Than vẫn ra - rừng vẫn xanh

14:19 | 26/11/2019

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện đang có hơn 30 đơn vị thành viên hoạt động tại Quảng Ninh, trong đó có 24 đơn vị trực tiếp khai thác, chế biến, tiêu thụ than. Để hạn chế ô nhiễm, mỗi năm, TKV dành nguồn kinh phí đầu tư khoảng 700 tỉ đồng cho công tác bảo vệ môi trường.

Quảng Ninh có vùng khai thác, chế biến, tiêu thụ than với phạm vi rộng, trải dài từ thị xã Đông Triều, TP Uông Bí, huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long cho tới TP Cẩm Phả hàng trăm cây số, với các mỏ khai thác hầm lò, lộ thiên. Các bãi thải mỏ với hàng trăm triệu m3 đất đá tạo thành các quả đồi với độ cao 200-300m tiềm ẩn nhiều rủi ro vào mùa mưa lũ đối với các khu dân cư sinh sống gần đó, hàng ngày phát tán bụi, tiếng ồn ra môi trường.

Than vẫn ra - rừng vẫn xanh
Hàng trăm đoàn viên công đoàn, thanh niên tham gia trồng cây tại mặt bằng khai trường Công ty Than Hà Lầm

Những bãi thải từ việc khai thác than ở Quảng Ninh đã hình thành cách đây hơn 1 thế kỷ, chủ yếu ở TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, nơi tập trung nhiều mỏ khai thác than lộ thiên. Vào mùa mưa, hàng trăm hộ dân sống dưới chân các bãi đổ thải cao thường xuyên phải chạy lũ bùn hoặc chứng kiến bùn đất ngập tràn trong nhà, ngoài sân. Không chỉ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho tính mạng, tài sản người dân, những bãi thải còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động, mỗi năm đổ thải khoảng 250-300 triệu m3 đất đá của các mỏ lộ thiên và khoảng gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. Lượng đất đá đổ thải ngày càng tăng do các mỏ lộ thiên khai thác xuống sâu.

Đặc biệt, những biến đổi địa hình và cảnh quan diễn ra chủ yếu ở các mỏ khai thác lộ thiên. Các bãi đổ thải tạo nên những quả đồi cao ở các bãi thải mỏ như: Cọc Sáu cao 280m, Nam Đèo Nai 200m, Đông Cao Sơn 300m, Đông Bắc Bàng Nâu 150m, Núi Béo 240m… Bên cạnh đó, nhiều moong khai thác lộ thiên tạo nên địa hình âm có độ sâu từ 50-150m dưới mặt nước biển tại các mỏ Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo… Việc khai thác than lộ thiên đã bóc đi lớp đất màu, dễ bị xói mòn, chủ yếu là đất xen lẫn đá, xít than, khiến cho việc trồng rừng cải tạo môi trường gặp không ít khó khăn.

Trước áp lực gia tăng sản lượng khai thác than hằng năm, các đơn vị trực thuộc TKV đang phải đối mặt với vấn đề nước thải công nghiệp thải ra gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến hệ thống sông suối, hồ vùng ven biển. Trong khi hệ thống các trạm xử lý nước thải mỏ tại các mỏ khai thác than lộ thiên, nhất là các mỏ khai thác than hầm lò đang đối mặt với sự quá tải, vượt công suất, một số trạm bị xuống cấp đang cần được đầu tư thay thế.

Với nhiều nỗ lực, tính đến hết năm 2018, TKV đã cải tạo, phục hồi được trên 1.000ha bãi thải mỏ. Riêng năm 2018, đã trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường 100ha bãi thải.

Ý thức được nguy hại từ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác than gây ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và TKV đang cố gắng hết sức để khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra, tích cực triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường. Trong đó, trồng cây hoàn nguyên môi trường, phủ xanh bãi thải là nét nổi bật nhất. TKV đã ứng dụng hai công nghệ trồng rừng mới của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Với những cố gắng để “than vẫn ra - rừng vẫn xanh”, bằng phương pháp trồng cây công nghệ mới với trồng cây truyền thống, TKV đã trồng được trên 1.000ha rừng phủ xanh bãi thải, tương đương 35% diện tích các bãi thải ngoài. Giai đoạn

2016-2018, với giải pháp trồng cây mật độ cao, TKV đã cải tạo phục hồi môi trường được 415ha bãi thải, điển hình là các bãi thải: Chính Bắc núi Béo, Nam Khe Tam, Đông Khe Sim, Mông Gioăng, Khe Dè, đỉnh Đông Cao Sơn.

TKV dự tính kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2018-2020, phủ xanh trên 200ha bãi thải cũ. Chủ trương của TKV là trồng cây nào chắc cây ấy, trồng loại cây đã được thử nghiệm thích nghi với đồi cao gió lộng, loại dần các cây vòng đời ngắn, ưu tiên trồng các giống cây có giá trị lâu dài, lập rừng phòng hộ.

Hiện nay, tại một số bãi thải cũ của TKV, cây trồng đã phủ xanh, cao lớn thành rừng. Nhiều cánh rừng trồng lâu năm cây cối hỗn giao, dây leo, đất ẩm, hoang thú, chim chóc kéo về sinh sống. Mùa hoa keo nở rộ, đường lên mỏ ngào ngạt hương thơm, rừng ngát xanh trùng điệp.

Lãnh đạo TKV cho biết: Để đẩy nhanh thời gian phủ xanh bãi thải, TKV đã triển khai giải pháp trồng cây với mật độ cao. Chẳng hạn, theo yêu cầu, mật độ trồng cây chỉ là 2.500 cây/ha, song để phủ xanh nhanh, giảm thời gian 5-6 năm xuống còn 3-4 năm, có những nơi, TKV đã trồng trên 5.000 cây/ha. Không chỉ các bãi thải đã dừng hoạt động, với các bãi thải đang hoạt động, TKV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trồng cây phủ xanh từng phần. Tại bãi thải Đông Cao Sơn, nơi vẫn đang tiếp tục đổ thải, ở mức 300, những hàng keo lên xanh mơn mởn, xen với phi lao đang biến đất đá đổ thải khô cằn trở nên xanh tươi.

T.Nguyên