Thắng lợi bước ngoặt, bài học lịch sử

06:00 | 15/02/2018

524 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là người tham gia trực tiếp chiến dịch, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với phóng viên nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.  

Đòn "sét đánh" và tinh thần dũng cảm vô song

PV: Được biết trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông ở trong đội hình của Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tham gia tiến công và giải phóng Huế. Không khí và công tác chuẩn bị những ngày tháng đó như thế nào, thưa ông?

thang loi buoc ngoat bai hoc lich su
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh (ảnh: Phan Hương)

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh: Trung đoàn 9 chúng tôi khi ấy do anh Trần Văn Khám là Trung đoàn trưởng, anh Lê Khả Phiêu là Chính ủy được giao nhiệm vụ đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng của thành phố, như: Dinh Tỉnh trưởng Thừa Thiên; Sở chỉ huy biệt động quân 23; xưởng quân cụ; giải phóng nhà lao Thừa Phủ; chia cắt, cô lập Sân bay Phú Bài và thành nội Huế… Trước tết, đoàn cán bộ của trung đoàn đã đi chuẩn bị chiến trường, đoàn leo lên Hòn Đụn - điểm cao ở tây bắc thành Huế quan sát, xác định đường hành quân, vị trí tập kết.

Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 do tôi được giao làm quyền Đại đội trưởng. Điều tôi lo lắng nhất là thời điểm mùa đông giá lạnh, đặc biệt phải vượt qua sông Hương trong đêm tối. Đơn vị lần đầu tiên đánh vào thành phố chưa có kinh nghiệm, đường sá địa hình lại chưa nắm được. Khi tôi nêu khó khăn đó, không ngờ anh em lại bàn luận sôi nổi, tìm cách khắc phục, có một số anh em còn cho là chiến thắng đến gần rồi, chuyến này đơn vị “hạ sơn” xuống thành phố, đồng bằng đóng quân, không phải ở trong rừng, trên núi nữa…

Đúng đêm 30 tết, toàn đơn vị vượt sông Hương, đoạn ở Nguyệt Biều, Châu Chữ, xã Hương Thủy. Ai cũng phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử này.

PV: Huế là mặt trận ta chiến đấu và làm chủ lâu nhất (25 ngày đêm). Trong các trận đánh ở đây, ông nhớ kỷ niệm nào nhất?

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh: Chiến đấu trong những ngày lịch sử tại Mặt trận Huế, tôi không thể quên trận đánh chiếm Dinh Tỉnh trưởng và trận đánh địch co cụm tại thôn Phước Quả và Phú Cam.

Sáng 1-2-1968 (Mồng Một Tết Mậu Thân), sau khi chiếm được một số mục tiêu quan trọng, tôi đề nghị cấp trên cho phát triển nhanh sang hướng Dinh Tỉnh trưởng. Được trên đồng ý, chúng tôi lên phương án ngay. Hướng chính chúng tôi xác định là qua Trường Quốc học Huế; hướng thứ yếu qua đường Nguyễn Trường Tộ. Sau hơn một giờ chiến đấu, Đại đội 6 đã chiếm được Dinh Tỉnh trưởng. Vào 9 giờ sáng mùng Một tết, chúng tôi đã kéo cờ giải phóng lên cột cờ Dinh Tỉnh trưởng Thừa Thiên. Tới 15 giờ, ta bắt được tên Đại tá tỉnh trưởng khi hắn chạy tới ngã 6 gần nhà thờ Phú Cam, thôn Phước Quả.

Do ta dồn ép, vây chặt, lực lượng sĩ quan, binh lính ngụy quyền co cụm tại khu vực thôn Phước Quả và Phú Cam. Chúng dựa vào bọn phản động đội lốt công giáo co cụm về đây, chống trả ta quyết liệt. Chúng có khoảng 500 tên, nhiều tên là sĩ quan ác ôn, đầu sỏ. Nhiệm vụ mà Trung đoàn và Tiểu đoàn giao cho Đại đội 6 chúng tôi là tiêu diệt, bắt gọn bọn đầu sỏ, nhưng phải tránh thương vong cho nhân dân công giáo, chấp hành chính sách tín ngưỡng, không ảnh hưởng nơi thờ tự của đồng bào.

Tôi bàn và thống nhất với anh Hiếu - Chính trị viên là phải bao vây, tiến công liên tục, buộc địch phải rời nơi cố thủ để tiêu diệt. Đơn vị vừa tiến công bằng hỏa lực, vừa chốt chặn các tuyến tiếp tế. Do bị cô lập, đến ngày 2-2, bọn địch có dấu hiệu muốn chia nhỏ lực lượng để rút lui từ Phước Quả về Phú Bài. Chớp thời cơ, Đại đội 6 xuất kích xung phong khi địch vừa rời nơi cố thủ. Các mũi dũng mãnh xông lên đã tiêu diệt tại chỗ 360 tên, bắt sống 240 tên. Trận đánh này diệt gọn, hiệu suất cao, được cấp trên ghi nhận và biểu dương tại mặt trận…

thang loi buoc ngoat bai hoc lich su
Chính ủy Trung đoàn 9 Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) trao Cờ Giải phóng cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 Đặng Huy Mịch, trong Lễ xuất quân tiến công giải phóng Huế - Tết Mậu Thân 1968 (ảnh tư liệu)

PV: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khẳng định là một dấu mốc đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh: Tôi cho rằng, chủ trương mở cuộc tập kích chiến lược vào Tết Mậu Thân 1968 là táo bạo, đòn “sét đánh” giáng vào đầu chính quyền Mỹ, buộc Mỹ phải rời bỏ ảo tưởng để đối đầu với thực tế: Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân đội Mỹ có thể bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh. Thế trận chiến tranh nhân dân cho phép ta đánh địch ở cả những điểm mà địch nghĩ là “bất khả xâm phạm”. Thắng lợi của chiến dịch đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi lại bàn đàm phán với ta ở Paris.

Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh mỗi khi nghĩ về Mậu Thân 1968 là tinh thần kiên cường, dũng cảm vô song của quân và dân ta. Xét về tương quan lực lượng, phương tiện ta kém địch nhiều lần. Nhưng với lòng yêu nước và niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, anh dũng chiến đấu.

Chúng ta đã không dự liệu hết khó khăn

PV: Rõ ràng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã gặp nhiều khó khăn, tổn thất, đặc biệt khi ta kéo dài cuộc tổng tiến công sang đợt 2, đợt 3… Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh: Như trên tôi đã nói, về quyết tâm chiến lược là đúng và táo bạo, nhưng rõ ràng là khi đánh giá về địch, ta đã không dự liệu hết được các tình huống khó khăn. Nên nhớ lúc đó, đội quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường đông đến 50 vạn tên, cộng với quân ngụy và quân một số nước khác là hơn 1 triệu tên, có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Trong khi đó, ở miền Nam, tuy ta cũng đã xây dựng được một số đơn vị chủ lực, nhưng chưa thể xem lực lượng quân sự của ta lúc ấy đủ mạnh để mở một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các đô thị. Cho nên mục tiêu và chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong mối tương quan lực lượng như thế, theo tôi là chưa sát thực tế.

Đến cuối năm 1968, khi lực lượng ta đã tổn thất nhiều, yếu tố bất ngờ không còn nữa, thế nhưng ta vẫn ra nghị quyết về tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào đô thị như hồi Tết Mậu Thân. Vì thế, địch đã tập trung lực lượng bình định ở nông thôn và đối phó với ta ở đô thị, gây cho ta khó khăn trong 2 năm 1969, 1970.

PV: Trong các bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông tâm đắc với bài học nào nhất?

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh: Tôi tâm đắc bài học rút ra từ chiến dịch Tết Mậu Thân là tư tưởng quyết tâm chiến lược dám đánh, quyết đánh. Đó còn là kinh nghiệm chọn mục tiêu hiểm, đánh hiểm, đánh thẳng vào trung tâm đầu sỏ, gây chấn động, bất ngờ làm rung chuyển toàn bộ thế bố trí chiến lược của địch. Bao trùm là bài học phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn luôn vận động để có chủ trương đúng, quyết định đúng. Chỉ có thế, ta mới tránh được khuyết điểm để giành thắng lợi to lớn, trọn vẹn…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Tiến