghĩ ra nhưng vẫn không thực hiện, cứ công cụ quản lý cũ mà làm để hưởng lợi.

Mấy chục năm nay, các ĐKKD không thay đổi nhiều, không mang lại hiệu quả cả về quản lý và kinh tế nên phải cắt bỏ phần lớn, đặc biệt là không cho hồi sinh. Nếu ĐKKD cũ hồi sinh, nó tiếp tục làm hại đến môi trường kinh doanh, hại đến nền kinh tế, từ đó không thúc đẩy được đầu tư.

PV: Thưa ông, liệu có thể xảy ra trường hợp cơ quan quản lý nghĩ ra công cụ mới nhưng so với công cụ cũ thực ra cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”?

Ông Nguyễn Đình Cung: Rất khó xảy ra điều đó, vì công cụ mới phải dựa trên công nghệ và có rất nhiều phương thức để thực hiện, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Công cụ mới về cơ bản sẽ làm cho công tác quản lý phải dựa trên thông tin, thu thập thông tin và phân tích thông tin. Khi thu thập được thông tin, rất dễ phát hiện được vấn đề ở đâu, là gì và như thế nào, trên cơ sở đó sẽ can thiệp, xử lý và không thể vì mục đích gì khác ngoài mục đích chung. Cũng với cách quản lý đó, khi chuyển sang Chính phủ điện tử, mọi thứ sẽ chuyển đổi cực nhanh. Và, để thực hiện công cụ quản lý mới, các cơ quan quản lý Nhà nước phải xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin, xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, thành lập những đội chuyên thiết kế xây dựng những app, những giải pháp để giải quyết những vấn đề trong quản lý. Làm được như vậy thì việc xử lý các vấn đề vừa nhanh vừa rất hiệu quả.

PV: Vậy theo ông, để công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ ĐKKD thực sự hiệu quả, thời gian tới Chính phủ nên làm những gì?

Ông Nguyễn Đình Cung: Không thể tiếp tục đi theo con đường cũ, vì mấy chục năm nay, các ĐKKD không thay đổi nhiều, không mang lại hiệu quả cả về quản lý và kinh tế nên phải cắt bỏ phần lớn, đặc biệt là không cho hồi sinh. Nếu ĐKKD cũ hồi sinh, nó tiếp tục làm hại đến môi trường kinh doanh, hại đến nền kinh tế, từ đó không thúc đẩy được đầu tư.

Đối với những bộ, ngành không thực hiện chủ trương cắt giảm ĐKKD một cách quyết liệt, thực chất, Thủ tướng Chính phủ phải có biện pháp mạnh tay, nghiêm khắc.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất

thay doi tu duy quan ly sang tao cong cu moi
Bà Thảo trình bày nghiên cứu, khảo sát độc lập của CIEM về cắt giảm điều kiện kinh doanh

Theo rà soát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong 3 năm qua, Chính phủ đã có tới 40 văn bản chỉ đạo về cắt giảm ĐKKD. Riêng trong năm 2018, Chính phủ cũng có tới 20 văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến cắt giảm ĐKKD. Năm 2019, cắt giảm ĐKKD vẫn là mục tiêu ưu tiên với 10 văn bản chỉ đạo. Kết quả là các bộ, ngành đã cắt bỏ gần 3.500 ĐKKD, đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo đánh giá của bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, đây là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đó mới chỉ là thành công bước đầu, chỉ thể hiện trên số lượng, còn chất lượng thì chưa thực chất.

“Làm sao để nâng cao được chất lượng cải cách lên một bậc nữa là thách thức rất lớn trong thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới là phải tiếp tục rà soát những ĐKKD còn lại, nhất là những ĐKKD đang gây vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp”, bà Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ kết quả rà soát độc lập của CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM, cho rằng, kết quả cắt giảm ĐKKD thực chất mới đạt khoảng 30%, chủ yếu dưới hình thức đơn giản hóa, sửa đổi hình thức như: Giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự, quy mô diện tích của cơ sở vật chất... Ví dụ, ĐKKD trong lĩnh vực lao động, theo bà Thảo, thực chất chỉ là cắt giảm cơ học.

“Việc cắt giảm ĐKKD trong lĩnh vực lao động chủ yếu chỉ là giảm yêu cầu về số lượng nhân sự và quy mô diện tích cơ sở vật chất, không có sự cắt bỏ nào mang tính đột phá, mặc dù theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều điều kiện bất hợp lý có thể cắt bỏ được”, bà Thảo nói.

Bà Thảo phân tích: Khi chưa cắt giảm, ĐKKD dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện quy định: “Có ít nhất 5 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành; trong đó có ít nhất 3 người huấn luyện chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện và 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”. Còn sau khi cắt giảm, quy định thay đổi: “Có ít nhất 4 người huấn luyện cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung nghiệp vụ; trong đó có 1 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 1 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động”. Như vậy, việc cắt giảm ĐKKD thực sự không hiệu quả.

Ở một dẫn chứng khác, bà Thảo cũng chỉ ra sự thay đổi về quy mô diện tích mà không có sự cắt bỏ một cách thực sự để mang tính cải cách về cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Quy định trước khi cắt giảm là “Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5-7,5 m2/chỗ học”; sau khi cắt giảm là “Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5 m2/chỗ học”. Với những ĐKKD được cắt bỏ một cách cơ học đó, rõ ràng chỉ mang tính hình thức, không thực sự mang tính cải cách và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Điều đáng lưu ý hơn, theo bà Thảo, mặc dù các bộ, ngành báo cáo đã hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm ĐKKD, nhưng chưa có báo cáo đánh giá về hiệu quả và tác động của việc cắt giảm ĐKKD đối với doanh nghiệp và cũng thiếu giám sát việc tổ chức thực hiện.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng - Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng, việc Chính phủ gây áp lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm ĐKKD đã tạo nên những chuyển động, nhưng mới chỉ là tạm thời. Ông Tuấn cho rằng, rất khó để đánh giá được kết quả thực hiện, bởi có những khái niệm như “đơn giản hóa” chưa được quy định rõ, khiến cho các bộ, ngành còn lúng túng khi thực hiện, lẫn lộn giữa ĐKKD và tiêu chuẩn kỹ thuật… Ông Tuấn ví dụ: “Việc giới hạn quyền tự do kinh doanh bằng các ĐKKD là vì mục tiêu quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng... nhưng nhiều bộ đặt mục tiêu là để quản lý Nhà nước, sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường”.

Đối với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều khiến ông Tuấn lo ngại là tình trạng không thống nhất giữa các bộ, ngành về việc giữ hay bỏ, chưa có một chuẩn chung. Chẳng hạn, Bộ Y tế đề nghị bỏ ngành nghề kinh doanh thực phẩm ra khỏi danh mục này, nhưng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại nhất định nói không được bỏ...

Trước thực tế việc cắt bỏ ĐKKD đang có nhiều trở ngại, nhiều chuyên gia kiến nghị: Tiếp tục cắt bỏ, cải cách thực chất các quy định về ĐKKD, đồng thời thay đổi tư duy quản lý nhà nước, chuyển mạnh sang hậu kiểm, xem đó là giải pháp căn cơ để nâng chất lượng cải thiện môi trường kinh doanh.

Tú Anh