Thanh Hóa: CSGT nổ súng bắn người vi phạm là sai

06:46 | 19/07/2013

819 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến vụ cảnh sát giao thông TP Thanh Hóa nổ súng khiến hai người tham gia giao thông bị thương, nhiều chuyên gia pháp lý và cán bộ cảnh sát giao thông đều cho rằng: “Việc nổ súng trong trường hợp của Đại úy Trần Ngọc Hoàng là vi phạm quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và có thể bị khởi tố”.

>> CSGT bất ngờ nổ súng làm 2 người bị thương

>> Thanh Hóa: Vì sao cảnh sát giao thông nổ súng bắn 2 người?

Như tin đã đưa, chiều 16/7, trên đường Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa đã xảy ra vụ nổ súng khiến hai người tham gia giao thông bị thương. Trong lúc truy đuổi người vi phạm Luật giao thông đường bộ, Đại úy Trần Ngọc Hoàng (thuộc Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã nổ súng làm anh Lê Văn Ngọc (36 tuổi, cán bộ Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Xương) và Tô Thế Kỷ (43 tuổi, đều ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương) bị thương.

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Lê Thiên - Công ty Luật TNHH Lê và Liên Danh (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, đoạn clip ghi lại hình ảnh về vụ việc cho thấy, hai người đi xe máy đã vi phạm pháp luật là không đội mũ bảo hiểm, có hành vi lạng lách, đánh võng, không chấp hành yêu cầu dừng xe của người kiểm soát giao thông. Nhưng họ không phải là tội phạm, hành vi của họ cũng chỉ là vi phạm hành chính. Như vậy, việc nổ súng trong trường hợp này là sai.

 Đại úy Hoàng truy đuổi hai người vi phạm giao thông trước khi nổ súng.

Theo Điều 22 - Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định các trường hợp nổ súng gồm: Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… Trong trường hợp này, mức độ đe dọa hoặc gây nguy hiểm đối với người thi hành công vụ chưa tới mức phải nổ súng.

Luật sư Lê Thiên cho rằng, quá trình điều tra, nếu xét thấy mức độ nghiêm trọng thì chiến sĩ cảnh sát giao thông kia còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 234, Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Hình phạt ở điều này như sau: “Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.

Còn theo Trung tá Đỗ Mạnh Ninh - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 8 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), quá trình tuần tra kiểm soát, hầu như tất cả cảnh sát giao thông đều được trang bị đủ công cụ hỗ trợ (súng bắn hơi cay, súng bắn đạn cao su, dùi cui, khóa số 8…). Những người được trang bị công cụ hỗ trợ phải tuân thủ các quy định của Nhà nước khi sử dụng vũ khí nóng và không phải trường hợp nào cũng được phép nổ súng.

Theo Trung tá Ninh, những trường hợp được phép nổ súng là: Khi cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến phát hiện những trường hợp như gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng mà bỏ chạy hoặc phát hiện trên xe có tội phạm nguy hiểm, những phương tiện vi phạm mà lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng xe mà bỏ chạy, chèn xe cảnh sát nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc