Thay đổi tư duy chính sách, điều hành nền kinh tế

13:02 | 24/12/2019

591 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 sắp đi đến điểm kết thúc. Việt Nam đã vượt qua chặng đường gần 10 năm phát triển như thế nào và những bài học gì được rút ra? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

PV: Là một nhà nghiên cứu, một chuyên gia kinh tế, theo ông, có những điểm nào đáng nhớ trong gần 10 năm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam?

thay doi tu duy chinh sach dieu hanh nen kinh te

Ông Nguyễn Đình Cung: Đây là năm thứ 9 và sang năm kết thúc 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Để nhìn nhận gần 10 năm này, chúng ta hãy nhìn lại 10 năm trước đó, tăng trưởng kinh tế tương đối tốt. Đặc biệt là năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không khí chuẩn bị của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 nói chung rất lạc quan. Cũng vì lạc quan mà đánh giá tình hình trong nước và quốc tế hầu như toàn màu... sáng cho nên đặt ra chỉ tiêu phát triển thời kỳ này tương đối cao, như tăng trưởng kinh tế phải đạt 7,5-8%.

Tuy nhiên, tình hình thực tế không như chúng ta dự đoán. Bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam xảy ra cơn “sốt” giá cả, lạm phát tăng rất nhanh, khoảng 18%/năm, giá cổ phiếu và đất đai tăng đến nỗi sáng một giá, chiều một giá... Tăng trưởng kinh tế tại thời điểm đó rất “nóng”. Cùng với đó, thế giới bất ngờ xảy ra khủng hoảng tài chính, khởi đầu từ Mỹ. Kết hợp những yếu kém của kinh tế trong nước và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngay đầu năm 2011, chúng ta phải điều chỉnh tư duy và chính sách, tiếp đó điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tôi nhớ, tháng 2-2011, đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng một cách hợp lý.

Thời kỳ 2016-2019, tăng trưởng không còn phụ thuộc nhiều vào khai thác dầu khí, than. Trước đây, nhiều khi phải “bơm” thêm 1 triệu tấn dầu hay “đào” thêm 500 nghìn tấn than bán để đạt mục tiêu tăng trưởng. Nhưng bây giờ, đạt mục tiêu tăng trưởng bằng cách thúc đẩy sản xuất. Đó là những thay đổi căn bản.

Như vậy, có thể thấy, chúng ta đã thay đổi tư duy chính sách là không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu mà đặt mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song song với đó là thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 339 thông qua đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Thời kỳ đó, Hội nghị Trung ương cũng nhấn mạnh phải ổn định kinh tế vĩ mô, nghĩa là ủng hộ Chính phủ về việc thay đổi khung khổ chính sách và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Trung ương lần đầu tiên ra kết luận về 3 trọng tâm tái cơ cấu gồm: Tái cơ cấu đầu tư, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính, trọng điểm là các tổ chức tín dụng.

Như vậy trong giai đoạn 2011-2015, về căn bản chúng ta đã ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đó, lạm phát giảm từ 18%/năm xuống 12%/năm, rồi 8%/năm và đến bây giờ là khoảng 3-4%/năm.

Tuy nhiên, có một vấn đề xảy ra, khi ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì đầu tư sụt giảm, tăng trưởng kinh tế giảm do tái cơ cấu kinh tế, chỉ đạt khoảng 6% trong giai đoạn 2011-2015, mức tăng trưởng thấp nhất trong các kỳ kế hoạch.

thay doi tu duy chinh sach dieu hanh nen kinh te
Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế ở mức cao

PV: Ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nền kinh tế bị trì trệ, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Ông có nhận xét gì về thực tế đó?

Ông Nguyễn Đình Cung: Thực ra, giai đoạn 2011-2015, về điều hành phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta có một bài học rất lớn và cũng phải trả học phí khá đắt cho bài học này. Vì chúng ta bị động, không chuẩn bị trước, cho nên ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nền kinh tế suy giảm. “Đau” nhất là khu vực kinh tế tư nhân, vì doanh nghiệp cảm nhận được một cách rõ nét một thực tế: Trước đây, họ tích lũy được bao nhiêu thì đến thời kỳ này hao mòn bấy nhiêu. Trước đây, họ phải vay vốn với lãi suất rất cao, đến thời điểm này, trong khi kinh tế khó khăn, kinh doanh không hiệu quả, lại phải trả lãi cao, dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp bị phá sản.

PV: Phải chăng bài học đó đã làm thay đổi tư duy, thay đổi cách điều hành nền kinh tế hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Cung: Từ năm 2016 đến nay, phải nói rằng, tư duy chính sách đã thay đổi, có lẽ phần nào cũng xuất phát từ bài học đắt giá giai đoạn 2007-2010 và giai đoạn 2011-2015 giải quyết những hệ lụy của giai đoạn 2007-2010. Sự thay đổi này ở chỗ, Chính phủ vẫn duy trì, kế thừa khung khổ chính sách như của giai đoạn 2011-2015, kế thừa được thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, nghĩa là Chính phủ vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trên cơ sở đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng. Như vậy, khác với trước đây, tăng trưởng bằng cách kích cầu nền kinh tế thì thời kỳ này tăng trưởng bằng cách cải thiện cung của nền kinh tế, cải thiện chất lượng, mở rộng quy mô cung của nền kinh tế. Theo tôi, như thế tăng trưởng mới bền vững hơn, thực chất hơn.

Giai đoạn 2020-2030, chúng ta phải xoay chuyển, ngoài cải cách phải lấy sử dụng hiệu quả nguồn lực làm trung tâm. Bởi hiện nay, Việt Nam có biểu hiện phân tán nguồn lực và lãng phí nguồn lực nên không tạo ra được một sức mạnh tổng thể quốc gia, không đưa nền kinh tế bứt phá lên được. Do đó, chúng ta nên tập trung nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả.

Từ năm 2016 đến nay, trong thực tế, tăng trưởng kinh tế được phục hồi từ 6,1% (2011-2015) lên khoảng 7%. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói mức tăng như vậy là cao. Kinh tế tư nhân phát triển, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn, kinh tế phát triển cân đối hơn và thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 có thể đạt khoảng 3.000 USD, nếu tính theo cách mới có thể lên tới 4.000 USD.

PV: Vậy theo ông, có thể đúc kết thành quả trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay là gì?

Ông Nguyễn Đình Cung: Đó là lạm phát thấp, khoảng 3-5%; ngân sách cân đối và duy trì được mức thâm hụt ngân sách thấp, khoảng 3,5%; xuất khẩu tiếp tục tăng, có thặng dư thương mại; dự trữ ngoại hối tốt hơn, đến nay đạt mức kỷ lục khoảng 73 tỉ USD. Mô hình, cách thức tăng trưởng cũng thay đổi, như trước đây phụ thuộc nhiều vào kích cầu, nghĩa là gia tăng cung tín dụng, gia tăng cung tiền, thâm hụt ngân sách, vay nước ngoài để đầu tư thúc đẩy tăng trưởng, thì hiện nay nhờ cải cách vi mô, nên tăng trưởng nhờ vào tăng năng suất nhiều hơn và tăng trưởng hiện nay không phụ thuộc vào gia tăng cung tín dụng của nền kinh tế.

Thời kỳ 2016-2019, tăng trưởng không còn phụ thuộc nhiều vào khai thác dầu khí, than. Trước đây, nhiều khi phải “bơm” thêm 1 triệu tấn dầu hay “đào” thêm 500 nghìn tấn than để bán nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Nhưng bây giờ, đạt mục tiêu tăng trưởng bằng cách thúc đẩy sản xuất. Đó là những thay đổi căn bản.

Một điểm nhấn nữa trong sự thay đổi là khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng rất tốt. Đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân ở trong nước gần như luôn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tăng 15-18%/năm, cao hơn cả đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2016 đến nay, tư duy chính sách đã thay đổi, Chính phủ vẫn duy trì, kế thừa khung khổ chính sách như của giai đoạn 2011-2015, kế thừa được thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, nghĩa là, Chính phủ vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trên cơ sở đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng.

PV: Thưa ông, liệu chúng ta có duy trì được những kết quả đó khi thời gian sắp tới dự báo có nhiều diễn biến khó lường về chính trị - kinh tế thế giới?

Ông Nguyễn Đình Cung: Có thể nói khó khăn nhất của Việt Nam là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Để ứng xử với cả hai quốc gia này, theo tôi là cả một nghệ thuật. Để tiếp tục ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và duy trì thành quả tăng trưởng có được trong thời gian qua, tôi nghĩ các giải pháp vẫn cần tiếp tục như hiện nay.

Giai đoạn 2020-2030, chúng ta phải xoay chuyển, ngoài cải cách phải lấy sử dụng hiệu quả nguồn lực làm trung tâm. Bởi hiện nay, Việt Nam có biểu hiện phân tán nguồn lực và lãng phí nguồn lực nên không tạo ra được một sức mạnh tổng thể quốc gia, không đưa nền kinh tế bứt phá lên được.

Do đó, chúng ta nên tập trung nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Tập trung nguồn lực, theo tôi, trước hết là tập trung về hạ tầng, tập trung vào những động lực phát triển ở các thành phố lớn, tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân. Cần xác định rõ hiệu quả là động lực của tăng trưởng. Cũng cần xác định rõ, cùng một lúc không thể đạt được tất cả mục tiêu tăng trưởng, mà phải có những mục tiêu ưu tiên, có trọng tâm, tùy theo từng thời điểm, giai đoạn, phải giải quyết từng vấn đề một.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng

Năm 2019 là năm ấn tượng của Việt Nam khi xuất siêu trong 11 tháng đạt mức cao nhất kể từ trước tới nay, lên tới gần 11 tỉ USD (dự tính chỉ hơn 9 tỉ USD).

thay doi tu duy chinh sach dieu hanh nen kinh te

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 241,7 tỉ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 230,7 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Với kết quả đó, thặng dư thương mại của Việt Nam đã lên tới 10,9 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số ước tính 9,1 tỉ USD trước đó. Đây là mức xuất siêu cao nhất kể từ trước tới nay của Việt Nam. Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu.

Đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) tới 166,7 tỉ USD.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ đạt 74,72 tỉ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là một chỉ số khá tích cực, cho thấy doanh nghiệp trong nước đã tăng cường xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nên tỷ trọng đóng góp của khu vực trong nước vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước 11 tháng năm 2019 cũng tăng lên 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.

11 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 241,7 tỉ USD. Đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) tới 166,7 tỉ USD.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2019, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 38 tỉ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc 37,4 tỉ USD, giảm 0,6%; ASEAN 23,4 tỉ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản 18,6 tỉ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc 18,4 tỉ USD, tăng 10,1% so với 11 tháng năm 2018.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 43 tỉ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỉ USD.

Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi do môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã ký kết và có hiệu lực.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, như Canada, Mexico.

Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bộ Công Thương cho hay, sẽ phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu 7-8%.

Tú Anh