Tháo gỡ khó khăn để các địa phương, doanh nghiệp bứt khỏi trì trệ

18:01 | 18/04/2023

38 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 18/4/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023.

Tham dự hội nghị, về phía Bộ Công Thương dự trực tiếp có: Thứ trưởng Phan Thị Thắng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; về phía địa phương dự trực tuyến, có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương, đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế hạ tầng của các tỉnh/thành phố và một số doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn để các địa phương, doanh nghiệp bứt khỏi trì trệ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đã báo cáo tóm tắt tình hình và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu năm 2023 của khối Công Thương địa phương; phát biểu của các địa phương về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đề xuất một số kiến nghị trong thẩm quyền của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững ngành công thương tại các địa phương; đồng thời báo cáo, kiến nghị với Chính phủ các nội dung, giải pháp vượt thẩm quyền của Bộ.

Các kiến nghị đã được Bộ trưởng lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng của Bộ đã đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương, trong quý I/2023 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của ngành Công Thương.

Một số kết quả nổi bật như: Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đạt kỷ lục tại nhiều quốc gia đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu; tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine; tình trạng đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều quốc gia thì kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương là một nỗ lực lớn.

Tháo gỡ khó khăn để các địa phương, doanh nghiệp bứt khỏi trì trệ
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiêu dùng trong nước khá ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt, một số vật tư hàng hóa chiến lược (xăng dầu, điện, than) được đáp ứng đầy đủ.

Chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng cao, có 48/63 địa phương đạt mức tăng trưởng dương trong quý I/2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực Công Thương địa phương còn một số hạn chế, như: Mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ; nhiều địa phương tăng trưởng thấp (thậm chí tăng trưởng dưới 1%) do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn; Ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp thì chậm tiến độ…

Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, các nguyên nhân khách quan chủ yếu là: Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát còn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; Cạnh tranh với các nước xuất khẩu (sau mở cửa), đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cùng một số địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại sẽ khiến hàng Việt phải cạnh tranh quyết liệt hơn ở các thị trường trọng điểm.

Về nguyên nhân chủ quan: Việc chậm công bố quy hoạch (các quy hoạch ngành Quốc gia và địa phương) dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực Công Thương; Sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án; Tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp (địa phương có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi còn thấp) gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch; Tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định và thị trường bất động sản trầm lắng; hầu hết dự án đầu tư công chậm tiến độ. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại trong thực thi nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm tăng trưởng, phát triển; việc làm, thu nhập của người lao động hạn chế làm sức mua thấp…

Tháo gỡ khó khăn để các địa phương, doanh nghiệp bứt khỏi trì trệ
Toàn cảnh hội nghị.

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 - một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau: Công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng tình hình khó khăn kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước; Khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương; Tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án;

Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ...); Tập trung chấn chỉnh kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành, khắc phục tâm lý e ngại trong cơ quan liên quan, có cơ chế bảo vệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát uốn nắn kịp thời trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương rất chia sẻ khó khăn với các địa phương và sẵn sàng thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ chức trách nhiệm của mình để góp phần tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn đối với địa phương, các doanh nghiệp để bứt phá khỏi tình trạng trì trệ và khó khăn như hiện nay.

Tùng Dương

Bộ Công Thương nói gì về kiến nghị sửa đổi quy định chiết khấu xăng dầu của doanh nghiệp?Bộ Công Thương nói gì về kiến nghị sửa đổi quy định chiết khấu xăng dầu của doanh nghiệp?
UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt NamUAE là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam
Việt Nam - Úc sớm ký kết cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mạiViệt Nam - Úc sớm ký kết cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại
Doanh nghiệp bán lẻ sắp được hoàn trả chi phí kinh doanh xăng dầu?Doanh nghiệp bán lẻ sắp được hoàn trả chi phí kinh doanh xăng dầu?