Thành quả chính sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Anh Johnson

14:14 | 11/06/2021

|
(PetroTimes) - BBC, Reuters, AP, USA Today ngày 10-11/6/2021 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Đây là dịp để Tổng thống Biden củng cố quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh, đồng thời thúc đẩy chủ nghĩa đa phương ngay trước thềm Thượng đỉnh G7. Thủ tướng Anh ca ngợi Tổng thống Biden là “luồng sinh khí mới”, cho biết cuộc hội đàm diễn ra thành công, kéo dài hơn 1h20, trao đổi về nhiều nội dung song phương, toàn cầu, Thượng đỉnh G7; có rất nhiều việc hai bên muốn cùng hợp tác, từ an ninh, NATO, tới biến đổi khí hậu. Theo dư luận báo chí Mỹ, hai bên đã “gặt hái” được 4 kết quả quan trọng nhất như sau:
Chuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với PutinChuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với Putin
Thành quả chính sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng  Anh Johnson
Tổng thống Mỹ Biden có cuộc hội đàm đầu tiên với Thủ tướng Anh Johnson. Ảnh: AP

Thứ nhất, hai bên đã ký “Hiến chương Đại Tây Dương” mới. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, “Hiến chương Đại Tây Dương” mới có mục tiêu “giải quyết những thách thức to lớn nhất của thời đại chúng ta”, “từ phòng thủ toàn cầu cho đến biến đổi khí hậu”. Lấy cảm hứng từ cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchil năm 1941 về xây dựng lại thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Hiến chương mới có mục tiêu xây dựng lại thế giới sau đại dịch Covid, bảo vệ nền dân chủ và xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu bền vững.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh rằng Hiến chương mới ghi nhận sự khác biệt của thế giới năm 2021 với thế giới năm 1941, nhưng “giá trị chia sẻ giữa Anh và Mỹ là như nhau”; “Churchil và Roosevelt đối mặt với câu hỏi giúp thế giới phục hồi sau chiến tranh tàn phá nặng nề”, còn chúng ta phải đối mặt với các vấn đề rất khác nhưng không kém phần thách thức là “xây dựng lại một thế giới tốt hơn sau đại dịch Covid”; “hợp tác giữa Anh và Mỹ, hai đối tác thân thiết nhất và hai đồng minh lớn nhất”, sẽ là “hết sức quan trọng đối với tương lai ổn định và thịnh vượng của thế giới”.

Tổng thống Biden cho rằng “Hiến chương Đại Tây Dương” đề cập “những thách thức chính của thế kỷ này”, “là an ninh mạng, công nghệ mới xuất hiện, y tế toàn cầu và biến đổi khí hậu”; khẳng định "mối quan hệ đặc biệt, mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước chúng ta”, làm mới "cam kết của chúng ta bảo vệ những giá trị dân chủ lâu dài mà hai dân tộc cùng chia sẻ”.

Hiến chương Đại Tây Dương mới nêu nhiều cam kết hợp tác Anh- Mỹ, trong đó có tăng cường quan hệ kinh tế, thúc đẩy thương mại, hợp tác công nghệ, xử lý vấn đề an ninh mạng, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học...

Thành quả chính sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng  Anh Johnson
Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Anh Johnson cùng phu nhân tại thành phố ven biển Vịnh Carbis, Cornwall, Anh. Ảnh: Toby Melville/Reuters.

Thứ hai, hai bên nhất trí nới lỏng các hạn chế liên quan đến đi lại sau Covid: nhất trí thành lập một nhóm chuyên trách để đưa ra các khuyến nghị chính sách về việc mở lại một cách an toàn việc đi lại quốc tế giữa Mỹ và Anh. Trước đại dịch, hàng năm, hơn 4,5 triệu người Mỹ thăm Anh và hơn 5 triệu người Anh sang Mỹ. Việc lập nhóm chuyên trách này cũng là một nội dung trong Hiến chương Đại Tây Dương mới. Thời gian cụ thể cho hoạt động của nhóm chuyên trách chưa được thông báo.

Thứ ba, Tổng thống Biden mạnh mẽ ủng hộ Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành, thỏa thuận hòa bình ở Bắc Ailen. Sau Brexit, Bắc Ailen thuộc Anh, nhưng Ailen là thành viên EU, thương mại xuyên biên giới với EU làm phương hại sự ổn định khu vực biên giới Ailen. Chính phủ của Thủ tướng Johnson phải nỗ lực tìm kiếm một giải pháp được EU chấp nhận và không ảnh hưởng tới thỏa thuận hòa bình Bắc Ailen. Đây là vấn đề được Tổng thống Biden hết sức quan tâm.

Thứ tư, vấn đề viện trợ vắc-xin Covid 19 cho các nước thu nhập thấp. Tổng thống Biden gọi Covid 19 là “kẻ thù hiện nay của hòa bình thế giới”, cho biết “kinh tế Mỹ đang phục hồi”, “đó là lợi ích của nước Mỹ” khi muốn nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng nếu như không thể kiểm soát được đại dịch toàn cầu thì nền kinh tế thế giới không thể phục hồi; tuyên bố Mỹ đã mua 500 triệu liều vắc-xin Pfizer Covid 19 để viện trợ cho 92 nước có thu nhập thấp và Liên minh Châu Phi (African Union). Thủ tướng Anh Johnson cho biết Anh sẽ đóng góp 100 triệu liều vắc-xin trong vòng 1 năm tới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ngày Thứ Sáu, các lãnh đạo G7 dự kiến sẽ thông báo kế hoạch viện trợ ít nhất 1 tỷ USD cho việc mua vắc-xin Covid 19. Chủ nhật, 13/6, Nữ hoàng Anh sẽ chiêu đãi Tổng thống Biden tại Lâu đài Windsor./.

Thanh Bình